Đại dương đen - ‘bác sĩ sách’ của người trầm cảm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/08/2021 06:30 GMT+7

Có thể coi Đại dương đen như một bác sĩ bằng sách cho người trầm cảm. Trong khi đó, bác sĩ khám chữa bệnh trầm cảm của y tế Việt Nam đang quá thiếu và yếu.

Đại dương đen là tên cuốn sách với những câu chuyện từ thế giới những người trầm cảm của TS Đặng Hoàng Giang. Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn phát hành.
Ông Giang là người liên tiếp có những dự án nghiên cứu và viết sách gắn liền với thế giới nội tâm trong đời sống hiện đại. Trước Đại dương đen, ông có Điểm đến của cuộc đời hé mở hành trình cận tử và Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ về các tổn thương tâm lý của người trẻ.
Trong cuốn sách mới Đại dương đen vừa ra mắt, ông ghi rõ ngay từ phần 1 "những câu chuyện người thật việc thật ở đây có thể gây cảm giác nặng nề, mong bạn đọc lưu ý". Vậy, ông có sợ điều đó sẽ ngăn cản người ta mua sách, hoặc mua sách về rồi nhưng lại trì hoãn việc đọc hay không?
- TS Đặng Hoàng Giang: Tôi đoán rằng trong số bạn đọc của cuốn sách sẽ có nhiều người trầm cảm, nên cho rằng một nhắn nhủ như vậy là phù hợp, để họ có thể chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào những câu chuyện trong sách.
Hoặc có thể chọn thời điểm đọc thích hợp, ví dụ khi họ thấy khỏe mạnh hơn. Cuốn sách được viết ra với mục tiêu là phục vụ những người cần nó, chứ không phải để nhắm tới việc bán được càng nhiều càng tốt.
Trong câu chuyện của Bảo Anh, cô bất bình về việc bác sĩ khám chữa nói mình bệnh “chỉ vì một thằng đàn ông”, “không yêu thằng này thì yêu thằng khác”. Lại có câu chuyện bác sĩ kê đơn liên tục mà không dành nhiều thời gian cho bệnh nhân. Và trong đó có câu “Bác sĩ giỏi thì không thiếu, nhưng bác sĩ có trách nhiệm cao với bệnh nhân thì không có nhiều đâu”… Có phải ẩn sâu trong những câu chuyện của mình, ông muốn cảnh báo cả việc hệ thống y tế còn “loạng choạng” khi khám chữa bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm?
- Trải nghiệm của rất nhiều người trầm cảm và người thân của họ cho tôi thấy những lỗ hổng khổng lồ trong hạ tầng y tế liên quan tới sức khỏe tinh thần.
Hổng về số lượng. Câu “Bác sĩ giỏi thì không thiếu…” thực ra là một đánh giá hào phóng của một nhân vật ở Hà Nội. Các con số thống kê vẽ nên một bức tranh khác hẳn. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, trung bình chỉ có 1 bác sĩ tâm thần cho nửa triệu dân. Sách có trích dẫn một ví dụ, tỉnh Long An có 2 triệu người dân, ghi nhận chính thức hơn 6.000 bệnh nhân tâm thần (chắc chắn con số trong bóng tối lớn gấp nhiều lần), nhưng chỉ có 3 bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang công tác tại tỉnh. Đến bất cứ một khoa tâm thần nào, chúng ta sẽ thấy nó bị quá tải ra sao.
Hổng về chất lượng, thể hiện qua việc nhiều y bác sĩ mắng nhiếc, gắt gỏng người có tâm bệnh, phán xét, kỳ thị người có hành vi tự hại, tự sát; hoặc lãnh đạm, vô cảm với họ. Đây không chỉ là vấn đề về y đức, nó là vấn đề của chuyên môn. Tất cả khiến cho người trầm cảm càng sợ đi khám chữa bệnh hơn.
Tất nhiên, tôi cũng nghe được những trải nghiệm tích cực về những nhân viên y tế nhẹ nhàng, tôn trọng người bệnh, nhưng chúng ít tới mức khi nó xảy ra, người ta có thể cảm động tới phát khóc.

