Dán nhãn nội dung truyền hình ở VN: Nhiệm vụ bất khả thi?

09/11/2014 09:00 GMT+7

Chỉ đến khi thông tin bộ phim Sex and the city (Chuyện ấy là chuyện nhỏ) gắn mác 18+ được đưa vào phát sóng thử nghiệm cho khung giờ chiếu muộn, dư luận mới chú ý đến việc có một chương trình được dán nhãn dành cho người lớn .


Hình ảnh trong phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ lên sóng VTV2 - Ảnh: T.L

Nhưng thực tế, truyền hình VN đã phát sóng không ít những bộ phim, chương trình cần phải được dán nhãn, cảnh báo từ lâu.

 

Người lớn có thể kiểm soát các kênh truyền hình cho trẻ em xem hay không bằng thao tác đơn giản. Bởi hầu hết các loại ti vi hiện nay đều có chức năng khóa kênh. Chỉ cần đặt mã pin, kênh sẽ bị khóa lại

Một biên tập viên truyền hình

Năm ngoái, chương trình truyền hình thực tế Người giấu mặt khiến khán giả phản ứng gay gắt khi phát sóng hình ảnh người chơi sờ bóp ngực, cởi áo bán khỏa thân, hay trò chuyện những nội dung nhạy cảm. Người giấu mặt mua định dạng chương trình Big Brother của truyền hình Hà Lan, dành cho đối tượng khán giả người lớn. Đáng ra, chương trình cần được dán nhãn, cảnh báo và phát sóng vào khung giờ muộn hơn thay vì khung giờ mà khán giả trẻ em có thể dễ dàng bật ti vi lên xem.

Sắp tới, bộ phim truyền hình Mưa bóng mây về chủ đề ngoại tình, trong đó có nhiều nội dung và hình ảnh mang yếu tố người lớn (dù đã được đạo diễn Trọng Trinh tiết chế để phù hợp với truyền hình) sẽ lên sóng khung giờ vàng vào lúc 20 giờ 30 dành cho đại đa số công chúng. “Những bộ phim, chương trình có yếu tố người lớn là nhu cầu thực tế của khán giả truyền hình và cần được ủng hộ. Không thể xem ti vi mãi kiểu phổ thông như bây giờ được”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói. Để “mở cửa” cho những chương trình như thế, theo ông, đã đến lúc VN phải dán nhãn với các nội dung truyền hình nhằm mục đích khuyến cáo, cảnh báo, bên cạnh đó là quy định khung giờ phát sóng cho những nội dung chương trình khác nhau.

Ai sẽ dán nhãn ?

Cục Điện ảnh đang phối hợp với nhiều đơn vị, trong đó có đài truyền hình, nghiên cứu đưa ra hệ thống phân loại phim mới, không chỉ dành cho đối tượng khán giả trên và dưới 16 tuổi như hiện hành. Hệ thống phân loại này cũng sẽ được áp dụng với phim truyền hình.

Theo dự kiến, hệ thống mới được áp dụng bắt đầu từ năm sau. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài truyền hình VN, cho biết: “Chúng tôi mới đang nghiên cứu, chưa có kế hoạch gì”.

Nhưng dù sao, trong tương lai VN sẽ có hệ thống phân loại phim truyền hình, trong khi các chương trình truyền hình - đối tượng cũng cần được dán nhãn - vẫn còn bị bỏ lơ. Một biên tập viên tại Đài truyền hình VN nói: “Ở các nước khác chẳng hạn như Hàn Quốc, hiệp hội truyền hình đứng ra để nghiên cứu, đưa ra hệ thống phân loại cho nội dung truyền hình. Còn ở VN, nếu làm thì ai sẽ làm đây? Không thể chỉ một đơn vị truyền hình đứng ra là làm được”. Còn ông Hà Nam cho biết: “Ở VN đâu giống với nước ngoài. Để làm được phải có ý kiến của các ban, ngành, rồi sau đó phải có đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu để đưa ra các chuẩn mới được”.

Người lớn kiểm soát trẻ em

Trong trường hợp các chương trình được dán nhãn, cảnh báo, nhưng làm thế nào để kiểm soát được đối tượng khán giả, chẳng hạn như trẻ em không xem được các chương trình 18+?

Các kênh truyền hình thế giới đưa ra nhiều giải pháp, ví dụ như quy định khán giả đủ tuổi muốn xem kênh người lớn phải đăng ký, thậm chí trả tiền. Kênh được khóa lại và người dùng phải có mã nếu muốn mở ra xem. “Hiện tại, khán giả VN chủ yếu xem truyền hình analog miễn phí, nên việc đó là hoàn toàn không thể”, một biên tập viên truyền hình nhìn nhận.

Một cách dễ hơn và được áp dụng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới là quy định khung giờ phát sóng phù hợp theo đối tượng lứa tuổi khán giả. Chẳng hạn, các kênh truyền hình ở Đức được quy định phát sóng các chương trình gắn nhãn FSK 12 (dành cho lứa tuổi trên 12) vào 20 giờ, FSK 16 (dành cho lứa tuổi trên 16) vào 22 giờ, và từ 23 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau dành cho các chương trình FSK 18 (dành cho lứa tuổi trên 18).

“Đã đến lúc chúng ta phải “luyện tập” không cho trẻ con được xem truyền hình từ 23 giờ, cho thành cái nếp, để về sau những phim có yếu tố nhạy cảm sẽ đặt vào khung giờ đấy. Thực ra trước VTV2, VTV3 đã có chương trình talk show Chuyện đêm muộn nói về những vấn đề tế nhị vào đêm khuya. Người ta làm vào giờ đó cốt để trẻ em không xem được”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói. Theo ông, nếu gia đình không kiểm soát, hay đứa trẻ không có ý thức thì chúng hoàn toàn có thể xem những chương trình người lớn ở chỗ khác: “Phim có gắn mác trên 16+ mà có đứa trẻ chưa đủ tuổi nhưng lớn tướng đến rạp thì người ta cũng làm sao biết được. Còn bọn trẻ bây giờ ở nhà cũng có thể lên mạng xem những thứ dành cho người lớn”.

Trong khi đó, theo một biên tập viên truyền hình: “Người lớn có thể kiểm soát các kênh truyền hình cho trẻ em xem hay không bằng thao tác đơn giản. Bởi hầu hết các loại ti vi hiện nay đều có chức năng khóa kênh. Chỉ cần đặt mã pin, kênh sẽ bị khóa lại”.

 Minh Ngọc

>> VTV sẽ phát sóng phim 18+
>> Phạt nhà sản xuất bộ phim 18+ 'Căn hộ số 69' 10 triệu đồng
>> Cục Điện ảnh họp báo về bộ phim 18+ Căn hộ 69
>> Phim '18+' vượt tầm kiểm duyệt

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.