Dân mong gì khi thắng kiện hành chính ?

22/08/2018 06:00 GMT+7

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên , hiện cả nước đang tồn khoảng 90 bản án, quyết định hành chính chưa thi hành mà bên phải thi hành án là chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện.

Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định, trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực của tòa đã hủy toàn bộ hoặc một phần thì chủ tịch UBND phải thi hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định.
Thế nhưng, thực tế tồn tại những bản án kéo dài chưa thi hành khiến người dân bức xúc, thậm chí chọn con đường khởi kiện lại trong bế tắc.
Hai vụ kiện đòi vàng
Khi chưa có quyết định hoãn thi hành án, chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện phải thi hành bản án, quyết định của tòa ngay, theo luật định, không trì hoãn dù đó là lý do gì
Ông Nguyễn Minh Sơn, Kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM
Cả hai vụ việc xảy ra tại TP.HCM. Gần nhất, tháng 6.2018 ông Dương Toàn Sang (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khởi kiện Chủ tịch UBND TP về hành vi hành chính không thực hiện bản án, quyết định của tòa. Cho rằng vụ kiện của ông thuộc trường hợp đã được giải quyết bằng một bản án của tòa nên TAND TP.HCM đã trả lại đơn khởi kiện. Không đồng tình, ông Sang đang tiếp tục khiếu nại.
Trước đó, ngày 21.10.2013, Công an Q.5 (TP.HCM) kiểm tra hành chính, lập biên bản ông Sang về hành vi vận chuyển 2 thỏi vàng 99,99%. Tháng 3.2014, nhận định ông Sang có hành vi kinh doanh, mua bán vàng không đúng quy định, Chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định phạt 87,5 triệu đồng, tịch thu 2 thỏi vàng đối với ông Sang. Ông Sang khởi kiện đề nghị hủy quyết định của UBND TP.HCM. Xử sơ thẩm năm 2015, TAND TP.HCM bác đơn khởi kiện của ông Sang. Đến tháng 11.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm hủy quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND TP.HCM. Hết thời gian để Chủ tịch UBND TP tự nguyện thi hành án và do ông Sang có đơn yêu cầu, ngày 12.9.2017, Chánh án TAND TP.HCM ra quyết định buộc Chủ tịch UBND TP.HCM thi hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực nhưng TP chưa thực hiện nên ông Sang kiện ra tòa.
Vụ việc thứ hai, ngày 9.5.2014 Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng ký quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phạm Duy Hiếu về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 15 triệu đồng và tịch thu 10 kg vàng. Quyết định này được ban hành sau khi Công an TP.HCM lập biên bản vi phạm hành chính từ việc phát hiện 10 kg vàng do ông Hiếu đang vận chuyển không phải do VN sản xuất.
Ông Hiếu khởi kiện, yêu cầu TAND TP.HCM hủy quyết định xử phạt hành chính, bởi 10 kg vàng không phải của công ty ông kinh doanh mà là tài sản riêng, được tặng khi vợ chồng ông kết hôn năm 2008...
Ngày 26.1.2016, TAND TP.HCM bác đơn kiện của ông Hiếu. Ông Hiếu kháng cáo, đến ngày 7.11.2016 TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Hiếu, sửa toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm của TAND TP, buộc Chủ tịch UBND và Công an TP thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Hết thời hạn tự nguyện thi hành nhưng Chủ tịch UBND TP không thi hành nên ông Hiếu có đơn yêu cầu TAND TP.HCM ra quyết định buộc Chủ tịch UBND TP thi hành bản án phúc thẩm. Ngày 7.3.2018, TAND TP.HCM có công văn đề nghị UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp để trao đổi việc TAND TP.HCM ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính của ông Phạm Duy Hiếu.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM, cho biết đang chờ các sở ngành có ý kiến tham mưu, đề xuất và hoàn tất các thủ tục liên quan đến vụ việc của ông Dương Toàn Sang. Về lý do chưa thi hành bản án hành chính đối với ông Hiếu, ông Hoan khẳng định đã nhận được yêu cầu thi hành án và theo luật thì phải chấp hành ngay. Tuy nhiên, sau khi có bản án phúc thẩm, UBND TP có đơn gửi TAND tối cao, Viện KSND tối cao đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Trong thời gian chờ xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, Công an TP và Sở Tư pháp có kiến nghị thi hành bản án, nếu giám đốc thẩm có quyết định khác so với bản án phúc thẩm, thì cơ quan chức năng TP sử dụng biện pháp cưỡng chế để thu lại 10 kg vàng; trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường (thuộc Sở Công thương) kiến nghị tạm thời chưa thi hành với lý do để chờ có kết quả giám đốc thẩm sẽ thi hành luôn”, ông Hoan cho hay.
