Đại úy quân y và nữ hộ sinh kể chuyện cứu sản phụ đẻ rơi

Tấn Đạt
Tấn Đạt
13/09/2021 10:00 GMT+7

Không chỉ cứu sản phụ đẻ rơi trong nhà vệ sinh… các lực lượng y bác sĩ tại nơi đây đã ngày đêm hỗ trợ cho hàng trăm F0 trên địa bàn phường.

Những tháng qua các lực lượng y bác sĩ tại trạm y tế phường và trạm y tế lưu động (đội quân y) thuộc P.8, Q.10, TP.HCM, đã ngày đêm hỗ trợ cho hàng trăm F0 trên địa bàn phường và còn cứu sản phụ.

“Chăm lo cho người dân, tôi sẵn sàng”

Có mặt tại trạm y tế lưu động (đội quân y) P.8, TP.HCM, tại đây, đại úy trẻ Phạm Minh Tuyển (33 tuổi) công tác tại Viện Y học Phòng không - Không quân, Hà Nội, vẫn đang tất bật kiểm tra lại các bình oxy để hỗ trợ F0 trên địa bàn. Và anh Tuyển không bao giờ quên được anh Tuyển và những đồng nghiệp cùng với lực lượng y tế tại trạm y tế P.8 đã may mắn cứu được sản phụ đẻ rơi con trong nhà vệ sinh vào tối 9.9.

Đại úy 33 tuổi cho hay đêm đó khoảng 23 giờ anh và đồng nghiệp nhận được cuộc gọi từ trạm y tế phường P.8 bảo rằng “có sản phụ đẻ con rơi trong nhà vệ sinh đang rất nguy kịch”, thì ngay lập tức mọi người đã thức dậy và đến ngay.

Anh Tuyển không bao giờ quên hình ảnh mình hỗ trợ sản phụ đẻ rơi con

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Tuyển kể: “Lúc tôi đến là sản phụ đã đẻ rồi. Mọi người trấn an tinh thần cô ta. Tôi thì xem em bé có bị ngạt hay bị tím tái gì không. Rồi hỗ trợ lau sạch và ủ ấm cho bé. Sau đó, kết hợp với mấy chị bên trạm y tế cắt rốn, cuối cùng là đưa cả hai đến bệnh viện Hùng Vương”.

Gấp rút đưa sản phụ đến bệnh viện trong đêm

Ảnh: TTYT P.8

Là bác sĩ chuyên khoa ngoại, nên khi tiếp nhận những trường hợp về sinh sản anh Tuyển không khỏi lo lắng: “Trước khi tiếp cận thì tôi cũng khá lo vì chưa gặp trường hợp sinh rớt như thế này, cũng chưa đỡ đẻ lần nào. Nhưng khi đến nơi, tôi chỉ quan tâm đến sinh tồn của đứa bé và sản phụ thôi, nên khi tôi nhận thấy những yếu tố trong giới hạn cho phép thì chúng tôi hành động ngay. Thấy thương cho đứa bé và sản phụ rất nhiều, không ai ngờ tới là có chuyện này”, Đại úy Tuyển nói.

Chiến lược “thích nghi an toàn” với dịch Covid-19 của TP.HCM

Tại trạm y tế lưu động, hơn 3 tháng nay, anh Tuyển cùng với những đồng nghiệp của mình đã ngày đêm quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn).

Anh Tuyển chia sẻ: “Tôi vô đây cũng 3 tháng rồi, trước đó ở Hà Nội cũng cắm trại cả tháng. Xa gia đình nhiều ngày nhớ vợ, nhớ con nhưng vì nhiệm vụ chăm lo cho người dân, tôi sẵn sàng. Mỗi buổi tối rảnh tôi thường hay gọi để chuyện trò, hỏi thăm gia đình của mình”.

Anh Tuyển được điều động đến P.8 vào tháng 8 để hỗ trợ lực lượng y bác sĩ ở địa phương

Ảnh: Tấn Đạt

Rồi vị đại úy này tâm sự: “Bé đầu 4 tuổi ở nhà vừa mới đón sinh nhật. Ngày đó chỉ biết gọi chúc mừng con qua màn hình điện thoại. Bé có hỏi “khi nào bố về thế?”, tôi mới nói “ba đi đánh nhau với Covid-19, khi nào thắng thì ba trở về”. Bé con nhỏ nên chỉ biết đang có Covid-19 bên ngoài, không được đi chơi...”

