Đài thiên văn Nha Trang được đề cử kỷ lục bất biến Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
22/10/2023 16:45 GMT+7

Chiều 22.10, ông Lê Trần Trường An - Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận: Đài thiên văn Nha Trang - đài thiên văn đầu tiên của Việt Nam đưa vào hoạt động năm 2017 tại Hòn Chồng (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), một dự án thuộc Trung tâm Vệ tinh quốc gia - vừa được VietKings đề cử vào Top 500 kỷ lục bất biến Việt Nam với Tổ chức Kỷ lục châu Á.

Nằm trong khuôn khổ dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Đài thiên văn Nha Trang - vừa đề cử vào Top 500 kỷ lục bất biến Việt Nam - được khởi công xây dựng vào năm 2014, tại TP biển Nha Trang (Khánh Hòa). Đài thiên văn Nha Trang được xem là đài thiên văn đầu tiên của Việt Nam bởi lối kiến trúc đẹp, lạ... bao gồm một kính thiên văn quang học có đường kính 0,5 mét, một nhà chiếu hình vũ trụ 60 chỗ ngồi và một phòng trưng bày vũ trụ diện tích 200 m².

Đài thiên văn Nha Trang được đề cử vào Top các kỷ lục bất biến Việt Nam - Ảnh 1.

Đài thiên văn Nha Trang được khởi công xây dựng năm 2014 tại TP biển Nha Trang (Khánh Hòa)

VietKings

Đài thiên văn Nha Trang có kính thiên văn quang học phản xạ do công ty Marcon, một thương hiệu nổi tiếng của Ý về cơ khí chính xác, thiết kế và chế tạo. Cấu trúc dẫn động của kính được đồng bộ với mái vòm điều khiển tự động. Kính được trang bị một máy ảnh và một bộ phân tích phổ có độ phân giải hình ảnh và quang phổ cao trong vùng bước sóng rộng.

Đặc biệt, nhà chiếu hình vũ trụ tại Đài thiên văn Nha Trang có kiểu thiết kế giống như một rạp chiếu phim, với màn hình dạng mái vòm. Những hình ảnh cũng như những thước phim sẽ được trình chiếu lên mái vòm bởi hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao. 

Đài thiên văn Nha Trang được đề cử vào Top các kỷ lục bất biến Việt Nam - Ảnh 2.

Đài thiên văn Nha Trang được đề cử vào Top các kỷ lục bất biến Việt Nam - Ảnh 3.

Nhà chiếu hình vũ trụ tại Đài thiên văn Nha Trang có kiểu thiết kế giống như một rạp chiếu phim, với màn hình dạng mái vòm

VietKings

Nhà chiếu hình vũ trụ cung cấp kiến thức về thiên văn học, giải thích một số hiện tượng thiên văn như sự phân định các mùa trong năm, sự thay đổi vị trí các thiên thể trên bầu trời, các hiện tượng quen thuộc như nhật thực, nguyệt thực... một cách trực quan thông qua hiệu ứng hình ảnh, giúp thỏa mãn trí tò mò của con người về bầu trời và vũ trụ, từ đó khơi dậy đam mê khám phá.

Cũng theo vị đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam: "Có thể thực hiện được các hoạt động sau qua hệ kính của Đài thiên văn Nha Trang: quan sát những sao biến quang, từ đó thực hiện nghiên cứu khí quyển (bề dày, mây, mù); đo phổ vạch của các sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao; đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh; đo tốc độ quay của một số hành tinh; nghiên cứu hình thái của các thiên hà; tìm kiếm thiên thể gần trái đất, siêu tân tinh hay phát xạ quang đi kèm với những bùng phát vô tuyến nhanh".

Đài thiên văn Nha Trang được đề cử kỷ lục bất biến Việt Nam - Ảnh 4.

Kỷ lục gia Đinh Ngọc Thi

Đài thiên văn Nha Trang được đề cử kỷ lục bất biến Việt Nam - Ảnh 5.

TS Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (trái) và Luật sư Nguyễn Văn Viễn - Phó chủ tịch T.Ư Hội Kỷ lục gia Việt Nam (phải) trao Bằng xác lập kỷ lục cho kỷ lục gia Đinh Ngọc Thi chiều 22.10

QUỲNH TRẦN

Cũng trong hành trình tìm kiếm và đề cử các kỷ lục Việt Nam, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam, chiều 22.10 tại TP.HCM, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức lễ xác lập kỷ lục Việt Nam "Người huấn luyện các khóa học lãnh đạo chuyển hóa trong hành trình lãnh đạo cất cánh, với mục tiêu phát triển năng lực cho nhà lãnh đạo, có số lượng học viên tham gia nhiều nhất Việt Nam" cho kỷ lục gia Đinh Ngọc Thi. Được biết, để được nhận xác lập danh hiệu kỷ lục Việt Nam này, trong 8 năm qua ông Đinh Ngọc Thi và cộng sự đã tổ chức hơn 1.000 chương trình, sự kiện khác nhau, thu hút lượng học viên tham gia kết nối đạt kỷ lục trên khắp cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.