Đam mê và niềm tin, hai yếu tố cần để khởi nghiệp

19/08/2018 14:16 GMT+7

Câu chuyện khởi nghiệp không mới, thế nhưng nhiều sinh viên vẫn còn đang băn khoăn với những câu hỏi "có nên khởi nghiệp khi còn sinh viên?", "khởi nghiệp thì cần những gì?"...

Tại buổi lễ phát động cuộc thi Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam vào  ngày 18.8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Microsoft Việt Nam và Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM đã  tổ chức buổi tọa đàm “Hướng nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo”. Tại đây, nhiều diễn giả đã có những chia sẻ nhằm tháo gỡ những thác mắc về câu chuyện khởi nghiệp cho sinh viên.

Khởi nghiệp cũng là một kỹ năng

Tại buổi tọa đàm, nhiều sinh viên bày tỏ sự lo lắng về những biến động rất lớn của cuộc cách mạng số đến đời sống. Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc ga TP.HCM,  khuyên mỗi bạn trẻ cần trang bị những kỹ năng cần thiết để thích ứng và ứng phó với sự biến động này.

“Kỹ năng thứ nhất là tư duy phản biện và sáng tạo, sáng tạo ở đây phải vừa là sáng tạo trong suy nghĩ và hành động. Và nhóm các kỹ năng thích ứng trong môi trường biến động lớn hiện nay là đòi hỏi mỗi người trẻ phải tái lập năng lực, thắc mắc, tò mò, sáng kiến, lãnh đạo và khởi nghiệp. Hãy hiểu khởi nghiệp như là hành vi mới để ứng xử với những vấn đề mới đang đặt ra. Và khởi nghiệp cũng là một kỹ năng. Kỹ năng khởi nghiệp là kỹ năng nghĩ ra giải pháp mới cho vấn đề mới”, ông Thi nhấn mạnh.

Nhiều sinh viên băn khoăn về khởi nghiệp Ảnh HOA NỮ

Cần làm quen với thất bại !

Trước câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để tránh được những thất bại trong khởi nghiệp, Lê Hoàng Nhật (sáng lập công ty cổ phần Ami), thẳng thắn thừa nhận khởi nghiệp là phải làm quen với thất bại, vì đó là điều không thể tránh khỏi và nhờ có thất bại đã mang lại cho Nhật những bài học kinh nghiệm quý báu.

Nhật kể, với dự án đầu tiên, bài học mà Nhật học được là chỉ làm cái mình thích nhưng không phải cái thị trường đang cần, như thế cũng thất bại ngay. Với dự án thứ 2, Nhật làm về giáo dục và đây là dự án phi lợi nhuận, nhưng không kêu được tài trợ lâu dài nên dự án cũng thất bại vì bài toán tài chính. Đến dự án thứ 3, Nhật thất bại vì các thành viên trong đội ngũ đồng sáng lập không cùng chung định hướng và quan điểm. Nên Nhật khuyên vấn đề cộng sự, bạn đồng hành cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của một dự án khởi nghiệp.

Rút ra từ những bài học thất bại của mình, Nhật khuyên: “Làm gì làm nhưng cũng phải rõ ràng ngay từ đầu. Để khi thất bại mất đi tiền, mất tình bạn, mất những mối quan hệ,…thì lúc đo mình có chấp nhận được hay không? Và thứ 2 là nên đọc sách nhiều, học nhiều, đặc biệt là các khóa học về khởi nghiệp hay các cuộc thi khởi nghiệp sẽ dạy cho các bạn được nhiều kỹ năng, để khi bắt tay khởi nghiệp sẽ tránh bớt những thất bại không đáng có”.

Hãy lắng nghe ý kiến của bản thân

Cũng tại buổi tọa đàm, với kinh nghiệm kêu gọi vốn thành công từ các nguồn đầu tư cả trong và ngoài nước, Phạm Tấn Phúc (đồng sáng lập công ty cổ phần GCalls), khuyên: “Trước khi khởi nghiệp phải tìm hiểu tất cả các giai đoạn của quá trình khởi nghiệp. Nếu mình đang có một ý tưởng tốt, và một đội ngũ tốt thì nên tìm kiếm nhà đầu tư nào cho phù hợp? Rồi khi có được sản phẩm thì nên tìm kiếm nhà đầu tư nào? Tất cả những vấn đề này các bạn phải nghiên cứu thật kỹ, các khóa học, các sách khởi nghiệp sẽ dạy cho các bạn từng giai đoạn khởi nghiệp khác nhau. Và đặc biệt phải hiểu thật rõ mình đang ở đâu thì mới có thể thuyết phục được các nhà đầu tư cũng như chọn nhà đầu tư thật sự phù hợp”.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm HOA NỮ

Nguyễn Thịnh (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) hỏi: “Yếu tố xuất phát điểm về gia đình và môi trường mình học có tác động gì đến quá trình khởi nghiệp của mình hay không? Và yếu tố nào là quan trọng nhất khi khởi nghiệp?”

Về vấn đề này Nhật khẳng định: “Khởi nghiệp không phụ thuộc vào bất kỳ hoàn cảnh nào, ở đâu cũng có thể khởi nghiệp và dù bạn là ai thì vẫn có thể khởi nghiệp được. Và các yếu tố quan trọng của khởi nghiệp đầu tiên là sự chân thành, phải chân thành với sản phẩm mình làm, với khách hàng và với cộng sự của mình; thứ 2 là sự khiêm nhường, phải khiêm nhường để học hỏi lẫn nhau và đặc biệt là phải có khát khao, một khát khao cháy bỏng để cho bạn động lực vượt qua những lần phải thất bại”.

Còn Đặng Viết Khoa ( sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) hỏi: “Em hoang mang không biết ra trường khởi nghiệp hay đi làm cho các công ty. Vì sinh viên như tụi em thường không có kinh nghiệm, rồi tiền bạc cũng không có thì lấy gì để khởi nghiệp. Và muốn khởi nghiệp thì sinh viên cần chuẩn bị những gì?”

Trước câu hỏi này của Khoa, ông Thi khuyên: “Ý kiến của những người đi trước rất quan trọng và ta cần phải lắng nghe. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất vẫn là ý kiến của chính mình, bản thân phải biết mình muốn cái gì? Và tiếp đến là cứ chọn điều mà mình muốn nhất và dấn thân, làm hết mình để tìm thấy chính mình. Đây mới là điều quan trọng nhất mà mỗi bạn trẻ cần lưu tâm. Còn khởi nghiệp theo quan điểm của tôi thì không cần phải chuẩn bị gì trước ngoài hai điều là đam mê và niềm tin. Có 2 thứ này thì tất cả các thứ khác từ từ sẽ xuất hiện trong hành trình khởi nghiệp của bạn”.

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.