Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GTVT về hơn 10.000 tỉ xử lý 8 dự án BOT

06/11/2023 18:24 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT làm rõ tính khả thi, hợp lý đối với đề xuất dành hơn 10.000 tỉ đồng để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT.

Chiều 6.11, đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) dẫn nội dung Nghị quyết số 62 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về các dự án BOT.

Theo đại biểu, trong hơn 1 năm qua, Bộ GTVT mặc dù đã nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên kết quả cho thấy vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ được Quốc hội giao.

Đại biểu An đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành; trong đó làm rõ tính khả thi, hợp lý về đề xuất tổng mức vốn Nhà nước hơn 10.000 tỉ đồng nhằm xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng GTVT về hơn 10.000 tỉ để xử lý 8 dự án BOT - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

GIA HÂN

Sẽ báo cáo Chính phủ trước 15.11

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ GTVT đã hết sức quyết liệt, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai tháo gỡ cho các dự án BOT có vấn đề.

Trong đó, với 8 dự án BOT mà đại biểu vừa nêu, tổng kinh phí dự kiến là hơn 10.000 tỉ đồng; bao gồm 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị được hỗ trợ tiếp tục thực hiện.

Trên thực tế, việc tháo gỡ cho các dự án đã được Bộ GTVT triển khai từ rất lâu, nhưng có nhiều vấn đề liên quan cần phải xử lý.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, sau khi Nghị quyết 62 ban hành, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án tháo gỡ bất cập, sau đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Tháng 11.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, yêu cầu Chính phủ và Bộ GTVT giải trình một số vấn đề. Điển hình như ngoài 8 dự án của T.Ư thì các địa phương có bao nhiêu dự án, có khó khăn, vướng mắc như thế nào…

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ GTVT, liên quan đến nguồn vốn, một vướng mắc đang cần được giải quyết, đó là dùng nguồn tăng thu hay đầu tư công trung hạn. Chưa kể vướng mắc về mặt pháp lý, cả 8 dự án đều được triển khai trước khi luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, nên tương đối khó khăn.

Thêm vào đó, các dự án không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà có cả các ngân hàng. Khi làm việc, Bộ GTVT đề nghị nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn, thu hồi vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT đang cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15.11, để từng bước trình Quốc hội trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho 8 dự án.

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng GTVT về hơn 10.000 tỉ để xử lý 8 dự án BOT - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

GIA HÂN

Xử lý công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên

8 dự án BOT bất cập đang treo lại chưa xử lý nhiều năm nay gồm: tuyến đường tránh phía tây TP.Thanh Hóa; dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi; dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp QL3; dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên; dự án cải tạo QL91 TP.Cần Thơ, đường tỉnh 922; BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà (kết nối Hà Nam - Thái Bình; BOT hầm Đèo Cả.

Cuối tháng 10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Phó thủ tướng khẳng định, việc sớm xử lý, giải quyết các khó khăn, bất cập tại các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết để thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Việc này giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong việc thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; đồng thời, khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, nguồn lực xã hội tham gia các dự án PPP trong giai đoạn tới.

Về nguyên tắc, Phó thủ tướng yêu cầu việc xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT phải bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, nhà nước, người dân, doanh nghiệp, tuân thủ hợp đồng đã ký kết và đúng quy định pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.