Đà Nẵng: Thi công bãi rác Khánh Sơn, người dân lo không được thu hoạch rừng trồng

22/12/2021 16:56 GMT+7

Người dân tại Q.Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng ) lo lắng vì không được thu hoạch rừng trong khu vực bãi rác Khánh Sơn trước khi bàn giao mặt bằng cho địa phương thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật nhà máy xử lý rác thải.

Người dân bức xúc vì "rừng bị đốn hạ"

Những ngày qua, nhiều hộ dân trồng cây lâu năm tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) bức xúc vì không được tự thu hoạch cây trồng trước thời điểm bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án hạ tầng kỹ thuật nhà máy xử lý rác thải tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong 2 ngày 21 - 22.12, nhiều hộ dân có rừng tại khu vực đã tập trung trước Nhà máy xử lý rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) để phản ánh về việc lực lượng chức năng trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đã cưỡng chế, tự đốn hạ rừng của các hộ dân, không cho các chủ hộ tiếp xúc hay tiếp cận khu vực trồng cây.

Bà Nguyễn Thị Lai và bà Nguyễn Thị Học (trú tổ 70, P.Hòa Khánh Nam) bức xúc vì không được tự thu hoạch rừng trước khi bàn giao đất cho địa phương

NGỌC HÂN

Điều khiến người dân thắc mắc hơn hết là chính quyền địa phương đã không tạo điều kiện để họ thu hoạch rừng keo tràm trước khi bàn giao đất lại cho dự án. Thay vào đó, rừng trồng bị đốn hạ, không cho các chủ hộ tiếp xúc hay nhận bàn giao lại số cây trồng này.

Bà Nguyễn Thị Lai (trú tổ 70, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) cho biết bà có hơn 3.000 m2 đất trồng keo lá tràm, bạc hà… nhưng dù rất muốn được thu hoạch trước khi bàn giao đất cho dự án nhưng đã không được chấp nhận.

Theo lời bà Lai, bà cùng một số hộ dân đã trồng rừng tại khu đất này gần 40 năm nay. Khi biết đây là đất quốc phòng, bà không cản trở thi công mà đồng ý trả lại đất cho nhà nước.

"Chỉ mong nhà nước tạo điều kiện để chúng tôi thu hoạch cây. Rừng keo tràm trồng đã trên 3 năm tuổi, trị giá bán gỗ không dưới 20 triệu đồng. Dịch bệnh khó khăn, đây là số tiền lớn với gia đình tôi…”, bà Lai nói.

Cùng cảnh ngộ, gia đình bà Nguyễn Thị Học (tổ 70 P.Hòa Khánh Nam) cũng có hơn 8.500 m2 trồng cây điều, bạc hà tại khu vực gần bãi rác Khánh Sơn hàng chục năm nay. "Nhưng có quá nhiều cây đã đến độ thu hoạch nhưng nay bị chặt ngang, bỏ đi… Chúng tôi thiệt hại hàng chục triệu đồng, tiếc của mà giờ không biết phải làm sao cả", bà Học nói.

Cũng theo bà Học, các hộ dân mong muốn chính quyền có hỗ trợ bằng mức 60% giá đất nông nghiệp hạng 1 đồng bằng (đơn giá 25.000 đồng/m2) như thông báo của UBND TP.Đà Nẵng vào năm 2008 về quyết định giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư tại khu vực trên để thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác Khánh Sơn.

"Để người dân vào thu hoạch dễ dẫn đến mất an ninh trật tự"

Liên quan đến việc người dân bức xúc khi lực lượng chức năng đốn hạ cây trồng tại khu vực thi công hạ tầng kỹ thuật nhà máy xử lý rác Khánh Sơn, ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Nam, khẳng định người dân phản ánh rằng địa phương cưỡng chế, đốn hạ rừng là không đúng. Theo ông Minh, đây chỉ là thực hiện nhiệm vụ “hỗ trợ đơn vị thi công”.

Theo Chủ tịch UBND P.Hòa Khánh Nam, từ ngày 21 - 22.12, lực lượng chức năng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ chủ đầu tư thi công hạ tầng kỹ thuật dự án Nhà máy xử lý rác tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Trước khi thực hiện đốn hạ rừng, địa phương đã mời người dân có cây trồng tại khu vực dự án đến làm việc. Tuy nhiên, về việc phá bỏ cây trồng thì địa phương có sai sót, khi chưa giải thích rõ ràng khiến người dân hoang mang và cho rằng "bị cưỡng chế".

Khu vực thi công dự án Nhà máy xử lý rác bãi rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam) hiện có hàng chục nghìn m2 đất có rừng trồng của người dân

NGỌC HÂN

Lý giải việc không cho người dân tự thu hoạch cây trồng của mình, lãnh đạo UBND P.Hòa Khánh Nam cho biết vì số người trồng cây ở khu vực giải tỏa rất đông, phường chưa nắm hết số lượng nên không thể cho người dân tự ý vào khu vực đang giải phóng mặt bằng.

“Nếu để người dân tự vào thu hoạch cây sẽ dễ dẫn đến mất an ninh trật tự do tranh chấp ranh giới, số cây cối…”, ông Minh thông tin.

Theo ông Minh, lực lượng đốn hạ số cây ăn trái, cây lâu năm của người dân trồng tại khu vực thuộc diện giải tỏa đền bù để thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác. Khi đốn cây rừng, lực lượng chức năng đã cho người quay phim, chụp ảnh toàn bộ khu vực. Số cây đốn hạ sẽ được tập trung tại một khu vực, hộ nào chứng minh đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc của cây sẽ được phường trả lại.

Cũng theo ông Minh, sau khi được giải thích, người dân không còn đến hiện trường nữa và trong ngày hôm nay (22.12) đã có một số hộ dân đến phường nộp đơn khiếu nại theo hướng dẫn.

“Trong đơn khiếu nại, bà con cần chứng minh rõ diện tích đất trồng, chủng loại cây để phường có hướng hỗ trợ, xử lý đơn thư và sẽ chuyển cấp trên xem xét”, ông Minh nói.

Dự án hạ tầng kỹ thuật Nhà máy xử lý rác thải tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) có vốn đầu tư hơn 47 tỉ đồng, nhằm làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư Nhà máy xử lý rác thải, tăng công suất xử lý rác của bãi rác Khánh Sơn, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của TP.Đà Nẵng. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật bao gồm các hạng mục: san nền, giao thông thoát nước, cấp nước, cấp điện - chiếu sáng, cây xanh phù hợp với quy hoạch..., được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt vào tháng 7.2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.