Đã lỗi thời, sao vẫn phải chờ?

07/09/2023 04:10 GMT+7

Đó là câu hỏi và cũng là bức xúc của rất nhiều người khi việc sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân phải đợi tới tận năm 2026. Nghĩa là người đóng thuế sẽ tiếp tục gánh mức thuế đã lỗi thời thêm hơn 3 năm nữa, trong bối cảnh kinh tế vẫn hết sức khó khăn.

Cái sự lỗi thời của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được phân tích rất nhiều, thiết nghĩ cũng không cần nhắc lại. Chỉ có điều không ai hiểu nổi vì sao sự bất hợp lý được các bộ, ngành, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế... thừa nhận, kiến nghị sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn duy trì hết năm này qua năm khác.

 Ở thời điểm hiện tại, khi sức mua xuống thấp, chúng ta đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp kích cầu thì "khoan sức dân" bằng chính sách thuế vẫn không được sử dụng. Nên nhớ ở đây cũng chỉ là đưa thuế TNCN về ngưỡng hợp lý, chưa phải là giảm, giãn hay miễn thuế gì cả. Nhìn lại thì gần 4 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, nếu doanh nghiệp được quan tâm giãn, giảm thuế, phí; lãi suất, nợ... khá nhiều thì cá nhân đóng thuế gần như bị bỏ quên dù áp lực giá cả, mất việc, giảm lương, chi phí tăng... đè lên họ ngày càng nặng nề. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục phải gánh ngưỡng thuế quá lạc hậu thêm hơn 3 năm nữa khiến nhiều người bức xúc, mệt mỏi.

Vậy chúng ta thử hình dung, 3 năm nữa, khi ngưỡng thuế lạc hậu này tiếp tục đứng yên thì những gì có thể xảy ra, có thể tác động đến thu nhập của người làm công ăn lương nói riêng và người đóng thuế nói chung?

Đầu tiên là mặt bằng giá cả. Hôm 5.9, giá xăng dầu trong nước đã có lần tăng thứ 6 liên tiếp, xu hướng tăng vẫn đang thống trị thị trường năng lượng khi nguồn cung bị siết chặt. Giá điện đã và sẽ còn tăng. Giá lương thực quay cuồng trong nỗi lo hạn hán hoành hành trên toàn cầu. Rồi học phí, viện phí và nhiều loại chi phí cuộc sống khác đều đắt đỏ theo thời gian. Ở chiều ngược lại, thu nhập của nhiều người ngày càng teo tóp do kinh tế vẫn khó khăn. Tình trạng sa thải lao động vẫn tiếp diễn khi đơn hàng chưa hồi phục. Việc người này gồng gánh người kia ngày càng trở nên phổ biến. Nên ngay cả với những người may mắn không bị giảm, thì thu nhập tính theo đầu người trong gia đình cũng có thể giảm mạnh. Điều này dẫn đến nghịch cảnh, lương không đủ sống nhưng vẫn phải đóng thuế. Còn đặt trường hợp thu nhập tăng lên mà ngưỡng thuế không điều chỉnh theo kịp thì người đóng thuế càng thiệt thòi vì khoản phải đóng nhiều hơn. Minh chứng là đợt tăng lương đầu tháng 7 vừa rồi, không ít người rơi vào tình trạng nhảy bậc, thuế tăng "lẹm" lương chứ không phải hưởng trọn phần tăng thêm như tính toán.

Dẫn ra vài "kịch bản" để thấy, sự cần thiết và cấp bách phải sửa đổi sớm luật Thuế TNCN, trước hết là đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, sau đó là thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với người dân trong giai đoạn khó khăn lịch sử của nền kinh tế. Về nguyên lý thì giảm thuế, người làm công ăn lương có thêm chút thu nhập sẽ khiến họ đỡ phải chắt bóp chi tiêu, từ đó tăng sức mua, kích thích sản xuất, doanh nghiệp hoạt động hết công suất cũng đóng góp nhiều hơn vào phục hồi kinh tế và ngân sách thu cũng thu về nhiều hơn.

Thực ra là bỏ con tép, bắt con tôm chứ cũng không mất đi đâu. Chứ đã lỗi thời còn phải chờ tới hơn 3 năm sau mới điều chỉnh thì thuế TNCN đi ngược với tinh thần "khoan sức dân" của chính sách thuế nói chung.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.