Đà Nẵng ngăn chặn GrabCar: Người dân phải 'lén lút' sử dụng dịch vụ tiện lợi

Nhiều chuyên gia cho rằng việc TP.Đà Nẵng ngăn không cho GrabCar hoạt động trên địa bàn có dấu hiệu của việc bảo hộ taxi truyền thống và xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, không ít người dân ở đây vẫn chọn sử dụng dịch vụ này vì sự tiện lợi, có điều họ cảm thấy không hề thoải mái.

Cuối năm 2016, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ GrabCar trên địa bàn TP (Thanh Niên đã thông tin). Lý do Đà Nẵng không đồng ý Grab thí điểm là khi đưa vào hoạt động sẽ cạnh tranh trực tiếp với loại hình taxi đang được cấp phép, theo quy hoạch của TP là 1.700 xe; làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND TP phê duyệt, gây nên kẹt xe, ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng trên địa bàn. Trong khi đó, tình hình nhu cầu vận tải hành khách đang hoạt động ổn định...
Sao không cho chúng tôi quyền lựa chọn ?
Những lý do của ngành chức năng Đà Nẵng đưa ra như quy hoạch 1.700 xe chính là cơ chế bảo hộ taxi truyền thống và không chấp nhận những mô hình kinh doanh mới, đặt quyền lợi của người tiêu dùng dưới quyền lợi các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống
TS Nguyễn Ngọc Sơn 
Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM)
Tuy nhiên, trên thực tế, ô tô của dịch vụ này vẫn đang hoạt động tại TP và được nhiều người dân chọn sử dụng vì sự tiện lợi. PV Thanh Niên từng đặt xe và được GrabCar đến đón rất nhanh. Sau khi đặt xe, ứng dụng trên điện thoại hiển thị chiều dài đoạn đường, biển số xe, tên tài xế và số tiền phải trả rất rõ ràng. Hiện giá cước GrabCar tại Đà Nẵng rất cạnh tranh và ô tô sử dụng để chở khách sạch sẽ, thoải mái. Chính việc tạo cảm giác giống như được đi xe của gia đình nên nhiều người dân đã tải ứng dụng này để sử dụng khi cần.
Trước thông tin TP.Đà Nẵng quyết liệt ngăn cấm GrabCar hoạt động, nhiều người dân đã tỏ ra bức xúc vì cho rằng họ bị giới hạn quyền được lựa chọn dịch vụ. “Tôi được biết chỉ mỗi Đà Nẵng là địa phương không cho GrabCar thí điểm. Tôi thấy dịch vụ tốt, uy tín, minh bạch trong mọi khâu... sao không cho chúng tôi quyền được lựa chọn dịch vụ tốt nhất?”, một người dân trú Q.Sơn Trà nói. Một số ý kiến khác cho rằng Đà Nẵng đang xây dựng chính quyền điện tử thì việc triển khai dịch vụ GrabCar để đặt xe qua mạng là việc nên làm.
Anh L.Đ.D (trú tại Q.Thanh Khê) cho biết, mặc dù Đà Nẵng ngăn cản GrabCar triển khai, song thông qua ứng dụng đang hoạt động, anh vẫn thường xuyên đi lại trong TP bằng ô tô của dịch vụ này. “Ngăn cản thì ngăn cản, còn người dân chúng tôi thấy GrabCar tiện lợi thì sử dụng thôi. Có điều, cách làm của TP khiến chúng tôi có cảm giác mình đang phải lén lút làm điều sai phạm”, anh D. nói.
Đi ngược xu hướng thị trường
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), cho rằng trong luật Doanh nghiệp (DN) và luật Đầu tư chưa có bất kỳ quy định nào cấm mô hình kinh doanh theo kiểu GrabCar. “Khoản 2 điều 6 luật Cạnh tranh quy định về những hành vi bị cấm của cơ quan nhà nước, trong đó cấm phân biệt đối xử với các DN. Khoản 4 điều 6 luật này cấm các cơ quan nhà nước không được thực hiện các hành vi cản trở hoạt động kinh doanh, hợp tác của DN. Do đó, theo các văn bản luật thì chưa thể cấm GrabCar hoạt động”, TS Sơn nói.
TS Sơn cũng đánh giá hành động ngăn cản GrabCar hoạt động là vi phạm điều 6 luật Cạnh tranh, tức có biểu hiện bảo hộ, độc quyền: “Những lý do của ngành chức năng Đà Nẵng đưa ra như quy hoạch 1.700 xe chính là cơ chế bảo hộ taxi truyền thống và không chấp nhận những mô hình kinh doanh mới, đặt quyền lợi của người tiêu dùng dưới quyền lợi các DN kinh doanh truyền thống”. Theo TS Sơn, việc “mượn” quy hoạch cho thấy các cơ quan nhà nước đã lập rào cản để ngăn cản mô hình kinh doanh mới. “Mà khi lập rào cản để ngăn chặn mô hình kinh doanh mới thì chứng tỏ anh bảo hộ cho mô hình kinh doanh đang tồn tại”, ông Sơn nói.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cũng không đồng tình với việc Đà Nẵng đưa ra lý do quy hoạch taxi đã đủ số lượng. “Thế nào là dư, thế nào là thiếu? Vấn đề là phải cạnh tranh, người dân thấy cái nào rẻ thì đi. Chứ kinh tế thị trường thì không thể có chuyện ép bên này, thiên vị bên kia. Đà Nẵng không thể ngăn chặn xu thế thế giới và lợi ích người dân, mà cần xem lại quy hoạch của mình đã phù hợp chưa”, ông Phạm Sanh nói.
