Dân nhậu Sài Gòn: Xưng người trong ngành bắt bẻ CSGT không đeo camera trước ngực

25/07/2019 08:03 GMT+7

Nồng độ cồn trong hơi thở là 0,614mg/lit khí thở nhưng ông H. (56 tuổi) xưng làm trong ngành, không chịu ký biên bản. Ông H. cho rằng CSGT không được dùng camera cầm tay mà phải đeo trước ngực… mới chấp nhận được.

Tối 24.7, Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn giao nhau với đường số 25, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Uống xong vài chai, dân nhậu bắt bẻ CSGT: “Sao không đeo camera trước ngực”

21 giờ, CSGT có mặt tại địa điểm kiểm tra. Ngay lúc này, dù đã hết giờ cho phép xe máy chạy vào làn ô tô từ một tiếng trước nhưng vẫn còn một số người chạy trong làn ô tô nên CSGT đã yêu cầu dừng xe lập biên bản, đồng thời kiểm tra nồng độ cồn.

Có nồng độ cồn trong hơi thở cao, ông H. vẫn một mực cãi lý vì cho rằng mình làm trong ngành nên nắm luật

Theo CSGT, những người nhậu xỉn đi xe máy rất thường xuyên đi vào làn ô tô, bất chấp nguy hiểm. Bên cạnh đó, khi những người đi xe máy dừng đèn đỏ, thấy ai có các biểu hiện chống chân loạng choạng, mặt đỏ lừ, mắt lờ đờ hoặc bịt khẩu trang kín mít CSGT cũng yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.

Không chấp nhận camera cầm tay của CSGT

Ông H. (56 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) điều khiển xe vision dừng đèn đỏ tại giao lộ trên thì CSGT yêu cầu ông tấp xe vào vị trí để kiểm tra nồng độ cồn. Mức cồn trong hơi thở của ông H. là 0,614mg/lit khí thở. Tuy nhiên, ông H. không chịu ký biên bản mà đứng đôi co với CSGT một hồi lâu. Ông khẳng định ông làm trong ngành nên nắm rõ quy định của luật.
Ông H. bắt bẻ CSGT: “Anh không đeo camera thì tôi không ký biên bản. Đâu, đâu, camera đâu? Anh đi tác nghiệp anh phải có camera đeo ở trên ngực. Bộ Công an nói với tôi rằng, CSGT phải đeo camera khi xử lý vi phạm, mà anh không đeo nên tôi không ký”.

Nồng độ cồn cho phép với người điều khiển xe máy là dưới 0,25mg/lit khí thở. Nhưng nồng độ cồn trong hơi thở của ông H. đã đạt tới 0,614mg/lít khí thở

CSGT liền chỉ tay về camera chuyên dụng của đơn vị, đang được một thanh niên xung phong cầm quay nói: “Hình ảnh nãy giờ chú thổi nồng độ cồn, camera của CSGT đã ghi lại ở đây rồi”. Dù vậy, ông H. vẫn viết vào phần lý do không ký biên bản rằng vì CSGT không đeo camera ở ngực nên ông không ký biên bản.
Khoảng nửa tiếng sau, CSGT phải dìu ông H. sang đường để đón xe ôm về nhà.
Về trường hợp này, Trung tá Trương Tiến Sĩ, Phó Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn cho biết, CSGT đã sử dụng camera chuyên dụng được cấp để quay khi xử lý vi phạm nồng độ cồn là đúng quy trình, không bắt buộc cứ phải là camera đeo trước ngực.

‘Tôi không bao giờ lấy xe nữa’

Anh T. (33 tuổi, quê Nam Định) làm thợ hồ và đang trên đường trở về nhà sau khi uống vài ly bia cùng bạn bè. Anh T. chạy xe máy vào làn ô tô nên được yêu cầu xuất trình giấy tờ và thổi nồng độ cồn. Mức cồn của anh T. là 0,629mg/lit khí thở. Sau khi ký biên bản, anh còn đứng lại xem CSGT xử lý các trường hợp khác.

Bị CSGT thổi phạt vì đi vào đường cấm, nhậu xỉn, mũ bảo hiểm không đúng quy định, anh T. khẳng định vứt luôn xe cho CSGT

Anh T. lớn tiếng: “Mấy ông làm ăn vậy là không được. Mai tôi không bao giờ lấy xe nữa, tôi vứt đi, tôi không cần xe. Làn ô tô đầy xe máy đi các ông giỏi bắt hết đi, vậy tôi mới phục”.
Anh K. (32 tuổi, quê Quảng Ngãi) vừa bước ra khỏi quán nhậu đi chưa được một đoạn đã bị CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Anh K. cười trừ giải thích, vì đi gặp khách hàng nên anh đã uống 3 lon. Anh cho rằng vì công việc nên phải uống như vậy và anh chắc chắn bản thân vẫn đủ tỉnh táo để chạy xe về nhà.
Trong 6 tháng đầu năm, Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn đã lập biên bản 168 trường hợp (9 xe ô tô, 157 xe máy) người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá giới hạn cho phép. Tất cả các xe đều bị tạm giữ 7 ngày và người vi phạm phải gọi người thân hoặc đi phương tiện công cộng để về nhà.

Một CSGT đã tự trang bị cho mình camera để ghi lại quy trình xử lý vi phạm, tránh những tình huống không hay với người vi phạm. Được biết, anh phải đầu tư gần 5 triệu đồng cho mũ và camera.

Dù việc tuyên truyền về tác hại của uống rượu bia mà vẫn lái xe thời gian qua được lan tỏa rộng rãi, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra ngỡ ngàng khi biết bị phạt nồng độ cồn thì không được tự chạy xe về nữa.

Trung tá Trương Tiến Sĩ cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn, CSGT gặp phải rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp phải mất đến 2 tiếng đồng hồ mới giải quyết xong do người vi phạm tìm đủ lý do kéo dài thời gian

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.