Đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp cao điểm Tết Nguyên đán

26/12/2020 08:00 GMT+7

Cục Chăn nuôi cho biết, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi, công tác tái đàn, tăng đàn đạt được kết quả khả quan, nên cơ bản đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Cơ bản đáp ứng nguồn cung thịt lợn

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong năm 2019 đã khiến khoảng 6 triệu con lợn chết và bị tiêu hủy, tổng trọng lượng xấp xỉ 400.000 tấn. Tổng đàn lợn nái, lợn thịt bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là khoảng 30%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn cung thịt bị sụt giảm, giá thịt lợn bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Sau khi cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và người chăn nuôi vào cuộc quyết liệt, dịch bệnh nguy hiểm này cơ bản đã được kiểm soát. Bộ NN-PTNT, các tỉnh, thành và người chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn nhằm đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết đàn lợn cả nước hiện đạt trên 26 triệu con, bằng 85% tổng đàn tại thời điểm trước khi “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi càn quét khắp các tỉnh, thành. Theo ông Dương, ngoài tái đàn, tăng đàn, chúng ta còn nhập khẩu lợn thịt, thịt lợn đông lạnh và lợn sống nên nguồn cung thịt lợn tăng đáng kể. Điều này được thể hiện khá rõ khi giá thịt lợn đã xuống còn 65.000 - 70.000 đồng/kg lợn hơi so với trên 100.000 đồng/kg lợn hơi thời điểm giá thịt lợn bị đẩy lên quá cao. “Sẽ không có khủng hoảng nguồn cung và giá thịt lợn khi không có biến động lớn về dịch bệnh và thiên tai”, ông Dương nhận định.
Tăng cường tái đàn để tăng nguồn cung thịt lợn

Tăng cường tái đàn để tăng nguồn cung thịt lợn

Ngọc Thắng

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Thông tin từ các địa phương cũng cho biết sẽ cơ bản đáp ứng được nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, với số đàn 400.000 lợn như hiện nay thì dịp tết sắp tới tỉnh không lo về nguồn cung thịt lợn, thậm chí số lợn thương phẩm sẽ cung ứng cho một số tỉnh, thành khác.
Tương tự, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa, cho biết hiện tổng đàn lợn của tỉnh xấp xỉ 1,2 triệu con, đảm bảo nguồn cung cho cả xuất khẩu, xuất bán ngoài tỉnh, tiêu thụ trong tỉnh dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho hay, trong năm 2020, đàn gia cầm tăng hơn 7%, trứng gia cầm tăng hơn 9%, sản lượng thịt bò tăng 5,7% và thịt trâu tăng gần 3% đã góp tăng nguồn cung sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm tiêu dùng trong cao điểm tết Nguyên đán 2021.
Hiện người tiêu dùng trong nước vẫn có thói quen sử dụng thịt lợn khi loại thịt này vẫn chiếm trên 75% rổ thực phẩm của các gia đình. Theo ông Dương, trong khi nguồn cung gia cầm và trứng gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ, thủy sản… dồi dào, người tiêu dùng nên chuyển sang dùng các thực phẩm này, vừa giúp bữa ăn phong phú, đa dạng, đồng thời giảm tải áp lực cho nguồn cung thịt lợn, nhất là trong các dịp cao điểm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vừa có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch nhằm kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.
Theo đó, các địa phương tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt các mầm bệnh, chủ động giám sát dịch bệnh, quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.