Đài Loan lấn sân lĩnh vực thiết kế chip

28/04/2022 16:46 GMT+7

Vốn là trung tâm sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới , nhưng Đài Loan gần đây đang bắt đầu trỗi dậy và vượt lên về thiết kế chip, đe dọa đến sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này.

Trong bảng xếp hạng 10 nhà thiết kế chip hàng đầu theo doanh thu năm 2021 của công ty nghiên cứu Đài Loan TrendForce, có gần một nửa thuộc về các hãng bán dẫn Đài Loan. Cụ thể, MediaTek ở vị trí thứ 4, Novatek Microelectronics đứng thứ 6 và Realtek Semiconductor ở vị trí thứ 8. Himax Technologies lần đầu tiên có mặt trong danh sách này, xếp hạng 10.

Mặc dù các công ty Mỹ giữ vững 6 vị trí còn lại, nhưng kết quả trên đã đánh dấu sự hiện diện không nhỏ của Đài Loan trong lĩnh vực thiết kế chip tính đến nay. Xu hướng này làm dấy lên lo ngại về việc thế giới ngày càng phụ thuộc vào thị trường duy nhất đối với các thành phần quan trọng cho một loạt sản phẩm, từ điện thoại thông minh, ô tô đến đồ gia dụng.

Các công ty bán dẫn Đài Loan đang bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thiết kế chip

Reuters

Khả năng thiết kế tiên tiến là yếu tố bắt buộc để phát triển chip hiệu suất cao. Mỹ đã được biết đến như một siêu cường bán dẫn vì lợi thế vượt trội trong lĩnh vực thiết kế chip, với danh sách các công ty lớn bao gồm Qualcomm, Broadcom, Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD). Mô hình fabless đã được tiên phong bởi ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ vào những năm 1980, như một cách để giải quyết rào cản gia nhập cao của lĩnh vực thiết kế. Fabless là mô hình chế tạo phi sản xuất, chỉ tập trung thiết kế và bán thiết bị phần cứng, còn việc gia công sản xuất để cho một nhà sản xuất chuyên biệt thực hiện.

Các công ty Mỹ đã giữ nguyên quy trình thiết kế chip giá trị cao ở Mỹ, chuyển hướng sản xuất giá trị thấp hơn sang các thị trường châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Sự lớn mạnh của Qualcomm thành lập năm 1985, và Nvidia thành lập năm 1993 là minh chứng cho sự thành công của mô hình này. Tuy nhiên, hiện tại các công ty Đài Loan đang bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thiết kế chip, tạo ra sự đe dọa cho các nhà thiết kế chip Mỹ vốn chỉ xem các hãng sản xuất bán dẫn Đài Loan là nhà thầu phụ.

Nguyên nhân giúp các nhà thiết kế chip Đài Loan tiến lên nhanh chóng một phần là do họ ở gần Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, và United Microelectronics Corp (UMC) xếp thứ ba. Với lượng đơn đặt hàng liên tục đến từ khắp nơi trên thế giới, TSMC và UMC đã ưu tiên cho các công ty thiết kế Đài Loan mà họ có quan hệ chặt chẽ.

Điều này đặc biệt rõ ràng ở chip điện thoại thông minh, mảng hoạt động mà MediaTek đã vượt qua Qualcomm để dẫn đầu thị trường toàn cầu, một phần là vì có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với TSMC. Trong công bố tài chính hôm 27.4, MediaTek cho biết lợi nhuận ròng tăng 30% trong năm lên 33,2 tỉ đô la Đài Loan (khoảng 1,13 tỉ USD) trong quý 1/2022. Đây là mức cao nhất mọi thời đại của công ty tính đến nay. Doanh thu của MediaTek tăng 32% lên mức kỷ lục 142,7 tỉ đô la Đài Loan, nhờ nhu cầu về chip điện thoại thông minh 5G tăng cao.

Được biết, Qualcomm cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của TSMC trong bối cảnh thiếu chip, nhưng mối quan hệ yếu kém hơn của hãng bán dẫn Mỹ với nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan đã đẩy Qualcomm xuống trong danh sách ưu tiên, khiến công ty mất thị phần.

Vai trò ngày càng tăng của Đài Loan trong thiết kế chip cũng mở rộng sang các công ty có trụ sở tại Mỹ. Nvidia, AMD và Xilinx đang hoạt động với sự điều hành của các giám đốc sinh ra ở Đài Loan. TSMC cũng là nhà cung cấp chính cho cả ba công ty.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.