Dân chủ và pháp quyền

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/11/2021 05:52 GMT+7

Suốt 75 năm qua, các nhiệm kỳ Quốc hội luôn lấy dân chủ, pháp quyền, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân làm tôn chỉ hoạt động.

Trong phát biểu bế mạc kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV ngày 13.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, suốt 75 năm qua, các nhiệm kỳ Quốc hội luôn lấy dân chủ, pháp quyền, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân làm tôn chỉ hoạt động.

Các giá trị dân chủ, pháp quyền mà Chủ tịch Quốc hội nhắc tới là tư tưởng cốt lõi trong bản Hiến pháp đầu tiên, được Quốc hội nước VN Dân chủ cộng hòa thông qua ngày 9.11.1946, cách đây đúng 75 năm.

Tới nay, trải qua 14 nhiệm kỳ Quốc hội, từ bản Hiến pháp đầu tiên, với 200 đạo luật đang thi hành, hệ thống pháp luật của chúng ta, theo nhiều đánh giá, đã “tương đối đầy đủ, thống nhất, đồng bộ”; bao quát hầu như đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, chất lượng công tác lập pháp đến nay vẫn còn nhiều điều để suy nghĩ. Nhiều tổng kết đã chỉ ra, văn bản pháp luật nhiều song ngày càng xuất hiện nhiều hơn tình trạng chồng chéo. Đến mức trong nhiều tình huống, việc tuân thủ pháp luật trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”, bởi khi tuân thủ luật này thì vi phạm luật kia, dẫn đến thực tế “sờ vào đâu cũng thấy sai phạm”.

Tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, cài cắm lợi ích cục bộ của bộ, ngành không còn là chuyện cá biệt, dẫn đến chất lượng của nhiều dự thảo luật trình ra Quốc hội không đạt yêu cầu. Nhiều dự án luật đã bị trả lại, rút ra giữa chừng. Một hệ thống pháp luật tốt, “thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế” vẫn là mục tiêu của chặng đường dài phía trước.

Quan trọng hơn, nhiều người vẫn canh cánh nỗi lo về việc pháp luật “chỉ nằm trên giấy” vì không được thực thi nghiêm minh, thậm chí không được tôn trọng. Tổ chức thực hiện vẫn “luôn là khâu yếu”.

Kể từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần khẳng định quyết tâm đổi mới các hoạt động của Quốc hội với tinh thần của một Quốc hội hành động, liêm chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhắc tới giá trị dân chủ, pháp quyền trong bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước.

Bởi chính tư tưởng tiến bộ nói trên đã giúp nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dù non trẻ nhưng đã thể hiện đầy đủ cốt cách của một thể chế dân chủ hiện đại, dựa trên nguyên tắc pháp quyền, tập hợp được sự ủng hộ của nhân dân để bảo vệ thành quả cách mạng, kiến thiết đất nước.

Lời nói đầu của bản Hiến pháp viết: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Và tới nay, mục tiêu “kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”, “thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân” vẫn là mục tiêu mà chúng ta hướng tới.

Thế nhưng, để những mục tiêu nói trên trở thành hiện thực, để những giá trị dân chủ, pháp quyền không chỉ “nằm trên giấy” hay khẩu hiệu; chắc chắn sẽ cần nhiều hơn những quyết tâm, hành động, liêm chính, không chỉ của Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.