Đa kênh đa sản phẩm: Ngân hàng nỗ lực thoát 'xanh vỏ đỏ lòng'

21/07/2016 15:33 GMT+7

Cạnh tranh trên thị trường tài chính ở VN đang ngày càng nóng, đặc biệt khi có thêm làn sóng gia nhập của các nhà băng ngoại lẫn tổ chức phi tín dụng. Đa kênh, đa sản phẩm trở thành xu hướng được nhiều ngân hàng lựa chọn.

Nhưng không phải ngân hàng nào đa kênh, cũng có thể đa sản phẩm và đảm bảo dịch vụ chất lượng.
Chạy đua phát triển đa kênh vì nhu cầu thị trường
Năm 2016, hệ thống ngân hàng đã có sự bùng nổ trong phát triển đa kênh giao dịch hiện đại. Hàng loạt ngân hàng ra mắt Mobile Banking với phiên bản nâng cao, ứng dụng thêm nhiều tính năng mới bên cạnh những tính năng cơ bản và mang đặc thù của từng ngân hàng. Nhu cầu của thị trường khiến người tiêu dùng bỏ thói quen tập trung giao dịch duy nhất tại kênh truyền thống là tại quầy giao dịch và thúc đẩy các ngân hàng phải mạnh tay đầu tư để phát triển đa dạng kênh giao dịch của mình.
Thống kê của E&Y về xu hướng chọn kênh giao dịch ở Việt Nam năm 2014 số lượng người dùng ở các kênh hiện đại tăng trưởng rất nhanh, có kênh đạt trên 30%. “Thuận tiện và tiết kiệm được thời gian”, “giao dịch được mọi lúc mọi nơi mà không phải đến tận ngân hàng”, chính là những ưu điểm khiến người dùng Việt Nam yêu thích các kênh giao dịch hiện đại như Internet Banking, Mobile Banking hay đơn giản là ATM…
Ông Ram Devanarayanan, Giám đốc cấp cao Infosys, Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Ấn trong một cuộc hội thảo về công nghệ ngân hàng tại Việt Nam nhận xét rằng đó chính là nhu cầu đổi mới ngân hàng Việt và toàn cầu ở kỷ nguyên kỹ thuật số. Xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sự phát triển mạnh mẽ của các kênh giao dịch ngân hàng hiện đại đang dần chi phối ngược lại thói quen và hành vi giao dịch tài chính của người dân nói chung. Tuy nhiên các kênh hiện đai có thể thay thế được bao nhiêu % cho kênh truyền thống là giao dịch tại quầy còn phụ thuộc và khả năng của mỗi nhà băng.
“Vỏ” và “ruột” có phù hợp các chuẩn mực?
Phát triển các kênh tại các nhà băng đã đáp ứng được các dịch vụ sản phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản của khách hàng thì việc nâng cao các dịch vụ sản phẩm tốt hơn, thuận tiện cho người dùng hay còn gọi nôm na là “cái ruột” của ứng dụng công nghệ vẫn tùy thuộc vào thực lực của mỗi ngân hàng. Vì vậy mà các ngân hàng gần như có “vỏ” giống nhau theo hướng chạy đua ATM, Internet banking, Mobile banking, Mạng xã hội… nhưng mỗi ngân hàng lại có chuỗi sản phẩm được phát triển khác nhau trên các kênh hiện đại ấy.
Lựa chọn những ngân hàng tốt cả “ruột” lẫn “vỏ” đôi khi lại trở thành bài toán với người dùng thông minh. Để chọn cho mình một ngân hàng phù hợp, họ cần nghiên cứu kỹ những tiện ích có thể sử dụng trên mỗi kênh của các ngân hàng, từ đó có những đánh giá chính xác mức độ tiện lợi của nhà băng đáp ứng nhu cầu của mình hay không. Tính tiện lợi càng cao thì người sử dụng càng tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
Tiêu chí đa kênh, đa sản phẩm cũng là một trong những tiêu chí quan trọng luôn được các tổ chức đánh giá quốc tế đưa vào xem xét về sự phát triển của một ngân hàng nào đó. Chẳng hạn tiêu chí lựa chọn của Euro Money cho giải thưởng ngân hàng tốt nhất bao gồm: sự phát triển bền vững, kết quả hoạt động kinh doanh, sản phẩm đa dạng, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại…
Hay loạt giải thưởng vừa được Tạp chí International Finance (IFM) công bố dành cho các ngân hàng Việt Nam, trong đó Maritime Bank là một trong những ngân hàng đã dành được giải thưởng danh giá: “Ngân hàng thương mại tốt nhất Việt Nam 2016”. Các tiêu chí được IMF đưa ra để xét chọn và đánh giá bao gồm: sự tăng trưởng qua các năm; sản phẩm và kênh phân phối đa dạng; những đóng góp cho thị trường và đánh giá từ các đối tác, khách hàng. Theo nhận xét của IMF, Maritime Bank đã chứng tỏ việc cung cấp dịch vụ khách hàng ở chất lượng vượt trội bên cạnh các sản phẩm đa dạng phù hợp với nhiều nhu cầu tài chính của người dân cùng việc đầu tư mạnh vào công nghệ để mang đến cho khách hàng sự thuận tiện và những trải nghiệm tuyệt vời khi giao dịch với NH”.
Đa dạng sản phẩm tại các nhà băng, như vậy, không chỉ ở khâu phát triển càng nhiều sản phẩm càng tốt mà còn đòi hỏi ở nỗ lực đầu tư, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ để mang đến sự thuận tiện nhất cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng. “Càng đa kênh, cơ hội đột phá sản phẩm, dịch vụ từ công nghệ của ngân hàng càng lớn. Con đường trở thành trở thành “ngân hàng số hóa” của các nhà băng cùng cuộc chạy đua phát triển đa kênh, đa sản phẩm vẫn còn rất dài và không dễ dàng bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào sự cam kết phát triển và quan trọng là tiềm lực tài chính của ngân hàng”, chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Hoàn cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.