Đám cưới đặc biệt: Duyên lành

18/02/2022 11:01 GMT+7

Để tri ân và ghi nhận cống hiến của những y bác sĩ, được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức và cá nhân, ngày 20.2, Bệnh viện (BV) Quân y 175 tổ chức đám cưới đặc biệt cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên của BV sau thời gian dài tham gia phòng chống dịch Covid-19 .

Trong suốt 2 năm qua, cùng với các lực lượng tuyến đầu trên cả nước, các y bác sĩ (BS) toàn ngành y tế nói chung, của TP.HCM và BV Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) nói riêng đã dành tất cả sức lực và tâm trí của mình để chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19.


Cô dâu Lê Thị Huỳnh Như cùng chú rể Trần Tấn Lộc

Độc lập

Họ đã làm việc một cách tận tụy, hy sinh thầm lặng, tạm gác lại mọi công việc riêng tư, quên đi hạnh phúc của riêng mình, kể cả việc tổ chức đám cưới để dấn thân vào trận chiến. Sự dấn thân của họ đã làm lay động hàng triệu con tim và từ nay họ đã cùng nhau bước vào một cuộc sống mới, đúng nghĩa của một cuộc sống bình thường mới.

Tuyến đầu chống Covid-19 chụp ảnh cưới tập thể trên sân đậu trực thăng

Ròng rã chống dịch

Là một trong 20 cặp đôi tham gia đám cưới chung cho các nhân viên y tế do BV Quân y 175 tổ chức, anh Trần Tấn Lộc và chị Lê Thị Huỳnh Như hạnh phúc đếm ngược những ngày chính thức về chung một nhà sau 9 năm quen nhau, và sau 1 năm trì hoãn vì đại dịch.

Anh Lộc công tác ở Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM, còn chị Như là nhân viên Phòng Quản lý chất lượng BV Quân Y 175. Quen nhau từ thời sinh viên qua các hoạt động mùa hè xanh, anh Lộc say đắm nụ cười của chị Như tới bây giờ đã được 9 năm.

Dự định cưới đầu tháng 11.2021 nhưng tình hình dịch bệnh lúc này còn đang phức tạp, gia đình ở quê chưa tiêm vắc xin nên chị Như cùng anh Lộc chưa yên tâm để người nhà lên TP.HCM dự đám cưới. Hơn nữa, chị Như vào thời điểm đó vẫn đang phải chống dịch tại Trung tâm điều trị Covid-19 BV Quân y 175. “Gia đình cũng mong 2 đứa về chung một nhà sớm nhưng dịch bệnh không lường trước được nên mình hoãn, ưu tiên sức khỏe của ba mẹ ở quê trước, lúc nào an toàn rồi cưới mới yên tâm. Tổ chức một đám cưới chung cho nhiều nhân viên y tế như thế này thực sự mình rất vui và bất ngờ”, chị Huỳnh Như chia sẻ.

Chị Huỳnh Như (thứ 2 từ trái sang) từng tham gia chống dịch tại Trạm y tế lưu động số 6D (Q.8, TP.HCM)

NVCC

Suốt nhiều tháng chống dịch, hễ cứ việc gì làm được là chị Như lại tham gia với tinh thần “việc gì mình làm được chị đều nhận”. Đầu tiên là ở mảng hậu cần rồi xây dựng quy trình hệ thống vận hành, khai báo y tế trong BV... Chị còn tham gia công việc của bếp ăn cùng các đồng nghiệp, chuẩn bị các bữa ăn cho BV Quân y 175 và Trung tâm điều trị Covid-19. Khi các trạm y tế lưu động được triển khai, chị Như cùng nhiều đồng nghiệp chia nhau đi các trạm để hỗ trợ các BS lấy mẫu xét nghiệm.

Với chị Như, nhiều tháng qua có nhiều kỷ niệm rất đặc biệt. Một trong số đó là khi chị tham gia hỗ trợ chuẩn bị suất ăn cho cả BV. “Bên hậu cần quá tải nên chúng tôi sang hỗ trợ; việc gì biết thì nhận làm hết. Nấu cho gia đình ăn đã mệt rồi, còn ở đây mọi người nấu đến mấy ngàn suất. Ngày đầu tiên tôi ngồi đóng các gói nước mắm nhỏ, mấy ngàn gói như vậy, gói xong tay tôi cứng đơ”.

