Đại bàng đã tới...

22/03/2023 04:12 GMT+7

Khái niệm "đại bàng" chỉ các tập đoàn lớn trên thế giới được chúng ta nói nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây khi đại dịch Covid-19 tàn phá khiến chuỗi sản xuất, cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy.

Tình thế này dẫn đến sự luân chuyển dòng vốn để tránh rủi ro và nhiều nước, trong đó có VN, lao vào cuộc cạnh tranh "dọn ổ đón đại bàng".

Và hôm qua, đại bàng, thậm chí cả các "đại bàng chúa" đã tới. Đó là đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay không chỉ về số lượng mà còn chất lượng: những thương hiệu hàng đầu nước Mỹ và là những "ông lớn" thực sự của thế giới trong lĩnh vực mà họ hoạt động, cũng là những lĩnh vực mà VN ưu tiên thu hút để dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao. Thế nên chỉ thông tin này thôi cũng tạo cho thị trường niềm hưng phấn. Bởi họ quan tâm thì họ mới tới.

Mà họ quan tâm đến VN, chắc chắn chúng ta phải có những lợi thế, những ưu điểm, những tiềm năng nhất định. Vấn đề và cũng là câu hỏi quan trọng được đặt ra lúc này là "ổ đã dọn chưa?" và dọn như thế nào để giữ chân đại bàng? Bởi như nói trên, khái niệm "dọn ổ đón đại bàng" đã được nói đến rất nhiều từ mấy năm trở lại đây, ở hầu hết các cấp độ, từ trung ương đến địa phương.

Dọn ổ như thế nào cũng được các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và nước ngoài đề xuất, kiến nghị cụ thể. Từ cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chuẩn bị sẵn hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Nhìn trên các đầu việc này có thể thấy còn rất nhiều vấn đề chúng ta phải làm. Ví dụ, lợi thế lớn của VN là môi trường kinh tế - chính trị ổn định, song hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ lại chưa thể cạnh tranh với nhiều đối thủ trong khu vực.

Chúng ta cải cách hành chính nhưng thủ tục nhiêu khê, phiền phức vẫn luôn khiến nhà đầu tư phiền lòng. Chẳng nói đâu xa, tại cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Chính phủ, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, EU, Hàn Quốc đều kiến nghị mở rộng việc miễn visa, đặc biệt thủ tục cho lao động nước ngoài còn phiền phức, thiếu rõ ràng. Các vấn đề này cũng được họ nêu ra ở cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền TP.HCM trong cuộc gặp gỡ cuối tháng 2 trước đó.

Tương tự, "dọn ổ" như thế nào cũng là vấn đề cần được đánh giá chính xác hơn. Chúng ta đều thấy các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của VN hiện nay đã khác xa so với trước. Đó là công nghiệp chế biến, công nghệ cao, sản xuất chip - bán dẫn, năng lượng tái tạo... thay vì những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Từ khát vọng trở thành "cứ điểm sản xuất", mấy năm gần đây chúng ta chuyển sang giấc mơ "cứ điểm sản xuất công nghệ của thế giới". Nhưng lợi thế mà hầu hết địa phương đưa ra để thu hút đầu tư đa số vẫn tập trung vào ưu đãi, vào độ sẵn sàng của mặt bằng, khu công nghiệp trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng internet, xây dựng công nghiệp hỗ trợ lại chưa được chú trọng.

Đưa được đại bàng tới đã khó, đã là một thành công; nhưng giữ đại bàng ở lại còn khó hơn. Nó đòi hỏi chúng ta không chỉ giải quyết những tồn tại cũ mà phải song song với việc tạo lợi thế mới, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư để có một cái ổ thực sự thuận tiện cho đại bàng làm tổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.