Đã đến lúc 'khoan sức dân'

01/03/2020 06:56 GMT+7

Từ người dân, doanh nghiệp đã và đang “thấm đòn” do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sáng ở quán cà phê cóc ngay chung cư H1 (Q.4, TP.HCM), người đàn ông nhìn có vẻ lam lũ vứt đống đồ nghề xuống đất, kêu ly cà phê đá, buông thõng với người bên cạnh: “Nghỉ từ tuần trước rồi. Ông sếp kêu hết tháng này giảm biên chế, tôi bảo thôi tính công đến hôm nay tôi nghỉ luôn. Lúc nhiều việc thì gọi ào ào, giờ lại bảo giảm biên chế. Bực mình”.
“Bên tôi cũng nghỉ tạm thời nhận 50% lương từ đầu tháng 3”, người bên cạnh trả lời, giọng lo lắng... Đoạn hội thoại của 2 người đàn ông này cũng là tình cảnh chung của rất nhiều người lao động ở hầu hết các ngành nghề từ đầu năm đến nay. Giám đốc đối ngoại một doanh nghiệp phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam cho biết, hiện mọi cuộc họp của doanh nghiệp này chỉ xoay quanh nội dung cắt giảm nhân sự và chi phí.
Là ngành chịu tác động mạnh nhất từ dịch Covid-19, việc du khách sụt giảm trầm trọng kéo theo doanh thu của các hãng lữ hành, hàng không, khách sạn, resort, nhà hàng... lao dốc.
Vì thế, giảm nhân sự để giảm bớt chi phí lương bổng là giải pháp dù không muốn nhưng nhiều đơn vị buộc phải thực hiện. Khó khăn thì việc đầu tiên là thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi tiêu..., các bà nội trợ bắt đầu phải tính lại mâm cơm hằng ngày.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến sức mua, tác động lên tổng cầu, kéo dài có thể gây đình trệ cho sản xuất. Sản xuất đình đốn thì lại dẫn đến cắt giảm lao động, lại thắt lưng buộc bụng... Nền kinh tế rơi vào vòng tròn luẩn quẩn, không thoát ra được.
Vì thế việc Bộ Tài chính lấy ý kiến để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng với người chịu thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân.
Cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được xem xét giãn, giảm thuế, vay lãi suất ưu đãi... thì việc tăng thu nhập cho người dân thông qua điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân ở thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên việc này chỉ thực sự có phát huy tác dụng khi nó được thực hiện nhanh và các ngưỡng thuế hợp lý.
Thứ nhất, ngưỡng chịu thuế của người nộp lẫn người phụ thuộc đã quá lạc hậu, lẽ ra phải được điều chỉnh từ 2 năm trước chứ không phải đợi đến bây giờ vẫn lấy ý kiến. Thứ hai, ngưỡng thuế phải hợp lý. Tính từ lần điều chỉnh gần nhất tới nay đã 7 năm, vật giá trong 7 năm qua đã tăng rất mạnh nhưng chỉ nâng mức giảm trừ lên 2 triệu đồng với người chịu thuế và 800.000 đồng với mỗi người phụ thuộc là quá thấp, nếu không muốn nói là “điều chỉnh cho có”.
Và nếu mức này được thông qua thì luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ rơi vào tình trạng lỗi thời ngay từ khi chưa ban hành.
Nước xa không cứu được lửa gần, từ người dân, doanh nghiệp đã và đang “thấm đòn” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy những nhà làm luật, những cơ quan có thẩm quyền, chúng ta nói nhiều rồi, đừng bàn nữa, hãy làm thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.