Đà Lạt những cuộc gặp gỡ: Chàng rể của Đà Lạt

07/03/2021 06:45 GMT+7

Năm 1947, có chàng trai người Huế đến Đà Lạt tìm chỗ trọ học dự bị để thi vào Trường Kiến trúc. Người đầu tiên anh gặp ở thành phố này là một nữ sinh cấp hai.

 Anh làm quen: “Cô gì ơi, cho tôi hỏi chỗ trọ này...”.
 Cô gái Đà Lạt nhiệt tình chỉ đường. “Nhưng cô ơi, bữa ni gạo mấy tiền một ký?”, anh gặng hỏi thêm. Cô nữ sinh đưa hai ngón tay lên, thật thà: “Hai đồng”.

Cuộc gặp định mệnh

Chàng trai đó sinh năm 1926; quê làng Lang Xá, Thủy Thanh, Thừa Thiên-Huế; trong một gia đình gia giáo; cha làm giáo viên Trường Bá Công. Anh từng theo học thợ tiện ở ngôi trường của cha, định rằng thời cuộc rối ren, nếu không thuận đường công danh thì trở về quê nhà làm thợ cơ khí kiếm sống, phụng dưỡng cha mẹ già.
Rồi anh tham gia kháng chiến, ôm súng ra trận. Trong trận chiến đầu tiên không cân sức, cả tiểu đội anh bị thương và hy sinh gần hết. Anh thoát chết trong gang tấc. Và lần bại trận đầu tiên đã đủ để anh nhận ra mình không phải là con người của trận mạc. Trước vong linh các đồng đội, anh khấn rằng: “Nếu không theo chí lớn làm anh hùng trên chiến trận, thì cũng sẽ cố gắng học hành để đem sức mọn phụng sự quê hương”.
Tấm ảnh Ngô Viết Thụ mang theo khi đi du học vào năm 1950

Tấm ảnh Ngô Viết Thụ mang theo khi đi du học vào năm 1950

Anh khăn gói đến cao nguyên Đà Lạt theo đuổi con đường học hành để lập thân, với khát vọng tìm một con đường khác để kiến thiết đất nước.
Anh chàng tuổi đôi mươi sẽ trở thành tân sinh viên Trường Kiến trúc đó, không ai khác, chính là Ngô Viết Thụ.
Cô nữ sinh Đà Lạt trong cuộc gặp gỡ trên, là tiểu thư Võ Thị Cơ, con gái thứ nhì (trong gia đình 6 người con) của ông chủ hiệu buôn Vĩnh Hưng ở khu trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt - ông Võ Quang Tiềm.
Một thời, dân Đà Lạt quen lui tới cửa hiệu Vĩnh Hưng Marché Dalat của vợ chồng ông Tiềm để mua từ thuốc lá Cẩm Lệ, chai “Mỹ tửu Việt Nam khai vị” có tên Long Uyển tửu cuộc cho đến rượu nếp Nam Kỳ, dầu lửa Mầy May, đặc biệt, nổi tiếng nhất là vải vóc, tơ lụa...
Một hôm, ông Võ Quang Tiềm mời một sinh viên nghèo về nhà mình làm gia sư cho các con. Một chàng trai thư sinh nho nhã gốc Huế. Ông tâm niệm rằng, đây cũng là cách đỡ đầu cho một nhân tài. Chàng trai ấy, không ai khác, lại là Ngô Viết Thụ, người đã tình cờ gặp cô con gái của ông trên đường phố, hỏi han nhà trọ và giá gạo hôm nào.
Từ gia sư dạy kèm cho các anh em trong nhà, chàng tân sinh viên đã có tình cảm sâu đậm với cô tiểu thư Võ Thị Cơ.
Sau hai năm gần gũi như người nhà với gia đình ông Võ Quang Tiềm, anh chàng gia sư một hôm đã xin ngỏ lời cưới con gái ông. Việc môn đăng hộ đối là một vấn đề lớn thời bấy giờ, nhưng vợ chồng ông chủ hiệu buôn Vĩnh Hưng đã gạt sang bên một cách dễ dàng, bởi ông bà vốn trọng hiểu biết hơn tiền tài.
Họ thuận cho đôi trẻ cưới sớm, trước khi chàng rể đậu vào Trường Kiến trúc chính thức và quyết định sang Paris du học.
Bà Võ Thị Cơ nghỉ học ở nhà buôn bán để lo chi phí học hành cho chồng tại thủ đô Paris đắt đỏ. Bà Cơ lại nói với chồng: “Anh chỉ cần lo học hành, nghiên cứu, đừng lo lắng gì về tiền bạc. Bên này em lo lắng được”.

Thành phố của ân tình

Trong thời gian du học, ngoài nghiên cứu kiến trúc, khi rảnh rang, ông làm thơ gửi cho người vợ hiền, bộc bạch tâm tình. Trong năm năm ông theo học kiến trúc ở Cao đẳng Kiến trúc Paris, vợ chồng ông đã gửi cho nhau vài trăm bài thơ xướng - họa.
Thành quả đầu tiên đến với sự nghiệp kiến trúc của Ngô Viết Thụ: Ngay khi còn là sinh viên năm thứ ba, ông đã đoạt giải thưởng thiết kế Achille-Leclerc và tiếp theo là giải thưởng thiết kế Paul Bigot, đều của Viện Hàn lâm mỹ thuật Pháp.
Đó là lợi thế để ông được đặc cách tham dự giải Grand Prix de Rome (mà sau này báo chí thường gọi là giải Khôi Nguyên La Mã, vì cũng bao gồm ba vòng thi khó khăn, để chọn người đỗ đầu khôi nguyên của ba kỳ thi tam trường ở nước ta) của Viện Hàn lâm mỹ thuật Pháp tại Rome (Académie de France à Rome). Ngô Viết Thụ được đặc cách, không cần phải thi vòng sơ tuyển, và vượt qua dễ dàng vòng thi thứ hai, để trở thành một trong số mười người bước vào vòng thi chung kết.
Khi hay mình thắng giải Khôi Nguyên La Mã, ông lập tức chạy ra bưu điện đánh điện tín về Việt Nam. Một bức điện cho gia đình ở Huế, và một cho vợ ở Đà Lạt.
Tin vui như bùng vỡ trên con đường khu Đại học Latin ở Paris.
Tiếp đó, cũng là những ngày hội lớn của người dân Đà Lạt. Người Đà Lạt thạo tin, lan truyền rằng chàng rể ông Võ Quang Tiềm thắng giải thưởng kiến trúc danh giá nhất tại Pháp, họ rủ nhau kéo đến cửa hiệu Vĩnh Hưng để chúc mừng, chung vui.
Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, Ngô Viết Thụ trở về miền Nam. Ông nhanh chóng khẳng định vị thế sự nghiệp; trở thành kiến trúc sư quan trọng, triển vọng nhất của đô thành Sài Gòn. Ông triển khai nhiều công trình trọng điểm tại miền Nam, trong đó có các công trình đền ơn Đà Lạt - quê hương hiền thê, thành phố nhiều ân tình với mình. Có thể kể đến: Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt, Điều chỉnh giải pháp kiến trúc Chợ Mới Đà Lạt, Phố thương mại một tầng lầu khu Chợ Mới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.