Đã nhập học nhưng liên quan đến gian lận có thể bị buộc thôi học

Quý Hiên
Quý Hiên
30/01/2020 08:19 GMT+7

Thí sinh đã trúng tuyển và nhập học nhưng bị phát hiện có hành vi gian lận hoặc liên quan trực tiếp đến gian lận trong quá trình thi, tuyển sinh có thể bị buộc thôi học. .

Đó là một nội dung mới của dự thảo quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non mà Bộ GD-ĐT vừa xin ý kiến đóng góp của xã hội.

Trường được xem xét cấm thí sinh dự tuyển

Đây là dự thảo hợp nhất quy chế tuyển sinh các loại hình đào tạo, gồm đào tạo đại học chính quy, vừa làm vừa học, bằng thứ 2, chương trình tiên tiến, chất lượng cao, theo đặt hàng, liên thông. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học nước ngoài, đào tạo từ xa.
Nét mới nổi bật của dự thảo là các trường có đào tạo ngành giáo viên sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp; ngay cả với trình độ cao đẳng, cũng chỉ tuyển sinh ngành giáo viên mầm non. Được biết, quy định này đưa vào nhằm phù hợp với luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1.7.2020.
Đặc biệt, có một quy định mới được bổ sung vào dự thảo quy chế năm nay về chế tài xử lý thí sinh sử dụng kết quả thi liên quan tới gian lận thi. Theo đó, thí sinh đã trúng tuyển và nhập học nhưng bị phát hiện có hành vi gian lận hoặc liên quan trực tiếp đến gian lận trong quá trình thi, tuyển sinh có thể bị buộc thôi học, cấm dự tuyển vào trường trong những năm tiếp theo; các mức xử lý này sẽ do các trường xem xét, quyết định. Còn cán bộ và thí sinh có hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức thi được xử lý theo quy định tại quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Dự thảo quy chế cũng nêu rõ các trường sẽ bị xử lý nếu tuyển sinh vượt số lượng so với chỉ tiêu đã xác định và công khai trong đề án tuyển sinh hoặc tuyển sinh vượt số lượng so với năng lực thực tế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và sẽ bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau số thí sinh đã tuyển vượt của trường. Nếu tuyển sinh sai đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Vi phạm các quy định khác thì tùy theo mức độ sẽ bị xem xét đình chỉ tuyển sinh hoặc dừng đào tạo theo quy định của pháp luật.

Môn thi đưa vào tổ hợp xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo

tuyển sinh theo phương thức nào thì trường đều phải thực hiện việc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển theo các nguyên tắc sau: sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 bài thi/môn thi toán hoặc ngữ văn để xét tuyển; các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho 1 ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là 1 tổ hợp). Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất 1 bài thi toán, ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

Vẫn giữ điểm sàn khối ngành sức khỏe, sư phạm

Theo dự thảo quy chế, các trường chỉ tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện được phép đào tạo theo quy định hiện hành. Căn cứ phương thức tuyển sinh mà trường lựa chọn, các trường xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (thường gọi là "điểm sàn") trong đề án tuyển sinh, trừ nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên là do Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường quy định phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh. Các trường chịu trách nhiệm giải trình với Bộ và xã hội về chất lượng đầu vào do trường quy định.
Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức, loại hình đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ trước 10.3 hằng năm và chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án. Việc tuyển sinh của các trường được thực hiện theo đề án tuyển sinh đã công bố, phù hợp với quy định hiện hành. Trong đề án phải nêu rõ quy định chỉ tiêu tuyển sinh theo các hình thức tuyển sinh khác nhau (nếu có); ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với quy định của Bộ; quy định rõ về việc trường có sử dụng hay không kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, điểm thi được bảo lưu theo quy định tại quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh

Các trường có quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh cho đơn vị mình, nhưng phải nói rõ về từng phương án trong đề án tuyển sinh. Các trường tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia; các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức thi năng khiếu và các hình thức thi khác kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đều phải thực hiện quy trình xét tuyển mà Bộ quy định.
Với những trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, nếu sử dụng kết quả thi tuyển sinh của trường khác hoặc của tổ chức khảo thí uy tín trên thế giới để xét tuyển thì phải quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường. Những trường này có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một ngành hoặc nhóm.
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh; thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức mà Bộ đã quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.