Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ: Tuổi học trò của đại tướng

16/08/2021 06:10 GMT+7

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911 - 25.8.2021), Thanh Niên xin giới thiệu loạt tư liệu về những tháng năm thời trai trẻ của danh tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tuổi học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến nay vẫn chưa được các nhà sử học nghiên cứu tường tận. Chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu xung quanh những tháng năm đèn sách của ông.

Võ Nguyên Giáp và Võ Giáp

Một sáng tháng 4.2014, theo lịch hẹn, tôi đến làm việc tại nhà riêng Phó giáo sư (PGS) Nguyễn Văn Hoàn (1931 - 2015), nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học. Ông là “anh em đồng hao” với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vợ ông là Giáo sư Đặng Thanh Lê (1932 - 2016), em gái của PGS Đặng Bích Hà, phu nhân đại tướng. Hôm ấy, PGS Nguyễn Văn Hoàn có kể cho tôi nghe một vài mẩu chuyện về thời đi học của đại tướng hồi trẻ.
“Một buổi sáng, anh Võ Nguyên Giáp gọi tôi lên. Ngồi trò chuyện trong phòng chỉ có tôi với anh thôi. Và đó là bữa duy nhất tôi hỏi anh Giáp về cuộc đời của anh”, PGS Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ.
Theo tư liệu của PGS Nguyễn Văn Hoàn, mùa hè năm 1925, Võ Nguyên Giáp (ảnh) từ giã Trường tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào Trường Quốc học. Cụ Võ Quang Nghiêm dẫn con đi. Cụ Nghiêm đã qua nhiều kỳ thi Hương mà không đậu, kể cả khoa cuối cùng năm Mậu Ngọ (1918). Đường công danh khoa bảng không hanh thông, cụ Nghiêm trông cậy vào người con trai cụ đặt tên: Võ Nguyên Giáp!
Kỳ thi năm trước (1924), khi đăng ký hồ sơ vào Trường Quốc học Huế, con trai cụ đã tự ý bỏ chữ lót Nguyên đi, chỉ còn Võ Giáp. Năm đó, dù đỗ đầu toàn tỉnh Quảng Bình, nhưng Võ Nguyên Giáp bị rớt, không vào được Quốc học. Biết chuyện, cụ Võ Quang Nghiêm rất tức giận. Cụ bắt con phải khai lại đúng: Võ Nguyên Giáp.
Một lần, biết tin đại tướng về nghỉ ở Bãi Cháy, ông Nguyễn Khuê Bích, Bí thư Huyện ủy H.Yên Hưng (nay là TX.Quảng Yên), tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn với huyện ủy và báo cáo tỉnh ủy được mời đại tướng về thăm Yên Hưng. Đại tướng và phu nhân đã vui vẻ nhận lời. Sớm hôm sau, ông Bích ngồi tiếp bữa sáng đại tướng, phu nhân và các cán bộ tháp tùng tại nhà ăn Huyện ủy Yên Hưng. Trong lúc trò chuyện vui vẻ, đại tướng nói vui với ông Bích: “Đồng chí Bí thư Huyện ủy có cái tên hay đấy”. Rồi đại tướng đọc cho mọi người cùng nghe câu đối cổ: “Vạn lý vân phong hoành bút trận/Cửu thiên khuê bích nhập văn chương”.
Bí thư Huyện ủy Yên Hưng biết ngay đại tướng đọc câu đối có tên mình. Coi đại tướng như người bác bề trên, ông đánh bạo hỏi: “Cháu thấy tên của bác nói lên ngay cái điều mà ai cũng ngưỡng mộ”.
Nghe vậy, đại tướng khích lệ: “Đồng chí nói thêm thử xem?”. Ông Bích mạnh dạn thưa tiếp: “Bác vốn là thầy giáo, đúng là VĂN, nhưng lại nữa là VÕ, một người đứng đầu (NGUYÊN) trong hàng các tướng lĩnh hạng nhất (GIÁP). VÕ NGUYÊN GIÁP là tướng duy nhất đứng đầu trong hàng những vị tướng đứng đầu!”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ: Tuổi học trò của đại tướng1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và PGS Nguyễn Văn Hoàn

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA K.M

Lúc này, đại tướng có chút bồi hồi, bộc bạch: “Đó là tên do bố tôi đặt, ngày bé có lần bố tôi đánh vào mông tôi một trận vì tôi viết sai tên của tôi do cụ đặt!”. Rồi để cho mọi người hiểu thêm, đại tướng kể lại lần đi thi đã lỡ giản đơn mà khai bỏ bớt chữ Nguyên trong tên mình chỉ còn Võ Giáp như đã nói ở trên.
Năm 1925, Võ Nguyên Giáp đỗ á khoa Quốc học. Đỗ đầu là một học trò xứ Nghệ con nhà gia thế khoa bảng nhiều đời tên Nguyễn Thúc Hào. Hai người được xếp cùng một lớp đệ nhất niên A và cùng ngồi chung một bàn.

Luôn đứng đầu lớp

Trước khi hẹn gặp “người anh đồng hao” để hỏi chuyện về thời đi học của đại tướng, PGS Nguyễn Văn Hoàn gọi điện thoại hỏi thầy học của ông ở khu tập thể Kim Liên là Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Thúc Hào (1912 - 2009). Cụ Hào trả lời cụ chỉ biết thời gian cùng học với Võ Nguyên Giáp ở Trường Quốc học Huế. NGND Nguyễn Thúc Hào nhắc lại điều đã được cụ viết trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Trường Quốc học Huế (1986): Tại kỳ thi nhập học năm 1925, Nguyễn Thúc Hào đỗ đầu, còn Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm đệ nhất, tháng nào Võ Nguyên Giáp cũng đứng đầu lớp được làm “major”, Nguyễn Thúc Hào luôn luôn đứng thứ hai...
“Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi”, NGND Nguyễn Thúc Hào vui vẻ nhắc lại kỷ niệm xưa.
Giáo sư toán học Nguyễn Thúc Hào còn kể lại cho PGS Nguyễn Văn Hoàn nghe cách bà giáo người Pháp đọc hai tiếng “Vo Giap” theo lối phát âm tiếng Pháp, không có dấu và không có chữ Nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.