Đà Nẵng: Khu dân cư bị 'hành'

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
14/09/2020 08:35 GMT+7

Từ năm 2010, TP.Đà Nẵng đã quy định 19 ngành nghề không được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới trong khu dân cư. Tuy nhiên, thực tế ở vài nơi, một số cơ sở vẫn lách luật...

Một cơ sở rang xay cà phê trái phép ở xã Hòa Châu (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) bị đình chỉ hoạt động do bị người dân phản ứng, từ đó đặt ra yêu cầu kiểm soát địa bàn và cả khâu cấp phép.
UBND xã Hòa Châu vừa lập biên bản đình chỉ hoạt động của cơ sở rang xay cà phê tại lô đất số 13, đường Bàu Cầu 5, tổ 3 xã Hòa Châu. Trước đó, người dân địa phương phản ánh cơ sở rang xay cà phê này gây ô nhiễm khu dân cư từ khoảng một tháng qua.
Không chỉ những nhà dân bên cạnh hay đối diện cơ sở bị khói mù mịt, cả những hộ dọc tuyến đường cũng không chịu nổi mùi hôi. “Khói nhiều lắm, kèm mùi hôi khó chịu, con cái nhỏ ở trong nhà cũng không chịu nổi”, bà Trần Thị Đông (một người dân địa phương) nói. Gần đó, ông Võ Cử (chủ dãy trọ) cũng bị người thuê trọ than phiền vì phòng trọ bị khói xông ngột ngạt, người lao động không thể nghỉ ngơi nên suốt ngày kêu ca.
Bên trong cơ sở rang xay cà phê ở đường Bàu Cầu 5, xã Hòa Châu vừa bị dừng hoạt động ẢNH: NGUYỄN TÚ

Bên trong cơ sở rang xay cà phê ở đường Bàu Cầu 5, xã Hòa Châu (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vừa bị dừng hoạt động

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Theo người dân, chủ cơ sở là người địa phương khác đến, dựng tạm nhà cấp 4 bằng tôn lô tại lô đất này để hoạt động, không đảm bảo các quy định sản xuất.
Từ phản ánh của người dân qua Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, đã yêu cầu lực lượng xã kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động do cơ sở vi phạm hoạt động không có giấy phép. “Qua kiểm tra thực tế, cơ sở mua cà phê về chế biến rang xay, đúng là mùi khó chịu. Sau khi đình chỉ, xã cũng đề nghị người dân giám sát, nếu phát hiện cơ sở tái hoạt động lén lút thì thông báo, phối hợp với xã để tiếp tục có biện pháp cứng rắn”, ông Bình chia sẻ.

Cần dứt khoát ngay từ đầu

Từ năm 2010, TP.Đà Nẵng đã quy định 19 ngành nghề không được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh mới trong khu dân cư (như sản xuất hóa chất, tái chế, nhựa, dầu nhớt, nhuộm, in, cao su, thuộc da, cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chăn nuôi, giết mổ, thủy hải sản…), trong đó có ngành nghề chế biến nông sản như xưởng rang xay cà phê tại xã Hòa Châu. Tuy nhiên, thực tế ở vài nơi, một số cơ sở vẫn lách luật, lợi dụng bất cập trong quản lý nhà nước để hoạt động. Báo Thanh Niên cũng thường xuyên nhận được các đơn thư kiến nghị phản ánh tình trạng các cơ sở sản xuất “tra tấn” người dân trong khu dân cư.
Có nhiều nguyên do khiến tình trạng này chưa xử lý triệt để, trong đó có lý do cơ sở sản xuất hoạt động lén lút, trong khi cán bộ địa phương không thể canh 24/24, còn công tác kiểm tra chưa quyết liệt, rồi đâu lại vào đó. Một lãnh đạo địa phương chia sẻ: “Có khi cấp quận huyện cấp phép máy móc, khiến xã phường vất vả giải quyết. Cơ quan nhà nước giẫm chân nhau, muốn rút giấy phép thì phải cho cơ sở thời gian khắc phục. Hậu quả lớn nhất là mất thời gian công sức, người dân không tin cán bộ, chính quyền”.
Thực tế này đang đặt ra yêu cầu mới cho công tác quản lý địa bàn. Cụ thể, trước khi cấp phép hoạt động cho nhóm ngành nghề nêu trên, UBND các quận, huyện tại Đà Nẵng cần tham khảo ý kiến UBND xã phường, địa phương quản lý; nếu xác định có nguy cơ gây ô nhiễm thì dứt khoát không cấp phép ngay từ đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.