Đà Nẵng thu hút đầu tư: Lộ trình không dùng tiền mặt

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
24/09/2019 11:45 GMT+7

TP.Đà Nẵng vừa ban hành đề án hướng đến không dùng tiền mặt, nhưng lộ trình khá gập ghềnh. Ngành ngân hàng , các cơ sở kinh doanh được khuyến khích và “đặt hàng” cải thiện hạ tầng thanh toán...

Theo đánh giá, tiềm năng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Đà Nẵng còn rất lớn, giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn ngày càng tăng, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh khai thác thị trường TTKDTM với việc cung cấp sản phẩm đa dạng, tiện ích và các chương trình ưu đãi. Các chi nhánh tổ chức tín dụng Đà Nẵng phát hành mới 280.453 thẻ nội địa và 79.128 thẻ quốc tế, hiện có 540 máy ATM (tăng 9 máy), 7.396 POS (tăng 232 máy).

“Thước đo” thành phố văn minh

Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Đà Nẵng mới đây, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, việc hướng đến TTKDTM là thước đo biểu hiện của một TP văn minh, lịch sự, khả năng quản lý tốt. Trong đó, trước mắt TP khuyến khích khách hàng thanh toán phải lấy hóa đơn để kiểm soát doanh thu, tiến đến TTKDTM sau này.

Đà Nẵng khuyến khích các ngân hàng hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt

N.T

Tuy nhiên, thực trạng trên toàn TP.Đà Nẵng không như kỳ vọng. Ông Lê Văn Hào, Giám đốc VietinBank Đà Nẵng, chia sẻ đơn vị được TP tạo điều kiện quan tâm cho làm đầu mối thu dịch vụ hành chính công nhưng kết quả không khả quan: Năm 2018 chỉ thu được 4,5 triệu đồng/45 gói dịch vụ, 6 tháng đầu năm 2019 thu 27 món với 2,5 triệu đồng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do người dân quen dùng tiền mặt, xuất tiền trả tại chỗ cho nhanh… Ông Nguyễn Quang Việt, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng, cho biết ngoài một số doanh nghiệp bưu chính viễn thông, dịch vụ công ích, hành chính công… thì người dân TTKDTM quá thấp, nên cần TP chủ trì, sở ban ngành quyết liệt, đặt ra tỉ lệ có bao nhiêu % thanh toán dịch vụ công. Vì theo ông Việt, hiện nay các công cụ iBanking, mobile banking, ATM rất thuận tiện.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch, đề xuất Ngân hàng Nhà nước bắt buộc chủ cơ sở kinh doanh phải chịu phí thanh toán POS thay khách. Hiện khách sạn, nhà hàng TTKDTM rất lớn, góp phần quan trọng chống thất thu thuế nếu kiểm soát được khách thanh toán ăn uống, lưu trú, đặt phòng, mua bán phòng online. “Ngành du lịch đề xuất Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định về quản lý các giao dịch thanh toán điện tử để đảm bảo quản lý tốt hơn”, bà Hạnh nói.

Gợi ý thí điểm tại Q.Hải Châu

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công thương, cũng nêu thực tế hiện các trung tâm thương mại, siêu thị có ý thức TTKDTM; tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ rất ít người tiêu dùng thanh toán qua thẻ, mà ngành công thương chỉ vận động chứ không thể bắt buộc.
Do đó, đại diện ngành Công thương kiến nghị ngân hàng kết hợp doanh nghiệp có cơ chế ưu đãi cho người dùng thẻ như giảm giá để người dân cảm thấy có lợi, từ đó tự giác. Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính, lưu ý thêm, nếu TP triển khai đề án hạ tầng kỹ thuật cho TTKDTM thì khả thi hơn, người dùng có niềm tin hơn. Vì hiện nay các hacker đánh mạnh hệ thống thanh toán này, người dùng dễ bị tấn công.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên, tháng trước UBND TP đã ban hành đề án không dùng tiền mặt, chủ yếu chuẩn bị cơ sở hạ tầng, và yêu cầu các ngân hàng triển khai một số giải pháp về máy POS; đồng thời, mở rộng thanh toán các dịch vụ, lĩnh vực an sinh xã hội. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định Đà Nẵng đang xây dựng mô hình TP văn minh, thông minh theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Trong đề án xây dựng TP thông minh, TTKDTM là một trong những lĩnh vực tiên phong hết sức quan trọng. Đà Nẵng cũng có đề án chống thất thu thuế, thì không dùng tiền mặt là biện pháp rất tích cực, nếu làm được thì TP sẽ tiên phong trong lĩnh vực phức tạp nhất trong quản lý Nhà nước, kể cả chống tham nhũng.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong 8 triệu du khách đến Đà Nẵng trong năm 2019, có khoảng 3 triệu du khách nước ngoài với nhu cầu chi tiêu bằng thẻ rất cao, do đó các cửa hàng phải trang bị đủ điều kiện thanh toán qua thẻ. Với người dân, ông Nghĩa đề nghị ngân hàng liên kết hệ thống thuận tiện, kết nối thẻ, điện thoại, TP hướng đến khối hưởng lương thanh toán điện, nước và các loại dịch vụ khác qua hệ thống ngân hàng. Bí thư Thành ủy cũng gợi mở thí điểm ở Q.Hải Châu sử dụng ứng dụng quản lý đô thị hiện tại để kết hợp thanh toán thống nhất 1 đầu mối, nếu hiệu quả.
Theo Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, dịch vụ thanh toán ngân hàng tiếp tục phát triển gắn liền quá trình đổi mới, ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, qua đó cho phép tạo lập nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế.
Trong đó, dịch vụ ngân hàng điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển, tạo thuận lợi thu hút khách hàng, mở rộng dịch vụ. Tính đến ngày 30.6, đã có 47 ngân hàng phát sinh doanh số thanh toán qua internet; 36 ngân hàng phát sinh doanh số thanh toán qua điện thoại di động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.