Đại biểu Quốc hội: Xăng dầu 'thiếu thật' hay 'thiếu giả'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/10/2022 10:34 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội nêu tình trạng điều hành nguồn cung không ổn định dẫn đến nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa và đề nghị làm rõ, xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả.

Sáng 28.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng ban Công tác đại biểu

gia hân

Nêu ý kiến, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu: "Vấn đề xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả" cũng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài".

Theo đại biểu, chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đảm bảo tới 70 - 80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM.

Nhấn mạnh, giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân, bà Yên nhìn nhận, giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

"Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", bà Yên kiến nghị.

Đại biểu Quốc hội: Xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả"

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều qua 28.10, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cũng phản ánh băn khoăn của cử tri tình hình giá xăng dầu, đặc biệt là công tác điều hành nguồn cung không ổn định, dẫn đến tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa.

Theo bà Hương, điều này chỉ xảy ra ở một vài tỉnh nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân, khiến cử tri và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng.

Từ đó, đại biểu đoàn An Giang kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền, chủ động nắm bắt và ứng phó kịp thời hơn với những diễn biến mới của tình hình để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả hàng hóa, vấn đề cung cầu, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Dân kêu khổ vì nhiều trạm hết xăng, doanh nghiệp than lỗ 650 đồng/lít

Vụ việc liên quan trái phiếu doanh nghiệp để lại nhiều hệ lụy

Đề cập một số vụ việc như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, các vụ việc tuy được phát hiện song rõ ràng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thảo luận tại Quốc hội sáng 28.10

gia hân

Theo bà Yên, mọi người đều có thể cảm nhận được sự lo lắng, bất an của người dân, doanh nghiệp về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất, tiêu dùng, giá cả bất động sản...

"Tôi nhận thấy nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu do chiến tranh, xung đột, do chính sách bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế", bà Yên nêu.

'Cán bộ làm đúng, trong sáng, vì nước vì dân thì có gì phải ngại'

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết, cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước, cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này.

Theo ông, vừa qua, nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn (khoảng 140% GDP), trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.

"Nợ trái phiếu này tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh và không công khai, nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán", đại biểu Nghĩa nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.