Đàm phán khó khăn giữa chiến sự căng thẳng

07/04/2022 06:46 GMT+7

Trong bối cảnh chiến sự tiếp tục leo thang, cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga được đánh giá là đã trở nên hết sức khó khăn.

Sau khi rút gần hết lực lượng khỏi khu vực quanh Kyiv và miền bắc Ukraine, Nga đang nhắm đến việc kiểm soát toàn bộ vùng Donbass ở miền đông nhằm tạo ra hành lang trên bộ đến bán đảo Crimea, theo AFP dẫn đánh giá của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tâm điểm Mariupol, Sloviansk

Trong ngày giao chiến thứ 42 hôm qua, Nga thông báo đã bắn rơi một số trực thăng của Ukraine đang tìm cách sơ tán giới chỉ huy quân sự khỏi Mariupol. Bộ Quốc phòng Anh báo cáo chiến sự ác liệt và các cuộc không kích của Nga tiếp tục xảy ra tại thành phố này trong khi tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ vì hầu hết cư dân sống thiếu điện, nước, thuốc men.

Binh sĩ Ukraine tại làng Kolychivka, ngoại ô Chernihiv ngày 5.4

Reuters

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) dự báo Mariupol sẽ tiếp tục bị tấn công và chưa rõ liệu lực lượng Ukraine có thể cầm cự bao lâu. Mặt khác, ISW cho hay TP.Sloviansk ở tỉnh Donetsk có thể là “chiến trường then chốt kế tiếp” sau khi Nga rút quân khỏi miền bắc Ukraine. Theo phân tích, việc kiểm soát được thành phố này sẽ giúp Nga liên kết hai nhánh quân từ hướng đông bắc và đông nam với nhau, tạo thế bao vây lực lượng Ukraine tại miền đông.

Thống đốc Serhiy Gaidai tại tỉnh Luhansk của Ukraine hôm qua thông báo 5 hành lang nhân đạo sẽ được mở trong ngày và kêu gọi cư dân sơ tán khi còn an toàn. Ông Gaidai cho biết lực lượng Nga chưa chọc thủng phòng tuyến Ukraine tại vùng này nhưng họ sẽ không dừng lại.

Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 42 có gì?

Cùng ngày, thống đốc Roman Starovoit của tỉnh Kursk (Nga) cáo buộc Ukraine bắn pháo về phía các chốt biên phòng của Nga nhưng không gây thương vong hay thiệt hại. Quân đội Ukraine sau đó thông báo không có thông tin gì về việc chốt biên phòng của Nga bị tấn công.

Ukraine chưa muốn bàn về Crimea, Donbass

Trong bối cảnh chiến sự căng thẳng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cuộc đàm phán với phía Nga đã trở nên khó khăn hơn nhưng nhấn mạnh Ukraine buộc phải duy trì đối thoại vì “không còn cách nào khác”, theo Đài RT. Ông Zelensky nói việc từ bỏ đối thoại là điều dễ dàng nhất, trong khi điều khó khăn là vừa lên án hành động của đối phương nhưng vẫn phải tiếp tục đàm phán. Nhà lãnh đạo cho biết mục tiêu của ông là tìm lối thoát cho tình hình và không để mất phần lãnh thổ nào.

Người dân nhận thực phẩm tại Mariupol

Reuters

Trong một tuyên bố riêng, ông Zelensky nói rằng việc giải quyết vấn đề tình trạng của vùng Donbass và Crimea là không thể vào thời điểm này, đồng thời cho rằng nên tách biệt việc này với cuộc đàm phán chấm dứt chiến sự và rút lực lượng Nga khỏi Ukraine, theo tờ The Guardian.

Ông Putin nói phương Tây cầm "dao hai lưỡi" nếu quốc hữu hoá tài sản Nga

Trước đó, trong cuộc đàm phán với Nga, Ukraine đã đề xuất bắt đầu một giai đoạn kéo dài 15 năm để hai bên đối thoại về tình trạng của Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Trong thời gian đó, Ukraine và Nga không được phép sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết vấn đề.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 5.4 cho biết vào hôm 29.3, lần đầu tiên trong cả tiến trình đàm phán, Ukraine đưa ra đề xuất về tình trạng trung lập, những cam kết an ninh đối với nước này và viết rằng những cam kết đó “sẽ không áp dụng cho Crimea và Donbass”. Phía Ukraine chưa bình luận về thông tin này. Tiếp đó, ông Lavrov chỉ trích phương Tây sử dụng cáo buộc thảm sát dân thường tại thị trấn Bucha nhằm phá hoại bước tiến vừa mới đạt được trong vòng đối thoại tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi lực lượng Nga rút khỏi Bucha, hàng trăm thi thể dân thường được phát hiện tại thị trấn, cách không xa Kyiv về hướng bắc. Ukraine tố cáo binh sĩ Nga đứng sau vụ việc này nhưng Moscow kiên quyết phủ nhận, cho rằng đây là một màn dàn dựng nhằm bôi nhọ quân đội Nga.

Đồng rúp Nga tăng giá trở lại, cấm vận không có tác dụng?

Twitter hạn chế các tài khoản của chính phủ Nga

Twitter ngày 6.4 thông báo sẽ áp dụng các biện pháp mới nhằm vào các tài khoản của chính phủ Nga để giảm tác động của các tuyên truyền trên mạng xã hội này. Theo đó, các tài khoản Twitter của chính phủ Nga sẽ không còn được “đề xuất” cho người dùng Twitter trên tất cả các danh mục của ứng dụng, bao gồm cả trong tìm kiếm. Trong thông báo về động thái trên, Twitter cho rằng: “Chúng tôi sẽ không phổ biến hoặc đề xuất các tài khoản chính phủ thuộc các chính quyền vốn hạn chế quyền truy cập thông tin miễn phí và đang tham gia vào xung đột vũ trang”.

Vừa qua, tương tự Facebook, Twitter đã chặn tài khoản của hãng truyền thông nhà nước Nga RT và Sputnik ở các nước thuộc EU. Moscow đã đáp trả bằng cách hạn chế quyền truy cập Twitter trong nước, đồng thời chặn Facebook và Instagram.

H.G

Châu Âu dự định giảm nhập than từ Nga

Theo CNN ngày 6.4, Ủy ban châu Âu vừa đề xuất giảm dần nhập khẩu than từ Nga, trong đợt cấm vận thứ 5 nhằm phản ứng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đề xuất cấm nhập khẩu than trị giá 4 tỉ euro/năm, bên cạnh đề xuất nhằm vào lĩnh vực nhập khẩu công nghệ và hàng sản xuất của Nga trị giá 10 tỉ euro. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ 3 thế giới trong năm 2020, sau Úc và Indonesia, với khách hàng lớn nhất là châu Âu. Năm 2020, châu Âu nhập khẩu 57 triệu tấn than đá cứng từ Nga, so với 31 triệu tấn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu đang giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm này và sản lượng điện than đã giảm dần. Theo dự báo của IEA đưa ra trước chiến dịch của Nga ở Ukraine, nhu cầu than của châu Âu sẽ tiếp tục giảm 6% vào năm 2024.

Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.