Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có vai trò đặc biệt với Cách mạng Thừa Thiên - Huế

03/07/2022 06:32 GMT+7

32 tác giả đến từ T.Ư và địa phương đã viết bài tham gia Hội thảo Khoa học với chủ đề Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên - Huế (1937 - 1949).

Ngày 2.7, tại TP.Huế, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên - Huế (1937-1949).

Toàn cảnh buổi Hội thảo

LÊ HOÀI NHÂN

Tham gia hội thảo lần này có 32 tác giả đến từ T.Ư và địa phương, tập trung ở 26 bài tham luận biên tập được in vào kỷ yếu.

Ban tổ chức đã chia ra làm 3 nhóm chủ đề gồm: Các bài tổng quan về hoạt động của đại tướng Nguyễn Chí Thanh giai đoạn (1937-1949); vai trò của Nguyễn Chí Thanh với hội nghị Nam Dương; các hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đóng góp ở các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa...

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam trong tham luận Chủ trương “bám đất, bám dân”, xây dựng căn cứ, tạo lập thế trận kháng chiến của Bí thư Nguyễn Chí Thanh có nhận xét: “Đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính vào thực tiễn Thừa Thiên. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang Thừa Thiên quán triệt, kiên trì bám đất, bám dân, dựa vào dân tổ chức chiến tranh du kích, liên tiếp giành chiến thắng, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi”.

3 lần làm Bí thư Tỉnh ủy

Còn trong bài tham luận của Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy Trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế với chủ đề Tài thao lược chỉ đạo hoạt động quân sự của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đối với phong trào cách mạng Thừa Thiên - Huế có nêu: “Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, nhất là sau khi mặt trận Huế bị vỡ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo quân và dân Thừa Thiên đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, củng cố, xây dựng lại cơ sở, đưa cán bộ, đảng viên trở về địa phương hoạt động để nắm dân và phát huy phong trào quần chúng. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đảng ta thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

Các hiện vật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh

LÊ HOÀI NHÂN

Với nội dung Các hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đóng góp ở các lĩnh vực, tác giả Nguyễn Xuyến (98 tuổi) từng là thành viên của đội viên Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ (1945-1946) đã có bài viết Nguyễn Chí Thanh thành lập và chỉ đạo đội tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ (1945-1946).

“Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ thành lập và hoạt động tuy trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 10.1945 - 4.1946, nhưng vai trò và tác dụng của Đội đã có ý nghĩa quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng”, tác giả Nguyễn Xuyến viết.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Văn Phương điểm lại quá trình hoạt động của đại tướng Nguyễn Chí Thanh và khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh là nhà lãnh đạo tài ba, là người giữ trọng trách to lớn được Trung ương phân công giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1945), Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên (1947), Bí thư Liên khu ủy Khu 4 (1948), 3 lần là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

“Tấm gương của đồng chí Nguyễn Chí Thanh suốt đời phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại đang cổ vũ chúng ta tiếp tục phấn đấu làm cho Đảng ta vững mạnh trong sạch, có sức mạnh lãnh đạo và chiến đấu ngang tầm với nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Phương trích dẫn nhận xét của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

“Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Chí Thanh, người chiến sĩ kiên trung trọn đời vì dân, vì nước, một con người đạo đức “sáng trong như ngọc”. Những năm hoạt động tại quê hương, đồng chí đã cống hiến và để lại những tình cảm sâu đậm”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Hội thảo tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6.7.1967 - 6.7.2022) và chào đón sự kiện khai trương Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế. Là sự kiện có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 75 năm Hội nghị Tỉnh ủy (Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh) tổ chức tại làng Nam Dương (nay thuộc xã Quảng Vinh), H.Quảng Điền (1947-2022), Hội nghị có tính chất quyết định với cách mạng Thừa Thiên - Huế.

Hội thảo lần này là cơ sở quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, bổ sung thêm những tài liệu giá trị về Đại tướng cho Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên - Huế.

Theo ban tổ chức hội thảo, các nội dung công bố tại hội thảo hôm sẽ góp thêm làm phong phú những trang tư liệu về đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời gian lãnh đạo cách mạng Thừa Thiên - Huế (1937-1949), đồng thời sẽ làm rõ thêm những giá trị mà đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại về tư tưởng, chính trị, văn hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.