TS Đặng Hoàng Giang

Ảnh NVCC

Ông hẳn đã tiếp xúc nhiều với những người trầm cảm nhưng chọn 12 câu chuyện để đưa vào sách. Những câu chuyện đó chiếm tỷ lệ thế nào trong tổng số trường hợp ông đã phỏng vấn sâu, và vì sao ông lại chọn những trường hợp này?
- Tôi đã trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc với khoảng 50, 60 người trầm cảm và trong nhiều trường hợp tôi đã đồng hành hàng năm trời với họ. Những câu chuyện được chọn để đưa vào sách là những chuyện khiến tôi có ấn tượng nhất. Đó cũng là những nhân vật có khả năng biểu đạt dù rất khó khăn, để giúp người ngoài có thể có một hình dung về thế giới kỳ lạ của trầm cảm.
Ngoài ra, các chân dung cũng nói lên điều quan trọng là trầm cảm xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi gia đình. Như tôi đã viết trong sách, nó không chỉ có ở trong giới trẻ “vì chúng vốn thất thường trong cảm xúc”; không chỉ ở người học hành cao, “vì họ suy nghĩ quá nhiều”; không chỉ ở trong giới văn nghệ sĩ, “vì họ quá nhạy cảm”; không chỉ ở người có kinh tế đầy đủ, “bởi người nghèo lo kiếm sống thì lấy đâu ra thời gian mà trầm cảm”.
Tên cuốn sách là Đại dương đen, còn trong sách có một chương ông nói "Hãy bỏ chiếc kính đen xuống". Màu đen đó, đằng sao nó là thông điệp gì vậy?
- Nhiều người trầm cảm hay dùng ẩn dụ họ bị rơi vào một hố đen, một sự trống rỗng khổng lồ, hay một đại dương tím sẫm mà họ không thể nào thoát ra được. Họ chìm và bị bao vây bởi sự cô đơn và chết chóc, xa dần với thế giới, với cuộc sống cũ của họ.
Còn cái kính màu đen liên quan tới phương pháp trị liệu tâm lý mang tên liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp này được đặt trên nền tảng lý thuyết là người trầm cảm có những niềm tin sai lệch, tiêu cực về bản thân và về thế giới. Họ đeo một cái kính đen. “Tôi là kẻ vô tích sự.” “Chẳng có ai yêu mến tôi cả”. Phương pháp trị liệu này giúp người trầm cảm nhận ra những nhận thức sai lệnh của mình và thay đổi chúng. Nó giúp họ bỏ cái kính đen xuống để có thể nhìn mọi thứ một cách trung lập hơn.
Ai cũng nhận thấy rằng người trầm cảm có suy nghĩ tiêu cực, nhưng chỉ đơn giản yêu cầu họ “suy nghĩ tích cực lên đi" thì cũng vô nghĩa như yêu cầu một vận động viên bơi lội “bơi nhanh lên đi.” Vận động viên cần được hướng dẫn, phân tích để thay đổi kỹ thuật bơi của mình.
Tương tự, liệu pháp nhận thức hành vi, bằng các can thiệp nhất định, giúp người trầm cảm nhận diện được các khuôn mẫu nhận thức, thái độ có hại của mình trước cuộc sống, qua đó thay đổi chúng và thay đổi hành vi của mình.

Một tấm postcard về người trầm cảm được kèm theo sách Đại dương đen

Ảnh chụp lại postcard

Ông đưa vào sách những khái niệm về trầm cảm, trị liệu. Những lý thuyết về các vấn đề này có nhiều. Vậy, ông đã chọn lý thuyết như thế nào, tại sao?
- Có rất nhiều lý thuyết lý giải trầm cảm, điều này cũng nói lên thách thức hiểu và trị liệu rối loạn tâm lý này. Vì khuôn khổ của cuốn sách có hạn, tôi chọn ra những mô hình lý giải được nhắc tới nhiều nhất trong các tài liệu chuyên môn, các sách giáo khoa uy tín. Hiển nhiên, một tác giả khác có thể sẽ có những chọn lựa khác.
Về các phương pháp trị liệu, tôi tập trung vào giới thiệu liệu pháp dược (thuốc trầm cảm), cũng như một số phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến nhất và có nhiều bằng chứng về hiệu quả nhất. Những liệu pháp này thường được các hiệp hội chuyên môn ở các nước phát triển đưa vào nhóm những biện pháp hàng đầu khi trị liệu trầm cảm.
Tuy nhiên, giống như trong các lĩnh vực khác, không có phương pháp trị liệu hoàn hảo cho tất cả mọi trường hợp. Vẫn có cá nhân cụ thể lại hoàn toàn có thể được hưởng lợi rất nhiều bởi một liệu pháp ít được biết tới hơn.

Đường dây nóng Ngày mai dành cho người trầm cảm được TS Đặng Hoàng Giang và bạn là chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành thành lập

Ảnh chụp lại sách

Trong cuốn sách cũng có chương giới thiệu về đường dây nóng Ngày mai. Xin ông cho biết, đường dây nóng được tổ chức như thế nào, và nguồn lực nào đảm bảo cho sự bền vững của Ngày mai?
- Nhận thấy nhu cầu lớn của cộng đồng và sự yếu kém trong hạ tầng y tế, tôi cùng chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành khởi xướng Đường dây nóng Ngày mai như một nơi để người trầm cảm có thể tìm tới sự an ủi, lắng nghe không phán xét, một chỗ dựa trong những giờ phút khủng hoảng của mình. Dự án được vận hành hoàn toàn bởi các tình nguyện viên và với sự đóng góp tài chính từ cộng đồng.
Sự hưởng ứng nhiệt tình mà Ngày mai nhận được cho tới nay cho thấy đây là một hoạt động có ý nghĩa, hữu ích. Tôi hy vọng dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ vật chất và tinh thần của cộng đồng để đi đường dài, và đem lại một sự giúp đỡ nhỏ nhoi cho người trầm cảm cùng người thân của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.