Thời điểm khó khăn nhất, chị Như tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên khắp TP.HCM. Những ngày đầu gặp nhiều khó khăn vì thiếu thốn đủ bề, nhưng chị tự nhủ phải cố gắng để đóng góp một phần sức lực vào công cuộc chống dịch. “Ban đầu bộ đồ bảo hộ được trang bị là loại rất dày và nóng, khi vừa mặc vào đã toát mồ hôi. Tấm kính chắn mặt lách tách những giọt mồ hôi, lại mờ không thấy rõ. Đi lấy mẫu xét nghiệm phải di chuyển rất nhiều, đặc biệt là tại các chung cư. Kết quả xét nghiệm dương tính liên tục khiến ai cũng run”, chị Như nhớ lại những buổi lấy mẫu xét nghiệm tăng cường tại các khu chung cư lúc cao điểm dịch…

Trong khi người yêu miệt mài chống dịch, anh Lộc ở nhà luôn tìm mọi cách để động viên. Chị Như ăn, ngủ, làm việc trong BV Quân y 175 từ tháng 5 - 10.2021, bởi toàn nhân lực của BV tập trung chữa trị cho bệnh nhân. Vì vậy, anh Lộc chỉ có thể gặp chị Như qua những cuộc gọi. Khi dịch ổn định hơn, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, anh Lộc thường đến để gặp, hỏi han những thứ cần mua và chuyển đồ tiếp tế vào cho chị Như. Theo quy định của BV, chị không thể ra ngoài, nên anh chị tranh thủ nói chuyện qua hàng rào. Sắp chính thức về chung một nhà, anh Lộc rất hạnh phúc và hồi hộp vì chờ đợi ngày cưới cũng đã lâu, một phần vì gia đình cũng nóng lòng có con dâu…

Ký ức thanh xuân

Là giáo viên về hưu, bà Trần Thị Kim Thu (70 tuổi, mẹ của anh Lộc) không khỏi nghẹn ngào kể lại câu chuyện của bà. 46 năm về trước, bà cũng có một hôn lễ đặc biệt, trong hoàn cảnh tương tự.

Cô dâu chú rể bên mẹ chồng tại buổi họp báo chuẩn bị cho đám cưới tối 20.2

khánh trần

Bà Thu chia sẻ, năm 1976 ra trường được hơn 1 năm, lúc này đất nước vừa thống nhất còn nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh tế, bà cùng nhiều đồng nghiệp đi dạy ở những trường vùng xa tại Vĩnh Kim (H.Châu Thành, Tiền Giang). Là những người ở nơi khác đến nên những ngày đầu đều sống trong khu tập thể của giáo viên, vì vậy mọi việc cũng thiếu thốn trăm bề. Một tháng, những giáo viên như bà chỉ nhận trợ cấp có 26 đồng và không có lương.

“Buổi sáng chúng tôi lên lớp dạy, buổi chiều thì đi lao động sản xuất, trồng lúa xung quanh trường. Lúa này sau khi trồng xong thì đem bán lại cho phòng lương thực ở huyện. Từ đó phòng mới đổi lương thực thành xi măng để xây dựng sửa sang trường lớp. Còn anh em nào không làm ruộng được thì chiều đi dạy bổ túc văn hóa cho những ấp ở vùng sâu. Lúc này bà con của mình ở vùng vừa giải phóng còn nhiều người chưa được đi học lắm nên rất cần, khi vào lớp thì người lớn cũng có mà trẻ em cũng có. Khi họ biết đọc, biết viết là mừng lắm, cho nên dù cực khổ nhưng mình vẫn thấy vui lòng, hăng say làm việc”, bà Thu nhớ lại.

Chính trong quãng thời gian đó, có một anh trưởng ban điều hành (như hiệu trưởng trường học bây giờ - PV), từ Nam Hà vào chi viện cho miền Nam. Lúc này bà Thu và chồng là 2 giáo viên cơ bản tại trường. “Thấy chúng tôi tìm hiểu đã 2 năm rồi mà chưa dám nghĩ đến việc làm đám cưới như các cháu hiện nay, trong hoàn cảnh cũng giống như vậy. Các cháu thì chống dịch, còn chúng tôi thì chống dốt”, bà Thu kể. Thương đôi trẻ đang gặp khó khăn, trưởng ban điều hành đề nghị cấp trên cho vợ chồng bà Thu 1 suất mua quà bánh để tổ chức tuyên hôn. Lúc ấy, không được long trọng và đầy đủ như bây giờ. Vợ chồng bà mỗi người chỉ được mua một ký kẹo Hải Hà, 1 ký trà bắc, 10 gói thuốc lá, 5 lít nước mắm và 1 cái mền.

“Vào thời điểm đó, được vậy đã là một sự may mắn”, bà Thu nói. Những chia sẻ của trưởng ban điều hành trong buổi tuyên hôn khiến bà Thu mãi mãi không quên: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Bà Thu bảo đây là lời dặn dò sâu sắc của người anh, người thủ trưởng, người đã giúp vợ chồng bà có thể đến với nhau. Do đó, bà Thu muốn nhắn nhủ đến thế hệ sau này: “Khó khăn cách mấy chúng ta cũng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.

Các cặp đôi tham gia đám cưới đặc biệt

độc lập

Vào tối 20.2, để tri ân và ghi nhận những cống hiến của những y, bác sĩ, được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là nhà thiết kế Minh Hạnh, BV Quân y 175 tổ chức đám cưới đặc biệt cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên của BV, cùng chương trình áo dài nghệ thuật với chủ đề "Mạch sống".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.