Đặc sắc tranh cổ động vẽ phụ nữ Việt

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/12/2021 06:08 GMT+7

“Biểu hiện của giới, đề cao vai trò người phụ nữ trong tranh cổ động của chúng ta đặc biệt nhiều và mang lại sự đặc sắc cho tranh cổ động Việt Nam”, nhà nghiên cứu Phạm Huy Thông, Viện Mỹ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật, nói tại tọa đàm về giới trong mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là trong tranh cổ động.

Tọa đàm có nhiều thông tin thú vị về nữ quyền trong tranh cổ động Việt. Sự kiện do hai không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội và Heritage Space đồng tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhân cuộc thi sáng tác tranh cổ động về giới In art we trust.

Ông Vũ Huy Thông cho biết sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta có nhiều tranh cổ động với lực lượng họa sĩ học Mỹ thuật Đông Dương. Giai đoạn 1945 - 1954 tranh cổ động đơn giản. Đến cuối những năm 1960, Xưởng tranh cổ động T.Ư được thành lập, xưởng này lớn hơn những tổ sáng tác tranh cổ động trước đó và tập hợp những họa sĩ tranh cổ động hàng đầu.

Hình ảnh người phụ nữ trong tranh cổ động Việt Nam trước đây rất đa dạng

“Nếu quay trở lại chủ đề giới thì tôi thấy nghệ thuật cổ động có những điểm đặc biệt. Đấy là hình ảnh người phụ nữ được đề cập đặc biệt trong giai đoạn 1954 - 1975 xuất hiện nhiều vai trò khác nhau. Là nông dân, công nhân, người mẹ, chiến sĩ. Họ vừa hậu phương vừa tiền tuyến. Không chỉ thế, hình tượng người phụ nữ còn được coi như biểu tượng của căm thù hoặc biểu tượng của hòa bình. Việc khai thác sử dụng hình ảnh phụ nữ trong tranh cổ động của chúng ta xuất hiện rất lớn, đặc sắc nếu nói trên phương diện thẩm mỹ”, ông Thông nói.

Một trong những đặc sắc của tranh cổ động Việt Nam thể hiện ở sáng tạo hình ảnh. Ông Thông cho rằng dù khá gần gũi, song nhân vật nữ trong tranh cổ động Việt sinh động hơn hẳn trong tranh cổ động Trung Quốc. “Tranh Trung Quốc lý tưởng hóa hình ảnh phụ nữ thái quá, nó hồng hào và tròn trịa quá, nó không sinh động như Việt Nam. Tranh Việt Nam đa dạng và thú vị hơn, tranh Trung Quốc có tính mẫu thức và giáo điều rất mạnh. Còn trước nữa, tranh cổ động thời kỳ Pháp thuộc thì hình ảnh phụ nữ đều là biểu tượng mẫu quốc, hình ảnh phụ nữ bản địa chỉ có tính tuyên truyền về con dân thuộc địa”, ông Thông cho biết.

Nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê, một người vẽ tranh cổ động, cho biết trường mỹ thuật từng có những khóa đào tạo không phân chia chuyên ngành đồ họa, hội họa, điêu khắc như sau này. Các họa sĩ đều cần phải biết làm hết. Sau đó, khi ra trường, họ được phân về các địa phương và phải làm tất cả các việc liên quan đến tuyên truyền, mỹ thuật trong đó có vẽ tranh cổ động.

“Họa sĩ thời đó ít ai không vẽ tranh cổ động. Tỷ lệ nam họa sĩ chiếm phần lớn, trên 90%. Chúng tôi dùng nghề nghiệp làm phương tiện tuyên tuyền. Chúng tôi sáng tác, kẻ vẽ, dạy học, trực tiếp vẽ tranh tường. Trong chiến tranh bắn phá thì các nút giao thông lớn phải vẽ, dựng pano gần nơi xung yếu để có tác động mạnh mẽ số đông. Chúng tôi đùa là vẽ sao để phi công Mỹ cũng hiểu”, bà Khuê nhớ lại. Về bình đẳng, bà nói, các vấn đề bình đẳng giới cũng đã được đặt ra từ đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.