Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ: 'Đà Lạt đã thấy một cảnh tượng đáng ghi'

06/03/2021 06:51 GMT+7

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - một phái viên đoàn Việt Nam, đến Đà Lạt bằng đường bộ, đã bị Pháp bắt giữ trước khách sạn Hôtel du Parc ngày 24.4.1946. Sự việc gây chấn động bên lề Hội nghị trù bị Đà Lạt.

Lý lẽ người Pháp đưa ra là ông Thạch không được Pháp chấp nhận có mặt trong phái đoàn Việt Nam (có lẽ ông là nhân vật quan trọng của phong trào kháng chiến đang diễn ra tại Sài Gòn, Nam bộ). Cùng với ông Thạch, hai ông Nguyễn Văn Sâm và Bùi Quang Tung bị trục xuất về Sài Gòn ngay khi hội nghị đang diễn ra (ông Tung bị buộc tội bí mật chở ông Thạch lên Đà Lạt bằng xe riêng và tìm cách gia nhập đoàn).
Ngay hôm sau, ông Nguyễn Tường Tam xuất hiện trước báo giới và lên tiếng can thiệp cùng với Cao ủy Pháp. Ông Tam nói: “Trước thái-độ của Chánh-phủ Pháp, ông Chủ-tịch đoàn đại-biểu Việt Nam khi được tin bác sĩ Thạch bị bắt, liền gửi giấy cho ông Cao-ủy để phản-đối. Tờ kháng-nghị nầy đã thông-đạt đến ông Max André, Chủ-tịch đoàn đại-biểu Pháp để yêu-cầu ông can-thiệp”. Ông Tam cũng lên tiếng về việc Pháp trục xuất ông Tung chỉ vì ông này bí mật chở ông Thạch lên Đà Lạt. Bài phát biểu trước báo giới với ngôn từ sâu cay nhưng vẫn giữ sự nhã nhặn, kết thúc bằng câu: “Nói chung lại, vụ bác sĩ Thạch chẳng có ăn thua chi với số phận của cuộc hội-nghị”.
Từ ngày 19.4, những buổi nghị sự của các tiểu ban: Chính trị, Văn hóa, Kinh tế và tài chính bắt đầu diễn ra ở một hội trường của Trường Lycée Yersin. Những vấn đề được hai bên đưa ra trên bàn nghị sự lớn hơn tầm vóc của một hội nghị có tính chuẩn bị. Và vì thế, không đạt được những thỏa thuận lớn dù cuộc tranh luận trong các phiên họp giữa hai bên khá căng thẳng (nói theo ngôn từ của ông Hoàng Xuân Hãn là “găng”). Theo ghi chép của luật sư Vũ Văn Hiền từ đoàn Việt Nam, lập trường của hai bên hãy còn rất xa nhau.

Đoàn kết vì độc lập cho Việt Nam

Vào ngày cuối của hội nghị (11.5), khi vấn đề thống nhất ba kỳ theo quan điểm phái đoàn Việt Nam được đưa ra bàn đã gây tranh cãi dữ dội về các vấn đề liên quan đến tính độc lập của Việt Nam trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương mà Pháp muốn kiến tạo, áp đặt.
Cuối buổi họp này, ông Nguyễn Tường Tam có nói: “Tuy Hội nghị Đà Lạt đã không đem đến một sự thỏa thuận nào giữa Việt Nam và Pháp nhưng đã có một kết quả tốt là đoàn kết tất cả anh em chúng mình, như đã hứa với Chính phủ trước khi lên Đà Lạt. Sáng nay, Đà Lạt đã thấy một cảnh tượng đáng ghi: từ anh Cộng sản đến kẻ Quốc gia cùng rơi lụy trước sự mất một mảnh đất nước nhà. Lịch sử đi đến chỗ đoàn kết có ba thời kỳ: Bắt đầu đánh nhau, đó là thời kỳ đau đớn; sau đến thời kỳ đoàn kết gượng để thành lập một Chính phủ đoàn kết; cuối cùng là thời kỳ đoàn kết tự do, không ai bắt buộc. Chúng ta phải đoàn kết. Các người phụ trách có thể làm cho đoàn kết mà không làm thì có tội. Chúng ta phải hẹn cùng nhau đoàn kết trong một giai đoạn ít ra cũng mười năm...”.
Ông Võ Nguyên Giáp đã nói trong cuộc họp phái đoàn giữa đêm khuya giá lạnh ngày 1.5.1946: “Hội nghị Đà Lạt sẽ có kết quả hay. Lên đây chúng ta ở chung đụng cùng nhau, hiểu nhau hơn; cho nên sự đoàn kết lại càng chặt chẽ. Chắc khi về Hà Nội, sự hiểu ấy sẽ có ảnh hưởng lớn”. (Từ Đà Lạt đến Paris - Hội nghị Đà Lạt, Võ Nguyên Giáp, NXB Công an Nhân dân, 2005).
Phía Pháp, Jean Sainteny đã nhìn lại Hội nghị Đà Lạt, xem Võ Nguyên Giáp là một “nhân vật đáng gờm” có sức “chế ngự Hội nghị trù bị tại Đà Lạt ngay từ phiên khai mạc dưới sự chủ tọa của Đô đốc d’Argenlieu”.
Trong một văn bản mà Philippe Devillers dẫn lại báo cáo từ Hội nghị Đà Lạt, d’Argenlieu nhận định: “Tất cả đều cho thấy rõ rằng: cái văn bản tư tưởng chính trị của Chính phủ Hà Nội là ý niệm độc lập hoàn toàn và tuyệt đối. Tất cả mọi đề nghị trong cuộc họp đều khẳng định ý chí loại bỏ nước Pháp...”.

Đà Lạt ngoài cửa sổ

Điều thú vị là bên ngoài chương trình nghị sự, các phái viên đoàn Việt Nam đa số bị cảnh sắc Đà Lạt mê hoặc. Hoàng Xuân Hãn xuất thần vẽ một bức tranh phong cảnh Đà Lạt đề ngày 10.5. Thoát khỏi những căng thẳng của các phiên đối chất nghị sự, Đà Lạt đã biến ông trở thành một họa sĩ với bức ký họa có lẽ là duy nhất được biết đến trong sự nghiệp của một nhà giáo, học giả. Dưới bức tranh còn đề thơ: “Núi Đà Lạt xa quanh mình uốn éo/Lưng lưng đồi ai khéo vẽ rừng thông/Mặt hồ xanh mây bạc bóng gương lồng/Trên cỏ lục, lối hồng đang uốn khúc”.
Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam thì đưa bối cảnh hội nghị vào trong một bài thơ tặng... Trưởng phái bộ Pháp Max André. Hai câu cuối bài thơ báo trước hai con đường của quốc gia sẽ không gặp nhau đâu cả: “Anh đường anh, tôi đường tôi/Biết bao giờ lại nối lời nước non”.
Hội nghị Đà Lạt - một cuộc kỳ ngộ mà từ “đoàn kết” được nói rất nhiều, để rồi sau đó, thời tiết chính trị lại chuyển sang những cuộc chuyển biến khác; những người đã từng đứng về một chiến tuyến trên bàn ngoại giao Đà Lạt sẽ không còn ngồi trên một con thuyền.
(Trích Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ, NXB Trẻ, 2021)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.