Dân nhậu ‘nhây’ với nữ CSGT: ‘Vợ tôi chỉ đưa giấy tờ photo sao xuất trình?’

10/09/2020 10:27 GMT+7

Khi được nữ CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ bản chính để lập biên bản, một người nhậu xỉn ‘cù nhây’ rằng anh chỉ được vợ đưa giấy tờ photo khi ra ngoài nên không thể xuất trình bản chính rồi không chịu thổi nồng độ cồn.

Đây là một trong số 4 trường hợp “cù nhây” với nữ CSGT khi nhậu xỉn, bị kiểm tra nồng độ cồn trên đường Phạm Văn Đồng – tuyến đường nội đô đẹp nhất TP.HCM.

Dân nhậu cò cưa ‘bắt lý’ nữ CSGT chỉ vì màu sơn xe

Tối 9.9, 5 nữ CSGT của đội hình nữ CSGT dẫn đoàn Công an TP.HCM phối hợp với tổ tuần tra kiểm soát của đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn tại giao lộ Phạm Văn Đồng – Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Nữ CSGT thu hút sự chú ý của người đi đường trong quá trình tuần tra kiểm soát

Ảnh: Độc Lập

Khi các phương tiện dừng đèn đỏ, thấy trường hợp nào khả nghi, nữ CSGT sẽ yêu cầu tấp xe vào lề để kiểm tra nồng độ cồn. Đường Phạm Văn Đồng cũng được mệnh danh là một trong những “phố nhậu” của TP.HCM, 4 trường hợp có hơi men trong người đã dùng đủ lý lẽ để bắt bẻ các "bóng hồng" CSGT.

‘Gọi vợ ra được không?’

Người đàn ông tên Nguyễn Minh Trí lái xe loạng choạng trước khi dừng đèn đỏ nên được CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Trước khi yêu cầu thổi nồng độ cồn, nữ CSGT mời ông Trí xuất trình giấy tờ.
Ông Trí nói: “Tôi xài toàn giấy photo, vợ chỉ đưa giấy photo khi tôi ra ngoài thôi”. Nữ CSGT đáp: “Anh cứ đưa chúng tôi xem”. CSGT vừa cầm giấy tờ photo trên tay được vài giây, ông Trí đòi lại, cất vào ví.

Ông Trí lái xe loạng choạng khi thấy CSGT

Ảnh: Độc Lập

Nữ CSGT giải thích: “Tôi nói anh nghe, luật quy định đi ra đường phải mang theo đăng ký xe, bằng lái xe bản chính, bản photo không được chấp nhận”. Ông Trí ngạc nhiên: “Sao không được, giờ thích bản chính đúng không, tôi gọi vợ mang ra được không. Mà vợ đưa vậy thì xuất trình vậy chứ giờ sao đưa liền bản chính được”.
Nữ CSGT không chấp nhận, yêu cầu ông Trí thổi nồng độ cồn vì đứng cạnh đã nghe mùi bia nồng nặc. Ông Trí phùng to miệng, lấy hơi nhưng rồi ôm máy không thổi. Nữ CSGT kiên trì hướng dẫn ông Trí thổi lại tới lần thứ tư máy vẫn không hiển thị kết quả đo.

Thấy nữ CSGT nói chuyện nhẹ nhàng, người thì chấp hành yêu cầu kiểm tra, người thì bắt bẻ, cự cãi

Ảnh: Độc Lập

Ông Trí liền kéo khẩu trang lên lại và cãi: “Tôi há to miệng thế này rồi thổi còn không được nữa hả trời. Nhậu có hai chai chứ mấy”. Tới khi có nam CSGT hỗ trợ, người này mới chịu thổi. Kết quả đo nồng độ cồn của ông Trí là 0,858mg/lít khí thở.
Đây là mức vi phạm nồng độ cồn phải chịu khung phạt cao nhất với số tiền phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng và tạm giữ xe 7 ngày. Trong lúc CSGT lập biên bản, ông Trí với bộ quần áo và đôi giày còn ám bụi xi măng, cầm theo túi đồ nghề đi sang một góc lẩm nhẩm vài câu chửi tục: “***, đi làm về người ta mời có hai chai”.

Nhiều nữ CSGT khi tham gia kiểm tra nồng độ cồn đều kiên trì, nhẹ nhàng thuyết phục để người vi phạm chấp hành

Ảnh: Độc Lập

Vì ông Trí đưa được tờ giấy hẹn cấp lại bằng lái của Sở GTVT nên ông chỉ bị lập thêm lỗi: Điều khiển xe mà không xuất trình đăng ký xe tại thời điểm kiểm tra. Nếu ngày lên nhận lại xe, ông Trí vẫn không xuất trình được đăng ký xe bản chính thì sẽ bị phạt thêm 1 triệu đồng, ngược lại thì bị phạt 150.000 đồng vì không đem theo đăng ký xe khi lưu thông trên đường.
Trước khi ký biên bản, ông Trí nói với CSGT: “Đọc giùm tôi đi, tôi không nhìn thấy chữ trên biên bản viết gì”. Nhưng sau khi nữ CSGT đọc xong, một hồi lâu người đàn ông này không ký biên bản. CSGT thuyết phục năm lần bảy lượt ông mới ký rồi đứng đợi CSGT đưa xe mình lên trên xe ô tô đặc chủng mới chịu về.

