Choáng với giá bánh mì, tô bún bán mang về : Nhịn miệng chờ Nhà nước 'kéo giá' xuống

Nguyên Nga
Nguyên Nga
18/09/2021 06:54 GMT+7

Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến gói xôi, tô bún đều tăng giá bán. Trong khi đó, quy định chỉ cho mua mang về thì phí giao hàng quá cao.

Thế nên cho dù hàng quán mở, nhưng cơ hội để người dân mua được thức ăn mang về rất thấp.

Người lao động “nhịn miệng”

Ông P.Toàn, hành nghề xe ôm tại Q.5 (TP.HCM), cho hay hơn nửa tháng qua, ông nhờ chạy đưa hàng cho “chợ dã chiến” tại Trung tâm văn hóa Q.5 đến nhà người dân trong quận nên đã có thu nhập. “Trung bình cứ một lần giao hàng, tôi được trả phí 15.000 đồng theo quy định của quận đưa ra. Gói hàng to nhỏ, đoạn đường dài ngắn cũng mức đó”, ông Toàn cho biết. Trung bình mỗi ngày, ông Toàn giao được hơn chục chuyến, thu nhập khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Ông nói thêm: “Nếu ngày thường, với lượng cuốc xe chạy nhiều như vậy, tui cũng kiếm được 300.000 - 350.000 đồng/ngày. Nói chung ai cũng bảo phí giao rẻ, nhưng trong khó khăn chung, phí thấp một chút mà có thu nhập còn hơn không có đồng nào. Nên mọi người vui vẻ thôi”.

Nếu tuân theo cơ chế thị trường, cung nhiều hơn cầu thì giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng, điều này ai cũng biết. Nhưng đó là trong điều kiện thông thường; còn trong hoàn cảnh dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị điều tiết và ảnh hưởng bởi chính sách từ phía nhà nước rất lớn. Thế nên, việc một tổ chức, cá nhân nào đó lợi dụng thời cơ này để tối đa hóa lợi nhuận, phải xem đó là hành vi trục lợi không chính đáng.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

Bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Q.5, cho biết trong bối cảnh thành phố giãn cách, nhu cầu mua hàng hóa của người dân quá lớn trong khi các chợ truyền thống, siêu thị trong quận đều đóng cửa, quận đã triển khai khu vực tập kết hàng hóa “dã chiến” từ tháng 7 đến nay. Gọi là chợ chưa chính xác vì không có người bán, người mua, mà chỉ là điểm tập kết hàng hóa quận kết nối mua từ doanh nghiệp trong và ngoài địa phương, đưa hàng hóa thiết yếu về, quận huy động cán bộ, giáo viên tại địa phương tham gia đóng gói hàng để chuyển cho người dân. Giá bán lại thấp hơn nhiều so với giá bán ở chợ online hay trong siêu thị. Giá giao hàng ấn định 15.000 đồng cho một lần giao khiến người dân tại địa phương đỡ gánh nặng trong bối cảnh thu nhập giảm mạnh vì dịch.
Ông Toàn là một trong số rất ít xe ôm truyền thống có thu nhập trong mùa dịch này. Thế nhưng với mức thu nhập tạm thời gần 200.000 đồng/ngày trong hơn nửa tháng qua, ông khẳng định không thể nào “chơi sang” ăn tô hủ tíu 40.000 đồng mà giá khi chưa dịch chỉ 30.000 đồng. “Đó là chưa nói tô hủ tíu 40.000 đồng này nếu mua theo quy định mang về, phí giao hàng thực tế đội lên gấp đôi”, ông Toàn giải thích đơn giản.
Thực tế, sau thời gian các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng giá trong giãn cách, đến nay dù các quy định được nới hơn, hàng hóa được giao liên quận, hàng về TP nhiều hơn, nhưng giá bán vẫn không giảm.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét khi nguồn cung hàng hóa được khơi thông hơn nhiều, đi lại dễ dàng hơn, nhưng giá nguyên liệu đầu vào cho tô hủ tíu vẫn tăng đến mấy chục phần trăm thì vai trò của ngành công thương, quản lý thị trường rất quan trọng. Ngành công thương cần xem cung - cầu thế nào, đáp ứng tạm ổn chưa. Thứ hai, chủ trương cho shipper công nghệ hoạt động lại là đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm của người dân trong thời gian giãn cách. Tuy nhiên, mấy ngày qua trên phần mềm giao hàng, các hãng công nghệ đã đưa ra mức phí giao hàng quá cao so với thông thường, có lúc gấp hai, gấp ba khiến người dân bức xúc.

Nhà nước có thể can thiệp về giá

Cho rằng có hiện tượng tăng giá bán vì cơ hội, có hiện tượng trục lợi trong mua bán hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, Ủy viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, bổ sung trong giai đoạn dịch bệnh thế này được coi là tình trạng bất khả kháng. Muốn phục hồi kinh tế, phải có giải pháp kềm giá. “Giải pháp ở đây không phải “ông” quản lý bảo ông bán hàng giảm giá xuống, mà cơ quan quản lý giá địa phương có quyền yêu cầu người bán kê khai giá nếu thấy đột biến, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, thịt, cá bán đúng giá niêm yết. Nếu đơn vị kinh doanh giải thích giá đầu vào cao thì phải trưng chứng từ, nơi mua hàng... Với giá ship công nghệ được phản ánh quá cao, nhà nước vẫn có thể can thiệp thu phí cước, chẳng hạn bằng 5 - 10% tổng trị giá món hàng”, ông Vinh nói và nhấn mạnh, chúng ta đã thả lỏng giá cả mặt hàng thiết yếu trong đợt dịch này, không quan tâm quản lý giá cả. Nay TP.HCM muốn tiến đến mở cửa từ từ, khôi phục kinh tế, sống chung với dịch... thì phải quản lý giá trước hết. Các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cứ thả lỏng theo kinh tế thị trường điều chỉnh là đúng, nhưng nên nhớ luật Giá có quy định trường hợp bất khả kháng, mang tính chất đột biến, chính quyền có thể can thiệp.
Ngoài ra, để giúp người dân sớm tiếp cận với hàng hóa thiết yếu, theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, nhà nước cần sớm xem xét cho các cơ sở kinh doanh tự tổ chức người giao hàng, thậm chí phải cho phép những người dân đã tiêm 2 mũi vắc xin được đi lại, ít nhất là để mua nhu yếu phẩm. “Về giá cả của các loại hàng hóa, dịch vụ có tính “độc quyền”, khan hiếm, nhà nước cần xem xét đưa vào diện bình ổn giá, ấn định mức giá tối đa nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi”, ông Hưng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.