Ông Dương Toàn Sang liên tục gửi đơn lên UBND TP.HCM "xin" được thi hành án sau khi tòa có quyết định buộc ủy ban thi hành án Ảnh: Duy Bình
Cơ quan nhà nước cần nghiêm minh
Bình luận về hai vụ kiện đòi vàng nêu trên, kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM) cho rằng: “Những lý do mà UBND TP.HCM viện dẫn để chưa thi hành án không thuộc trường hợp được hoãn thi hành án”.
Ông Sơn phân tích: “Theo điều 261 luật Tố tụng hành chính 2015, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao là người có thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và thời hạn tạm hoãn không quá 3 tháng. Khi chưa có quyết định hoãn thi hành án, chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện phải thi hành bản án, quyết định của tòa ngay, theo luật định, không trì hoãn dù đó là lý do gì. Trường hợp đã thi hành án xong mà sau này có quyết định giám đốc thẩm, làm thay đổi hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên phải thi hành án thì cơ quan hành chính có quyền khiếu nại, đòi bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Mọi công dân đều phải thực thi như vậy thì không lý do gì cơ quan nhà nước không thi hành”.
Vậy vì sao cả nước vẫn có gần cả trăm bản án, quyết định hành chính chưa được cơ quan hành chính thi hành?
Theo nguyên thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng, luật Tố tụng hành chính 2015 có bổ sung quan trọng về cơ chế tự nguyện thi hành án trong án hành chính, đồng thời xác định trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp đối với người phải thi hành án, song thực tế những quy định này mới chỉ dừng lại ở luật. “Khoản 1 điều 21 Nghị định 71/2016 quy định hình thức kỷ luật khiển trách đối với công chức, viên chức có hành vi chậm thi hành án; khoản 2 điều 22 Nghị định 71/2016, kỷ luật cảnh cáo đối với công chức, viên chức khi có hành vi “sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành”. Hai hình thức xử lý trách nhiệm này có lẽ dễ nhận biết và dễ xử lý trách nhiệm nhất nhưng thử hỏi từ thời điểm luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành và thời điểm Nghị định 71/2016 có hiệu lực thi hành (1.7.2016) thì đã có quyết định xử lý kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo nào chưa”, ông Hùng nêu vấn đề.
Về vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức chậm thi hành án, ông Nguyễn Văn Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho hay tháng 10.2017, Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội về công tác thi hành án năm 2017. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra, đôn đốc 85 bản án, quyết định hành chính của tòa đã có hiệu lực pháp luật chưa thi hành. Đến cuối tháng 4.2018, vẫn còn 36 bản án, quyết định trong diện cần đôn đốc trên chưa được chủ tịch UBND thi hành.
Cũng theo ông Lực, từ thời điểm nghị định 71/2016 có hiệu lực thi hành đến nay, chưa cán bộ, công chức nào bị xử lý trách nhiệm do không/chậm thi hành án hành chính.
Quên công khai quyết định buộc thi hành án ?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết Nghị định 71/2016 cũng quy định biện pháp công khai thông tin về việc không chấp hành án.
Ông nói: “Luật buộc Cục Thi hành án dân sự (THADS) đăng tải công khai quyết định buộc thi hành án hành chính trên trang thông tin điện tử của Cục đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các chi cục THADS trực thuộc, đồng thời tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) và cổng thông tin điện tử Chính phủ... Nhưng, đến nay đa số chưa cơ quan thi hành án nào làm được”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ở 4 website: Cục THADS TP.HCM, TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ, vào mục “Thông tin về việc không chấp hành án” thì duy nhất website Cục THADS TP.Đà Nẵng cập nhật thông tin về việc 3 cơ quan hành chính không chấp hành án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.