Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ: Những bài giảng say mê học trò

18/08/2021 06:30 GMT+7

“Tôi rất hâm mộ thầy Giáp vì buổi giảng sử của thầy rất hấp dẫn”. Đó là hồi ức của bà Lê Kim An - chuyên viên Ban Tuyên giáo, T.Ư Hội LHPN Việt Nam - khi nhớ về những năm tháng học trường tư thục Thăng Long.

Một luật sư của cách mạng

Học trò của thầy Võ Nguyên Giáp gọi ông là một luật sư của cách mạng khi ông đứng trên bục giảng. Một người học trò khác, ông Nguyễn Xuân Ngọc (1921 - 2012), nguyên Viện trưởng thuộc Ủy ban Kế hoạch nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT) học 5 năm ở Trường Thăng Long, kể với người viết bài này:
“Khi tôi học năm dự bị tú tài phần thứ nhất, thầy Võ Nguyên Giáp là giáo sư giảng dạy môn lịch sử. Học trò chúng tôi rất mê các bài giảng của thầy. Tôi nhớ một hôm, thầy giảng về cách mạng Pháp 1789 theo sách của tác giả Ma-chi-ê (Albert Mathiez). Thầy trích dẫn nhiều đoạn trong sách ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của những người tham gia cách mạng, gợi ý khéo để chúng tôi liên hệ với các cuộc vận động cách mạng trong nước như phong trào Dân chủ thời kỳ ấy...”.
Ông Hồ Trúc, nguyên Bí thư Đảng đoàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ôn lại kỷ niệm cùng bạn bè Trường Thăng Long: “Thầy Giáp dạy sử rất hấp dẫn và phân tích sâu. Tôi còn nhớ như in bài sử về cách mạng tư sản Pháp, tấm bảng được kẻ làm 3 ô, dẫn sự kiện phân tích nguyên nhân rồi kết quả”.
Trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ rằng, ông được Hoàng Minh Giám (sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - 1955) và Đặng Thai Mai (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục - 1946) giới thiệu vào dạy ở Trường Thăng Long:
“Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách các môn văn học, sử học (sử Việt Nam và sử thế giới), địa lý. Chúng tôi đã cố sao đưa tư tưởng cách mạng vào nội dung các bài giảng. Nói thí dụ như dạy sử Việt Nam thì nêu cao tấm gương của Bà Trưng, Bà Triệu; khi giảng bài về Hà thành thất thủ thì nói cho học sinh hiểu cái nhục của dân mất nước, khơi dậy lòng căm thù với đế quốc, thực dân.
Tôi tập trung nghiên cứu những sự kiện lịch sử, đưa vào bài giảng nhằm khơi gợi lòng yêu nước, thương nòi, giác ngộ thanh niên đi theo cách mạng. Ví dụ: Dạy sử Việt Nam từ khi Pháp xâm lược nước ta, chúng đã áp bức bóc lột nhân dân ta như thế nào, đồng thời nhân dân ta đã tiếp tục vùng lên chống Pháp ra sao, tiêu biểu như phong trào Cần Vương, hay những tấm gương đầy khí phách như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu...”.
Thầy giáo Võ Nguyên Giáp lên lớp rất đúng giờ, chuẩn bị bài rất kỹ. Ông luôn coi trọng kỷ luật tự giác. Ông chia sẻ rằng mình thấy thích thú được dạy học ở Trường Thăng Long vì có một môi trường tốt để đào tạo thanh niên thành những người yêu nước.
Khi được các nhà sử học phương Tây hỏi về Võ Nguyên Giáp, ông Bùi Diễm, cựu đại sứ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ, đã nhớ lại hình ảnh thầy Võ Nguyên Giáp lên lớp giảng về lịch sử nước Pháp: "Như bị hút hồn về cuộc cách mạng Pháp và những nhân vật nổi bật của thời đó, ông thầy giáo họ Võ sôi nổi hào hứng kể lại những việc làm của Ủy ban Cứu quốc, của công xã Paris để trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ lợi ích của quần chúng".

Người thầy tài năng

Thầy Võ Nguyên Giáp đã say sưa dạy những giờ lịch sử, như sau này ông bộc bạch, với chủ định là góp phần nâng cao lòng yêu nước và khêu gợi tinh thần đấu tranh cách mạng cho thanh niên, học sinh.
Về sử thế giới, thấy học sinh rất say sưa nghe giảng những bài nói về cách mạng Pháp, ông đã tìm cách làm cho học sinh hiểu tính chất tiến bộ của cách mạng tư sản Pháp. Ông đề cập đến những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Không chỉ chinh phục học trò bằng những bài giảng trên lớp, thầy Võ Nguyên Giáp còn khiến học trò say mê những giờ ngoại khóa, đi dã ngoại.
Hôm tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, đến Cửa Bắc, đứng trước quả đạn pháo của tàu chiến Pháp bắn vào thành Hà Nội; đến nơi F.Garnier bị chết ở trên đê Giảng Võ hoặc nơi Henri Rivière bị giết ở gần Cầu Giấy, tại nơi chiến địa cũ, thầy Võ Nguyên Giáp đã trình bày cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta. Những lời giảng giải của thầy Giáp gieo vào lòng học sinh ý chí quyết tâm cứu nước.
Bằng cách giảng dạy như thế, dần dà ông đã giúp cho học sinh hiểu quá trình phát triển của cuộc cách mạng. Ông còn tổ chức nhiều hoạt động bên ngoài trường học như tổ chức cho thanh niên học sinh tham gia Đoàn thanh niên Dân chủ, phong trào quyên góp ủng hộ "Bát lộ quân", ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.