Đàn em Aespa được ưu ái, Red Velvet bị đối xử bất công?

17/01/2022 19:36 GMT+7

SM Entertainment đang bị chỉ trích vì đối xử bất công với Red Velvet .

Từ trước đến nay, video vũ đạo được coi là một phần không thể thiếu khi các thần tượng Hàn Quốc ra mắt sản phẩm mới. Hầu hết các nhóm nhạc Kpop đều sẽ phát hành video luyện tập, nhằm giúp fan có thể theo dõi toàn bộ điệu nhảy mà không cần đầu tư quá nhiều về trang phục hay góc quay. Đó cũng chính là lý do tại sao người hâm mộ phẫn nộ khi biết rằng Red Velvet - một nhóm nữ hoạt động gần 8 năm, với khoảng 20 lần trở lại sân khấu, nhưng chỉ có 5 video luyện tập vũ đạo trong suốt sự nghiệp của mình.

Red Velvet bị đối xử bất công

TWITTER

Cụ thể, nếu tính cả đội hình chính, solo và nhóm nhỏ, Red Velvet chỉ có 5 video luyện tập vũ đạo, đó là Rookie (2017), Look (2018), Umpah Umpah (2019), Naughty (2020) và Hello (2021). Ngoài ra, một số video luyện tập khác như Happiness (2014) và Dumb Dumb (2015), đã bị phát tán ra bên ngoài, nhưng SM Entertainment vẫn không có động thái sẽ công bố bản chính thức.

Video luyện tập Power Up được quay nhưng không phát hành

CHỤP MÀN HÌNH

Đối với trường hợp của ca khúc hit Power Up (2018), Monster (2020) và Queendom (2021), mặc dù phía công ty đã “nhá hàng” và thực hiện quay video luyện tập cho các thành viên nhưng đến hiện tại sản phẩm chính thức vẫn chưa được phát hành.

Nhóm nhỏ của Irene và Seulgi cũng gặp tình trạng tương tự

CHỤP MÀN HÌNH

Cách SM Entertainment đối xử với Red Velvet ngay lập tức bị so sánh với đàn em Aespa. Tuy chỉ mới ra mắt hơn một năm nhưng các cô gái Next Level được sản xuất rất nhiều video luyện tập vũ đạo, tương ứng với số lần trở lại của nhóm. Thậm chí, các video của Aespa còn được đầu tư chỉn chu về concept, góc quay, trang phục đa dạng…

Red Velvet không được “ưu ái” như Aespa

CHỤP MÀN HÌNH

Cộng đồng mạng cho rằng sự khác biệt trong video luyện tập vũ đạo giữa Red Velvet và Aespa chính là bằng chứng cho thấy SM phân biệt đối xử với các cô gái “nhung đỏ”. Song, bất chấp sự bất công từ phía công ty chủ quản, bằng năng lực của mình, Red Velvet ngày càng trở nên nổi tiếng và trở thành một trong những nhóm nhạc hàng đầu thế hệ thứ ba của Kpop.

Video tập nhảy của Aespa được đầu tư chu đáo

CHỤP MÀN HÌNH

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cũng chính vì cách dẫn dắt của SM Entertainment mà chủ nhân hit Psycho bị kìm hãm cơ hội bứt phá và phát huy hết thế mạnh sẵn có của mình. Do đó, người hâm mộ đang yêu cầu SM phải quan tâm và đối xử tốt hơn với Red Velvet, đồng thời cho phép nhóm phát hành video luyện tập vũ đạo.

Trên các trang công cộng trực tuyến, nhiều người để lại bình luận: “Tại sao Red Velvet có quá ít video luyện tập vũ đạo?”, “Aespa chỉ mới debut được một năm thôi mà đã có nhiều clip nhảy hơn Red Velvet rồi”, “Khả năng của Red Velvet hơn hẳn các nhóm cùng thời, nhưng vì vấn đề đãi ngộ nên danh tiếng tụt dốc”, “SM Entertainment đầu tư cho Red Velvet như thể họ đến từ một công ty tầm trung”...

Cách SM quảng bá cho Red Velvet chưa cân xứng với tài năng của nhóm

SM ENTERTAINMENT

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đưa ra ý kiến cho rằng cách quảng bá “gà nhà” của SM có vấn đề, thường xuyên thiên vị nhóm nam hơn các thần tượng nữ. Cư dân mạng bình luận: “SM lạ đời lắm, ít chăm chút cho nhóm nữ”, “Ai theo dõi SM sẽ thấy cách họ đối xử với Red Velvet và F(x) có nét tương đồng”, “Aespa chỉ được chăm ổn hơn một chút thôi chứ so với nhóm khác cũng “nhỏ giọt” lắm”, “Nhóm nam như EXO cũng không có nhiều video luyện tập vũ đạo”...

Nhóm nam nhà SM thường được thiên vị hơn nhóm nữ

SM ENTERTAINMENT

Mặt khác, vào trước đó, Red Velvet dự kiến sẽ ra mắt album phòng thu tiếng Nhật đầu tiên Bloom và đĩa đơn Wildside trong tháng 2.2022. Tuy nhiên, việc phát hành đã bị hoãn lại với lý do liên quan đến quá trình sản xuất của SM Entertainment.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.