Đã trúng tuyển có điều kiện, muốn đổi ngành khác, thí sinh lưu ý gì?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
05/07/2023 07:41 GMT+7

Chủ động tìm hiểu thông tin về ngành nghề, điểm chuẩn của các năm trước, đăng ký xét tuyển thử lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, tranh thủ nộp hồ sơ bằng các phương thức xét tuyển sớm... là lời khuyên của các chuyên gia khi thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đây là nội dung trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Thí sinh cần làm gì sau khi thi tốt nghiệp?" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua (4.7), được phát trực tuyến trên thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.

Dùng điểm thi tốt nghiệp để đăng ký ngành khác

Tại chương trình tư vấn, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng sau khi thi xong và Bộ GD-ĐT đã công bố đáp án các môn thi, ít nhiều thí sinh (TS) đã dự đoán được mức điểm của mình. Từ đó, có thể xem xét, cân nhắc, tính toán đăng ký vào các ngành học, trường ĐH phù hợp bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.

Đã trúng tuyển có điều kiện, thí sinh vẫn có thể đổi ngành khác  - Ảnh 1.

Các chuyên gia gửi đến thí sinh nhiều lời khuyên hữu ích trong thời gian đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT

NGỌC DƯƠNG

"Trong số đó, có không ít TS đã trúng tuyển có điều kiện bằng các phương thức xét tuyển sớm như học bạ, đánh giá năng lực... Như vậy, nếu các em mong muốn học ngành đã trúng tuyển thì từ ngày 10 - 30.7 bắt buộc phải đăng ký ngành học đó lên nguyện vọng đầu tiên. Sau đó, từ 31.7 - 6.8 các em phải xác nhận nhập học bằng cách nộp lệ phí. Trong trường hợp các em muốn học một ngành khác thì dùng điểm thi tốt nghiệp để đăng ký", tiến sĩ Hải chia sẻ.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý thời điểm này TS có thể thư giãn, nghỉ ngơi nhưng cũng đừng quên suy nghĩ về lộ trình và các mốc thời gian xét tuyển trong thời gian tới để luôn trong thế chủ động, tránh bị động.

Bắt đầu từ ngày 3 - 6.7, Bộ GD-ĐT mở hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để TS thực hành đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển thử nghiệm, thạc sĩ Tư khuyên TS nên đăng ký thử nhiều lần, nếu sai cũng không sao vì sau đó dữ liệu sẽ bị xóa để ngày 10.7 đăng ký chính thức; đồng thời rà soát lại các thông tin cá nhân trên hệ thống để nếu có sai sót thì kịp thời điều chỉnh.

Có nên thay đổi khi đã trúng tuyển sớm ?

Theo dõi chương trình tư vấn, Đặng Hải Dương (TS ở Quảng Ngãi) thắc mắc: "Em đã trúng tuyển sớm vào ngành răng - hàm - mặt của một trường ngoài công lập, nhưng do thích học bác sĩ đa khoa hơn nên em đang đợi kết quả thi để đăng ký ngành này. Như vậy khi đăng ký lên hệ thống của Bộ, em đặt nguyện vọng y đa khoa Trường ĐH Duy Tân lên đầu tiên, sau đó đến ngành răng - hàm - mặt đã trúng tuyển sớm của trường ĐH kia thì có được không? Nếu em không đậu thì có được xét đậu vào ngành răng - hàm - mặt nữa không?".

Đây là tình huống rất nhiều TS cũng đang gặp phải, khi bản thân đã trúng tuyển sớm vào một ngành rồi nhưng lại yêu thích một ngành khác hơn và muốn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.


Tận dụng mọi phương thức xét tuyển

Đã trúng tuyển có điều kiện, thí sinh vẫn có thể đổi ngành khác  - Ảnh 3.

Ngọc Dương

Các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, rất dễ bị rối, nhưng cũng không nên đăng ký quá ít nguyện vọng, nếu gặp sự cố gì sẽ mất cơ hội. Quan trọng là phải biết mức điểm của mình ở đâu, lựa chọn những ngành học phù hợp với sở thích, trường học phù hợp với năng lực và tận dụng mọi phương thức xét tuyển, chắc chắn các em sẽ trúng tuyển.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư (Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)

Không nhiều trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung

Đã trúng tuyển có điều kiện, thí sinh vẫn có thể đổi ngành khác  - Ảnh 4.

Trường đã đạt hơn 50% chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển sớm nên còn hơn 40% cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Hiện có một số ngành học mới tại trường có ít TS lựa chọn như kỹ thuật phục hồi chức năng, quản lý bệnh viện... Trong 2 năm trở lại đây trường cũng không xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thạc sĩ Trương Quang Trị (Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Nên chọn ngành theo sở thích 

Đã trúng tuyển có điều kiện, thí sinh vẫn có thể đổi ngành khác  - Ảnh 5.

Năm nay trường cũng có một số ngành mới mang đến cơ hội trúng tuyển cao cho TS như quản lý thể dục thể thao. Tuy nhiên các em cần chọn ngành theo sở thích, đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài chứ không nên chọn ngành để trúng tuyển trong khi mình không yêu thích.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương (Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Nhiều trường vẫn nhận hồ sơ phương thức xét tuyển sớm

Đã trúng tuyển có điều kiện, thí sinh vẫn có thể đổi ngành khác  - Ảnh 6.

Hiện nay trường vẫn nhận hồ sơ đánh giá năng lực và học bạ đến ngày 7.7 nên bên cạnh việc xét điểm thi tốt nghiệp sắp tới, TS vẫn có thể dùng phương thức xét tuyển sớm. Sau đó, trường sẽ tải thông tin các TS trúng tuyển có điều kiện lên hệ thống của Bộ để các em đăng ký. Đối với phương thức điểm thi tốt nghiệp, trường còn khoảng 20% chỉ tiêu và dự kiến sẽ không tuyển các đợt bổ sung.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM)


Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết: "Sau ngày 24.7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe và sư phạm, từ 25.7 trở đi các trường sẽ điều chỉnh mức điểm xét tuyển, nếu có. Nếu em đã trúng tuyển ngành răng - hàm - mặt, nhưng giờ lại muốn đăng ký ngành y đa khoa, thì khi đăng ký lên hệ thống của Bộ, em cứ đặt ngành y đa khoa lên nguyện vọng đầu tiên. Sau đó em có thể đặt ngành răng - hàm - mặt lên ưu tiên thứ 2 và các nguyện vọng khác mà em mong muốn. Hệ thống sẽ tự động xét tuyển ngành y đa khoa trước, nếu đủ điểm thì em sẽ trúng tuyển y đa khoa, trong trường hợp không trúng tuyển thì em sẽ tiếp tục được xét đến ngành răng - hàm - mặt và đây là ngành em đã trúng tuyển nên hệ thống sẽ xác nhận và không xét các ngành tiếp theo nữa".

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng nếu TS đã trúng tuyển sớm mà muốn thay đổi ngành đã trúng tuyển thì có thể đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp lên hệ thống. "Bên cạnh đó, nếu sau ngày 30.7 TS đã trúng tuyển nhưng vẫn muốn thay đổi thì vẫn có thể từ chối nhập học để xét tuyển bổ sung, nhưng cánh cửa này rất hẹp, vì thế các em phải cân nhắc thật kỹ lưỡng", thạc sĩ Phương nêu. t

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.