Đại sứ Việt Nam nhìn lại một năm quan hệ Việt – Mỹ, Việt - Trung

16/02/2018 16:06 GMT+7

Nhân dịp đầu năm mới, Thanh Niên xin trích đăng một phần bài viết của đại sứ Việt Nam tại Mỹ và Trung Quốc nhìn lại quan hệ ngoại giao với hai đối tác quan trọng hàng đầu thế giới trong một năm nhiều biến động.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh:
Nhiều quan chức Mỹ cũng không tin chuyến thăm dài hơi của Tổng thống Trump có thể thực hiện được*
Đại sứ Phạm Quang Vinh BNG
Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á thăm Mỹ, Tổng thống Trump cũng chọn Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thăm và là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Phía Mỹ cho biết, trong chuyến thăm 5 nước châu Á lần này, Việt Nam là nước Tổng thống Trump dành thời gian thăm lâu nhất và duy nhất đi hai nơi, Hà Nội và Đà Nẵng, chọn Việt Nam để công bố chiến lược mới với khu vực.
Tổng thống Trump cũng có ấn tượng rất tốt đẹp về chuyến đi Việt Nam tháng 11.2017 và đã trả lời phỏng vấn, đăng trên Twitter của mình: “Tôi đã có chuyến thăm tuyệt vời tới Việt Nam và có những ngày quan trọng đầy ắp sự kiện và các cuộc hội đàm cùng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam”.
Đó là những kết quả thực sự ý nghĩa. Nhưng cũng phải thấy rằng, vẫn còn nhiều việc đang đặt ra và phải giải quyết, nhất là trong bối cảnh chính quyền mới ở Mỹ đã và đang tiếp tục điều chỉnh các chính sách và quan hệ với các nước, theo hướng đặt lợi ích Mỹ lên trên hết, nhất là về kinh tế, thương mại, giành lại công ăn việc làm, xử lý thâm hụt thương mại. Theo đó, cần bàn bạc, xử lý theo hướng công bằng, hai bên cùng có lợi, trên cơ sở thúc đẩy các lợi ích song trùng và với nỗ lực của cả hai phía.
Nói về khái niệm “Indo-Pacific” (khu vực liên Ấn Độ - Thái Bình Dương) mà Tổng thống Donald Trump đã đề cập đến trong bài phát biểu tại APEC Việt Nam ngày 10.11.2017, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết: Đấy lần đầu tiên ông Trump công bố tầm nhìn khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, và tiếp tục được phía Mỹ nhắc lại trong các dịp sau đó. Điều này cho thấy Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ với khu vực và cùng các nước phấn đấu vì một khu vực hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khái niệm rất chung, còn nhiều điều cần được cụ thể hóa và làm rõ thêm, như việc gắn kết với các tiến trình hiện có trong khu vực và ASEAN, hay việc gắn kết với khu vực về kinh tế, thương mại khi Mỹ đã rút khỏi TPP sẽ như thế nào. Các nước cho rằng cần theo dõi thêm.
Sơ bộ, theo phía Mỹ, có một số điểm đáng chú ý sau: Là khu vực rộng lớn về địa lý, nối hai bờ Thái Bình Dương và với Ấn Độ Dương, có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế phát triển năng động; Mỹ khẳng định gắn kết và quan hệ lâu dài với khu vực, cùng phấn đấu vì một Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tự do, rộng mở, hòa bình và thịnh vượng; nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải, hàng không, giao thương trên biển; thúc đẩy thương mại tự do nhưng phải cùng có lợi; sẵn sàng cùng World Bank và ADB thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng cao phục vụ phát triển trong khu vực...
Riêng về chuyến thăm, điều lớn nhất có lẽ là có được sự nhất trí về việc Tổng thống Trump đi cả Hà Nội và Đà Nẵng để vừa thăm song phương vừa dự Cấp cao APEC, trong một chuyến đi 5 nước khu vực, dài ngày nhất trong lịch sử các chuyến thăm nước ngoài của Tổng thống Mỹ trong hơn 1/4 thế kỷ. Ngay cả nhiều quan chức phía Mỹ cũng không dám tin là thực hiện được. Thực sự, đó là quá trình phải trao đổi thường xuyên, vận động trúng, kiên trì và nhấn mạnh được lợi ích của cả hai bên.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi:
Việt Nam luôn khẳng định với Trung Quốc lập trường và chủ trương nhất quán về Biển Đông*
Đại sứ Đặng Minh Khôi BNG
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2017 mang đậm dấu ấn ngoại giao cấp cao. Năm 2017 là năm đầu tiên cả Tổng bí thư hai Đảng, Chủ tịch nước hai nước thăm lẫn nhau trong cùng một năm.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam đầu tiên ngay sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình hết sức coi trọng Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Đây cũng là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình của Việt Nam và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong việc triển khai quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng và các nước láng giềng.

Trong tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai nước một lần nữa khẳng định “hai bên sẽ luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ Việt -Trung từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, kiên định thực hiện chính sách hữu nghị đối với nhau”; nhất trí cho rằng “sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước”...
Việc triển khai thực hiện các nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua đang mang lại nhiều kết quả nổi bật. Thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng mạnh, tăng 10 lần trong 10 năm qua, tốc độ tăng thuộc vào hàng cao nhất trong các đối tác thương mại của Trung Quốc.
Trong 14 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và từ năm 2016, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước Đông Nam Á, đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, trong năm 2017 tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt 121,3 tỷ USD, tăng 23,4%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 35,4% so với năm 2016.
Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tám tại Việt Nam với 1.784 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 12,03 tỷ USD.
Năm 2017, có trên 4 triệu lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam (trong ASEAN, Việt Nam là điểm đến lớn thứ hai của khách du lịch Trung Quốc sau Thái Lan); số lượt người Việt Nam đi Trung Quốc khoảng 3 triệu người, đứng đầu các nước ASEAN.
Hiện có khoảng hơn 10 nghìn sinh viên Việt Nam đang du học tại Trung Quốc, đứng thứ 10 trong số các nước có lưu học sinh ở Trung Quốc; khoảng 3 nghìn sinh viên Trung Quốc đang du học tại Việt Nam.
Liên quan đến các vấn đề trên biển, trong tất cả các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của ta đều đề cập đến những tồn tại, vướng mắc trong quan hệ hai nước, khẳng định rõ ràng, thẳng thắn lập trường và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Hai bên nhất trí vấn đề Biển Đông tuy không phải là toàn bộ quan hệ hai nước nhưng là vấn đề hết sức hệ trọng, nếu xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự tin cậy chính trị giữa hai bên, đến sự ổn định của quan hệ hai nước, chất lượng hợp tác cũng như tình cảm của người dân, đến môi trường phát triển của mỗi nước và sự ổn định của cả khu vực.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là hai bên cần thể hiện rõ quyết tâm cùng nhau kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, tập trung nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển để ưu tiên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục cùng nhau tiến hành trao đổi thẳng thắn, trên cơ sở luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, từng bước tìm kiếm giải pháp phù hợp giải quyết thỏa đáng bất đồng trên biển; đồng thời cùng với ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC); cùng với các bên thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
*Tít phụ do Thanh Niên đặt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.