Nữ CSGT kiểm tra nồng độ cồn vào tối 5.9.2020 khiến nhiều dân nhậu ngỡ ngàng

Dân nhậu bắt bẻ nữ CSGT: ‘Em sai rồi đó nghe’

Trường hợp khác, ông Trần Khang (38 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) khi được nữ CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn thì thừa nhận: “Anh uống rồi, chắc chắn là có vi phạm nồng độ cồn, giờ anh chấp hành đầy đủ nè”.
Dù vậy, ông Khang thổi mấy lần vẫn chưa ra chỉ số trên máy đo. Ông Khang hỏi: “4 lon rồi sao chưa ra nữa”. Nữ CSGT trả lời: “Anh gồng lấy hơi chứ anh chưa thổi mà, anh xả hết hơi trong bụng vào ống này luôn nhé. Anh vui lòng thổi thêm một lần nữa giúp em”.

Vi phạm nồng độ cồn, có người còn bắt CSGT phải đọc kỹ từng chữ trong biên bản cho nghe rồi bắt bẻ

Ảnh: Độc Lập

Nồng độ cồn của ông Khang là 0.058mg/lít khí thở. Với mức này, ông Khang sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.
Ông Lâm Minh Nhật (36 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) có mức nồng độ cồn trong hơi thở là 0,419mg/lít khí thở thì yêu cầu nữ CSGT đọc biên bản cho nghe. Khi nữ CSGT đọc đến đoạn tạm giữ 1 xe máy màu xám, ông Nhật phản ứng: “Xe màu bạc mà sao kêu màu xám, em sai rồi đó nha”.

Người thì chọn cách gọi điện thoại cho người thân

Ảnh: Độc Lập

Nữ CSGT giải thích: “Anh không xuất trình được đăng ký xe nên chúng tôi không ghi theo màu trên giấy đăng ký xe được, anh nhìn BS xe đi, chính xác rồi đây. Còn chúng tôi thấy màu xám thì ghi màu xám chứ sao ghi màu bạc như anh nói được”.
Ông Nhật tiếp tục cự: “Ghi vậy sao anh lên nhận xe lại được, em sửa lại thành màu bạc đi anh mới ký biên bản”. Trả lời PV, ông Nhật nói: “Đi nhậu mà tự chạy xe về là xác định bị CSGT bắt bỏ xe luôn nên tôi mới đi xe máy, nhà còn chiếc xe hơi đó, thà bỏ xe máy chứ không bỏ xe hơi. Đang ngồi uống với bạn bè vợ kêu con đau nên chạy về liền”.

Đây là lần đầu những nữ CSGT này tham gia xử lý vi phạm nồng độ cồn

Ảnh: Độc Lập

Ngoài mức phạt nồng độ cồn 7 triệu đồng, ông Nhật còn bị lập biên bản thêm lỗi điều khiển xe mà không xuất trình được đăng ký xe, bằng lái xe tại thời điểm kiểm tra.
Sau khoảng 1 giờ 30 phút kiểm tra tại chốt và tuần tra trên đường, tổ công tác nữ CSGT đã tổng kiểm soát 10 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Một nữ CSGT trong tổ công tác chia sẻ, khó khăn đối với nữ CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn là nhiều trường hợp không hợp tác. “Nữ CSGT nói chuyện mềm mỏng hơn các anh nam nên có những người vi phạm đến năn nỉ, trình bày hoàn cảnh nọ kia. Dù vậy, có cồn vào người rồi rất nguy hiểm nên chúng tôi vẫn phải kiên quyết”, một nữ CSGT cho hay.

Để mang lại hiệu quả xử lý, các tổ công tác nữ CSGT đều có sự hỗ trợ của các cán bộ nam

Ảnh: Độc Lập

Nữ CSGT nhắc một người đàn ông ra đường phải đội mũ bảo hiểm thay vì mũ cối

Ảnh: Độc Lập

Trong tối 9.9, tổ công tác đã lập biên bản 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Các trường hợp đều phản ứng, bắt bẻ nữ CSGT

Ảnh: Độc Lập

Một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cũng cho biết, nữ CSGT chủ yếu được phân công các công việc hành chính tại đơn vị nên việc sắp xếp để nữ CSGT tham gia tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên đường đôi khi có chút thiệt thòi cho cán bộ nữ.
“Nữ CSGT ngoài chuyện cơ quan còn gia đình, con cái, nhất là những người có con nhỏ khi tham gia xử lý vi phạm nồng độ cồn ban đêm là phải nhờ người giữ con, chu toàn mọi việc ở đơn vị. Hình ảnh nữ CSGT xử lý vi phạm trên đường chúng tôi hy vọng sẽ là một điểm mới, qua đó người dân chấp hành luật nghiêm chỉnh hơn và tự giác nâng cao ý thức giao thông”, vị này chia sẻ.

Bị nữ CSGT bắn tốc độ: Người vi phạm thấy thoải mái vì cách hành xử nhẹ nhàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.