Dân điêu đứng vì cá bè chết trên hồ thủy điện Plei Krông

14/07/2017 11:00 GMT+7

Cá bè nuôi trên hồ thủy điện Plei Krông, TT.Đăk Hà, H.Đăk Hà (Kon Tum) đang chuẩn bị xuất bán thì chết hàng chục tấn, đẩy người dân vào cảnh nợ nần, điêu đứng.

Chết lặng trước bè cá

Sáng 13.7, trở lại hiện trường nơi cá lồng bè chết, chúng tôi thấy cá chết nổi trên bè, mặt hồ còn rất nhiều, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Dọc theo bờ hồ, cá trôi vào trắng mép nước.

tin liên quan

100 tấn cá chết trên hồ thủy điện
Tại H.Đăk Hà (Kon Tum), 2 ngày qua cá nuôi trong lồng bè trên hồ thủy điện Plei Krông của người dân thuộc thôn Long Loi, TT.Đăk Hà và thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar chết hàng loạt, phần lớn là cá diêu hồng và cá trắm cỏ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng/hộ.

Ông Lê Khả Tuyên (60 tuổi) cho biết đã nuôi cá bè 5 năm trên hồ thủy điện này và chưa có bao giờ chứng kiến cảnh cá chết trắng bè kiểu này.

Ông Tuyên cho biết vào khoảng 5 giờ ngày 11.7, khi ông ra bè cá thì thấy bất thường: nước hồ giảm sâu, còn cá trong lồng thì ngáp, có biểu hiện ngộp chết. "Sau đó 3 - 4 giờ, cá lồng chết sạch không còn con nào", ông Tuyên xót xa.

Cá chết trôi vào bờ Ảnh: P.A

Theo ông Tuyên, cũng thời gian này năm 2016, nước hồ rút cạn hơn năm nay khoảng 4 m nhưng cá bè lại không chết. Còn năm nay, nước hồ thủy điện rút ít hơn thì cá lại chết. "Năm ngoái nước hồ đục hơn nhưng rút chậm, còn nay thì mực nước rút xuống nhanh", ông Tuyên nói.

Trả lời câu hỏi của PV khi hồ thủy điện rút nước có nhận được thông báo trước không, ông Tuyên nói bà con không ai nhận được thông báo của thủy điện.

Ông Trần Văn Tuấn (37 tuổi), chủ bè có 22 tấn cá chết, cho biết cá trắm cỏ chết đợt này nặng nhất là 11 kg, còn lại trung bình từ 5 - 7 kg, bán giá thị trường 40.000 đồng/kg.

"Giờ cá chết sạch, không biết lấy gì để trả nợ. Tôi cho cá ăn hết 5 - 6 triệu đồng/ngày. Đến giờ nợ 500 triệu đồng không biết lấy gì trả, chắc xin khoanh nợ lại", anh Tuấn than.

Người dân vớt cá chết tiêu hủy Ảnh: P.A

"Năm 2016 nuôi lấy kinh nghiệm chưa kiếm lời bao nhiêu. Năm nay cá đẹp, tưởng kiếm ăn được, ai ngờ chết hết", anh Tuấn nói và thẫn thờ nhìn bè cá đang bốc mùi của mình.

Cá bè chết nhưng cá tự nhiên trong hồ lại sống

Ông Trần Văn Chương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho biết sáng 13.7, UBND tỉnh Kon Tum đã gửi công văn hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Tuy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh này cho các sở, ngành phối hợp để làm rõ nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở hồ thủy điện Plei Krông.

Cơ quan chức năng tại hiện trường vụ cá chết Ảnh: P.A

Sáng cùng ngày, Sở TN-MT Kon Tum và Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Kon Tum đã lấy mẫu nước ở nơi xả thải của Nhà máy mì Tây nguyên, mẫu nước nơi cá chết và nước hồ thủy điện Plei Krông để xét nghiệm tìm ra thủ phạm gây ra nguyên nhân chết.

"Nếu là thiên tai thì xử lý cách khác, còn nhân tai thì nhất định phải xử lý thật nghiêm minh", ông Chương nói.

Theo UBND H.Đăk Hà, đến ngày 13.7 đã xác định được số lượng cá chết là gần 72,5 tấn. Theo đó, có tất cả 6 bè nuôi với 28 lồng cá, trong đó nuôi nhiều nhất là 5 tấn/lồng.

Chiều 13.7, ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty thủy điện Ya Ly (đơn vị chủ quản Thủy điện Plei Krông), cho biết đã  làm báo cáo về quy trình điều tiết nước hồ thủy điện Plei Krông gửi cho UBND tỉnh Kon Tum ngay trong chiều 13.7.

Gương mặt đau buồn của ông Tuyên Ảnh: P.A

Theo giải trình này thì  từ 1 giờ ngày 10.7 đến 1 giờ ngày 11.7, lượng nước hồ giảm 1,43 m (từ cao trình 545,28 m xuống 543,85 m); từ 1 giờ ngày 11.7 đến 1 giờ ngày 12.7, mực nước giảm 0,52 m (từ cao trình 543,85 m xuống 543,33 m).

Riêng từ 1 giờ ngày 12.7 đến 1 giờ ngày 13.7, mực nước hồ thủy điện tăng 0,93m (từ cao trình 543,33 m lên 544,26 m). Như vậy, mực nước giảm nhiều nhất trong 2 ngày 11 và 12.7 là gần 2m chứ không phải 7 m như địa phương H.Đăk Hà nhận định.

Cá chết trôi khắp nơi Ảnh: P.A

Theo ông Trần Văn Chương, việc tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ cá chết hàng loạt trên hồ thủy điện Plei Krông thì ngành chức năng đang làm.

Riêng ý kiến cá nhân, ông Chương phân tích: nếu nước hồ thủy điện bị ô nhiễm do ai xả thải bất thường làm cá bè chết, thì cá tự nhiên trong lòng hồ thủy điện này cũng chết. Tuy nhiên, trong thực tế thì cá tự nhiên ở hồ và cá trê nuôi trong bè đều không chết, mà chết là cá trắm cỏ và cá diêu hồng trong bè người dân nuôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.