Tôi chỉ ôm sản phụ để... chạy thôi

Là người trực tiếp giúp đỡ sản phụ đẻ rơi con, chị Phúc Thị Kim Quyên, nữ hộ sinh tại trạm y tế phường 8, cho hay mấy anh quân y hỗ trợ vùng ngoài, còn chị và một nhân viên điều dưỡng khác thì giúp đỡ sản phụ. Lúc này bà mẹ mặt tái xanh do mất máu nhiều quá, có nguy cơ tử vong.

“Lúc đó sản phụ ra máu rất là nhiều, miệng ú ớ vài tiếng nên đã lập tức đứa hai mẹ con lên xe để đi cấp cứu. Trên xe tôi phải gọi liên tục “em ơi, đừng ngủ. Nói cho chị biết em tên gì… để cô ấy không rơi vào hôn mê”, chị Quyên kể lại.

Nơi sản phụ sinh rớt con

Ảnh: TTYT P.8

Chị Quyên thông tin thêm sản phụ tầm hai mươi mấy tuổi, là người dân ở tỉnh lên đây làm thuê, nhưng lại giấu mọi người việc mang thai. Tối hôm ấy, sản phụ nói đau bụng đi vệ sinh rồi tự sinh em bé trong đó. "Cái may mắn của em là nhà vệ sinh nằm dưới lầu và chủ nhà có xe đưa đi nên di chuyển khá dễ dàng. Hiện tại, sức khỏe của hai mẹ con sản phụ đã dần ổn định không bị nhiễm Covid-19", chị Quyên chia sẻ.

Chị Quyên đang ngày đêm hỗ trợ các F0 trên địa bàn phường

Ảnh: Tấn Đạt

Nữ hộ sinh còn kể: “Trước khi đưa sản phụ lên xe tôi có kêu cộng sự gọi cấp cứu 115 nhưng họ nói test nhanh Covid-19”. Nhưng lúc đó đâu có thời gian mà chờ đợi kết quả âm hay dương tính. Mạng người quan trọng mà. Tôi cũng sợ nhiễm Covid-19 lắm, nhưng đứng giữa tình huống này thì không còn suy nghĩ kịp nữa, tôi chỉ ôm sản phụ để chạy thôi, chứ không lẽ đứng nhìn người ta chết. Tôi làm nghề này, lại trong mùa dịch nên sẵn sàng tâm thế khi bản thân nhiễm Covid-19”.

Công việc quá tải vì lực lượng mỏng nhưng nhiều anh, chị trong trạm y tế P.8 vẫn đang nổ lực hết mình

Ảnh: Tấn Đạt

Giống như anh Tuyển, hơn 3 tháng nay, chị Quyên đã túc trực ngày đêm tại trạm y tế phường. Mỗi ngày chị nhận liên tục cuộc gọi từ F0, người dân đến việc hỗ trợ bình oxy. Có những ngày về đến trạm chị Quyên chỉ muốn ngã lưng xuống chiếc ghế bố để ngủ thẳng giấc vì phải đi lấy mẫu cộng đồng trên địa bàn phường có hơn 10.000 người dân.

Các anh, chị trong trạm y tế hy vọng người dân hiểu và cảm thông với công việc của họ

Ảnh: Tấn Đạt

Ngoài câu chuyện cứu sản phụ đẻ rơi, chị Quyên còn trải lòng: “Trạm y tế của tôi có vài người, trong khi đó phải tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày nhiều khi không nghe máy kịp, thật sự chúng tôi rất xin lỗi. Tôi hy vọng, những gia đình đang có F0 đặc biệt là người già, người có bệnh nền thì đừng bỏ rơi họ khi cách ly tại nhà. Mọi người có thể dùng biện pháp an toàn như đeo găng tay y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ để tiếp cận và chăm sóc họ... đó là cách mà bà con đang san sẻ công việc với chúng tôi". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.