Đám cưới rất... lạ

16/09/2020 08:03 GMT+7

Cô dâu cầm bó hoa làm từ những quả ớt chuông, nấm, măng tây...; chú rể cài hoa bằng súp lơ xanh. Mọi vật dụng trang trí đều từ các loại rau, củ, quả để khi đám cưới xong, mọi người chia nhau về nhà nấu ăn.

Đó là đám cưới độc đáo của Nguyễn Hoàng Thảo, chủ nhân các dự án về môi trường được nhiều người quan tâm.
Đám cưới rất... lạ

Thảo và chồng đều là những người trẻ yêu môi trường nên muốn làm một đám cưới không gây hại cho môi trường

Không tạo rác

Mọi người sẽ không tưởng tượng ra được cảnh đi đám cưới xong, khách mời mang rau, củ, quả về nhà để nấu ăn, thế nhưng cô dâu Hoàng Thảo đã làm được điều đó. Cô đã tạo nên một đám cưới mang được dấu ấn của riêng mình, cũng như mang lại những tác động tích cực đến môi trường và mọi người xung quanh.
“Mình hoạt động về môi trường, nên lúc nào cũng nghĩ cách để hạn chế rác thải nhựa, không gây hại cho môi trường. Vì vậy, ý tưởng về một đám cưới không tạo rác thải khó phân hủy của mình cũng ra đời như thế”, Thảo bày tỏ.
Cô nàng yêu môi trường kể đám cưới của cô không dùng đồ nhựa một lần, không ống hút, không ly hay bát nhựa. Cô cố gắng tổ chức đám cưới nhỏ, vừa đủ và tính toán cẩn thận nên không phải chuẩn bị quá nhiều đồ ăn, các món đều được chia nhỏ thành các miếng vừa ăn, nếu thừa thì mọi người chia nhau mang về ăn nốt chứ không bỏ đi, gây lãng phí. Thảo cũng không sử dụng các đồ trang trí dùng một lần như bóng bay, kim sa, kim tuyến…
“Từ bó hoa của cô dâu đến hoa cài áo cho chú rể cũng như đồ trang trí trên bàn đều là rau củ quả, rất xinh, hết tiệc mọi người chia nhau mang về nấu cho bữa ăn của gia đình hôm sau. Cá nhân mình thấy việc dùng hoa rất lãng phí, nên mới nghĩ ra cách này để thay thế. Mà lúc nhìn mọi người nhao nhao chọn các loại củ quả mang về, vui gì đâu - như trẻ con tranh quà của mẹ khi đi chợ về”, Thảo hạnh phúc kể lại.
Không những thế, Thảo nhờ bạn bè mang về cho mình một số cây ngô đồng (nguyên gốc), có cả trái để làm phông nền chụp hình ấn tượng. Và thế là cuối buổi, mọi người thích thú bẻ bắp ngô mang về. Còn quà cưới của cô dâu - chú rể là xà bông hữu cơ, bọc trong giấy thân thiện với môi trường…

Ngày trọng đại càng ý nghĩa hơn

Dĩ nhiên một đám cưới như thế sẽ không đơn giản và tiện lợi như những đám cưới bình thường, nhưng Thảo cho rằng nếu làm với tâm thế là mình biết việc này sẽ tốt cho môi trường hay có một tác động tích cực hơn đến người khác thì sẽ không có khó khăn hay áp lực nào về mặt tâm lý.
“Thật sự là sẽ mất công hơn vì phải đi tìm tòi, tìm hiểu những gì sẽ là giải pháp cho việc mình làm, nhưng mình nghĩ trí tưởng tượng và óc sáng tạo của con người là vô hạn. Sự kiện gì cũng vậy, muốn thì sẽ tìm ra cách để không tạo ra rác khó phân hủy, mà lại trở thành một sự kiện thực sự thân thương, gần gũi và đáng nhớ nữa”, Thảo bày tỏ.
Trước khi tổ chức cưới, vợ chồng trẻ này cũng đã nói trước với mọi người rằng mình sẽ tổ chức một đám cưới như vậy, nên cũng không quên những gạch đầu dòng lưu ý trước cho mọi người như: “Tụi mình muốn có một bữa tiệc không tạo ra rác thải khó phân hủy, nên nếu mọi người có mang quà cáp gì đến thì không cần phải gói trong bao bì hay túi đựng gì hết, bởi vì những cái đó thực sự không cần thiết”…
“Thế nhưng, mọi người đều rất vui vì chưa bao giờ dự một đám cưới nào đặc biệt như thế. Khi tự mang hoa, củ, quả về nhà để nấu nướng thì mọi người cảm nhận được mình cũng là một phần để làm nên một đám cưới không tạo ra rác, vì thế lại càng hạnh phúc”, Thảo hạnh phúc nhớ lại.
Thảo còn chia sẻ thêm: “Vì là ngày vui của mình, nếu tự bỏ công sức, lên ý tưởng, tự mày mò nghiên cứu cách này cách kia để tổ chức thì đám cưới sẽ thật sự mang dấu ấn cá nhân mình nhiều hơn. Điều quan trọng, một sự kiện trọng đại trong cuộc đời của mình nhưng lại không gây hại cho môi trường, rồi qua đám cưới này nhiều bạn bè thấy thích thú và bắt đầu tìm hiểu về các hoạt động để sống xanh nhiều hơn, thật sự điều này với vợ chồng mình rất ý nghĩa”.

Lan tỏa lối sống xanh

Là một cô gái yêu môi trường, từ năm 2013 đến nay, Thảo đã làm rất nhiều dự án để góp phần lan tỏa lối sống xanh và ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Thảo thành lập trang “Nói không với túi ni lông” để cung cấp những thông tin về tác hại của túi ni lông và những cách thay thế chúng...
Thảo còn sáng lập ra cửa hàng không rác thải, để tạo ra một thị trường làm sao thúc đẩy được người tiêu dùng bình thường quan tâm nhiều hơn đến vấn đề mua sắm, tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường, cũng như tạo ra động lực giúp các cửa hàng khác bán những sản phẩm thân thiện với môi trường…
Ngoài ra, Thảo thường xuyên tổ chức những hoạt động, sự kiện như các buổi nói chuyện về cách tái chế để cùng tạo ra một cộng đồng những người nói không với túi ni lông và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, Thảo đang kết hợp cùng một công ty chuyên về làm IT để tạo ra ứng dụng tích điểm tại các cửa hàng. Nếu đi mua đồ mà bạn không dùng bất kỳ túi ni lông hay rác thải nhựa nào thì sẽ được tích điểm ưu đãi, và khi tích đủ thì có thể sử dụng được ở nhiều cửa hàng khác chứ không chỉ riêng nơi mà bạn tích điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.