Th.S Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, cho rằng Đà Nẵng cần xem xét lại, ngăn cản chuyện này là không đúng tinh thần Hiến pháp mới là người dân có quyền tự do kinh doanh. Hơn nữa, việc thí điểm Thủ tướng đã cho phép. Còn nếu Đà Nẵng cho rằng số lượng taxi đã phù hợp với đặc thù và nhu cầu của TP, thì cũng phải nghiên cứu để loại hình này tham gia thị trường một mức độ nào đấy, để nó vừa là động lực kích thích taxi truyền thống cải thiện chất lượng dịch vụ. Nếu cuối cùng người dân thực sự không muốn sử dụng GrabCar thì “ông có cho thì nó cũng chết”. Ngay cả tại TP.HCM, chính vì sự xuất hiện của GrabCar mà nhiều hãng taxi truyền thống phải đổi mới chất lượng dịch vụ, đặc biệt là cũng ứng dụng công nghệ đặt xe theo xu thế…
Phi thực tế !
Trong một động thái quyết liệt ngăn chặn GrabCar, Ban An toàn giao thông TP.Đà Nẵng đã có văn bản gửi các ngành liên quan, trong đó đề nghị Công an TP ngăn chặn việc truy cập vào phần mềm GrabCar và Uber; cung cấp thông tin và phối hợp với Sở GTVT để kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải trái phép. Đồng thời, đề nghị Sở TT-TT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ internet và các nhà mạng 3G trên địa bàn thực hiện việc ngăn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng GrabCar, Uber…
Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, việc này dường như phi lý và đi ngược với xu thế thị trường. Ông nói hiện nay chúng ta đang ở trong một thế giới phẳng và các dịch vụ cung cấp qua mạng internet là không biên giới. Người dùng ngồi ở bất kỳ nơi đâu vẫn có thể sử dụng được những ứng dụng như Grab và Uber. Chẳng hạn, một khách hàng đang ngồi ở TP.HCM hay Hà Nội vẫn có thể đặt xe Uber và Grab tại Đà Nẵng, quan trọng là ở đó có dịch vụ này hay chưa. Hơn nữa, 2 ứng dụng này không đặt trên máy chủ ở VN mà ở nước ngoài. Do đó về mặt công nghệ, nếu muốn chặn người dùng truy cập vào 2 dịch vụ này thì phải chặn trên quy mô rộng ở tầm vóc quốc gia. Khi đó, cả TP.HCM, Hà Nội hay mọi nơi ở VN đều không thể sử dụng được. Mặt khác, nếu chỉ muốn cấm ở riêng Đà Nẵng thì có thể chặn người truy cập internet thông qua mạng cố định. Còn với những khách hàng sử dụng sóng di động 3G thì nó không thuộc phạm vi quản lý của một địa phương mà trên phạm vi quốc gia. Còn nếu xét về mặt pháp lý, những ứng dụng công nghệ sẽ không bị ngăn cản trừ khi có lý do chính đáng cho rằng ứng dụng đó, dịch vụ đó xâm hại đến an toàn an ninh quốc gia.
TS Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định việc làm của Ban An toàn giao thông Đà Nẵng là “hoàn toàn không đúng luật”, đặc biệt là những quy định liên quan đến internet. Việc ngăn cản truy cập chỉ diễn ra khi đối tượng truy cập hoặc khai thác trang mạng trái với thuần phong mỹ tục, tuyên truyền đưa ra những quan điểm trái luật, cổ súy hành vi bạo lực…
Thủ tướng giao Bộ triển khai thí điểm, địa phương có quyền từ chối ?!
Liên quan việc thí điểm GrabCar tại Đà Nẵng, Bộ GTVT vừa có văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký, đưa ra nhận định: Mặc dù được người sử dụng đánh giá tốt về tiện nghi, đáp ứng xu thế phát triển, tuy nhiên UBND TP.Đà Nẵng có văn bản đề xuất chưa thí điểm trên địa bàn ở thời điểm hiện nay do điều kiện giao thông. “Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi chỉ thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (GrabCar) tại Đà Nẵng khi có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT Đà Nẵng”, văn bản nêu.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ chỉ xây dựng chủ trương lộ trình thí điểm ứng dụng phần mềm điện tử gọi xe tại 5 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc có áp dụng thí điểm hay không do các TP quyết định, không bắt buộc các TP phải sử dụng ứng dụng GrabCar.
Mai Hà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.