'Đã cái nư' vì xử phạt nặng vi phạm tiếng ồn

07/09/2022 06:27 GMT+7

Nhiều bạn đọc thấy 'đã cái nư' với lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng khi đã xử phạt một cơ sở kinh doanh 140 triệu đồng vì vi phạm quy định về tiếng ồn. Lý do, tiếng ồn đã và đang gây bức xúc cho người dân, thậm chí từng có nhiều vụ mâu thuẫn, xô xát dẫn đến thương tích cũng từ đây.

Thanh Niên thông tin, hôm 5.9, UBND TP.Đà Nẵng cho biết đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sao Tháng Tám vì vi phạm các quy định về tiếng ồn (mở nhạc gây ồn) vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

“Ô nhiễm tiếng ồn” có thể xảy ra ở bất cứ thời gian, không gian nào, gây phiền toái cho người dân

NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, công ty này đã vi phạm các quy định về tiếng ồn, vượt 24,5 dBA so với giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực đặc biệt (nhà thờ) từ sau 21 giờ đến 6 giờ hôm sau theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Với vi phạm này, ngoài việc bị xử phạt hành chính với số tiền 140 triệu đồng, công ty còn bị đình chỉ việc mở nhạc gây ô nhiễm âm thanh tại cơ sở TST Garden (P.Thuận Phước, Q.Hải Châu) trong thời gian 4 tháng 15 ngày.

Tiếng ồn len lỏi mọi ngóc ngách

Nhiều phản hồi mà Thanh Niên nhận được có nội dung tiêu biểu như sau: “Cảm ơn cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng. Tiếng ồn đã và đang “tra tấn” người dân đến mức xảy ra án mạng ở nhiều nơi. 140 triệu đồng (tiền phạt) là phù hợp với “kinh tế thị trường”, đủ tính răn đe... Hoan hô TP.Đà Nẵng!”.

Mặc dù vậy, ở nơi được cho là “TP đáng sống” này, bạn đọc (BĐ) cũng đặt nhiều kỳ vọng cơ quan chức năng vào cuộc xử lý quyết liệt hơn nữa, như phản ánh của BĐ Paularriola: “Đà Nẵng hiện nay rất ồn, phải nói là ô nhiễm tiếng ồn đã len lỏi tận ngóc ngách khu dân cư. Tiếng ồn từ các loa kẹo kéo, nhạc DJ từ các quán nhậu trong khu dân cư… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân”.

“Tôi rất ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là tại những tỉnh, thành thu hút nhiều lượng khách du lịch như TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Nhưng đi kèm với phát triển kinh tế, cơ quan chức năng cần chú ý đến các yếu tố khác như: quy hoạch vùng hoạt động của các quán, dịch vụ được hoạt động khuya; giới hạn độ lớn của âm thanh phát ra từ các loa nhạc vào một giờ giấc cụ thể, đảm bảo không ảnh hưởng đến vùng dân cư… Những bức xúc của người dân ở thời điểm hiện tại tập trung ở các cửa hàng, cơ sở kinh doanh nằm lẫn khu dân cư thường xuyên phát ra âm thanh cực lớn vào bất kể giờ giấc, thời điểm nào trong ngày… Thử tượng tượng, đang lúc các thầy cô dạy học, mà quán gần trường mở nhạc đinh tai, nhức óc, thử hỏi làm sao học sinh có thể tiếp thu bài giảng. Các cơ sở tôn giáo trong giờ hành lễ, nhưng nhạc ở cửa hàng gần đó, vì muốn thu hút khách, bật chát chúa làm sao có thể đảm bảo sự tôn nghiêm? Trụ sở cơ quan chức năng trong giờ hành chính, người dân đến bấm số, chờ làm giấy tờ, thủ tục mà nhạc gần đó ầm ĩ làm sao cán bộ, công chức chú tâm làm việc?...”, BĐ Vũ Thanh Lê nêu ý kiến.

Cần làm đồng loạt cả nước

Câu chuyện xử phạt của Đà Nẵng đã “truyền cảm hứng” cho BĐ cả nước, với mong muốn việc xử phạt “ô nhiễm tiếng ồn” được triển khai, thực thi quyết liệt khắp các địa phương. “Tôi mong rằng, lực lượng chức năng ở các đô thị lớn cũng đồng loạt vào cuộc, kiểm tra, xử lý phạt đích đáng đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về tiếng ồn. Đa số các đô thị đều có những vấn đề cần giải quyết, nhưng không thể biện bạch xử lý “ô nhiễm tiếng ồn” là vấn đề nan giải được”, BĐ Võ Quang Trung bày tỏ.

Cùng mong muốn, BĐ Hải Minh cho rằng: “Nếu lực lượng chức năng ở các địa phương chưa đủ nhân sự để có thể xử phạt vi phạm tiếng ồn trên quy mô lớn, thì kiến nghị trước mắt cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh như: quán nhậu, nhà hàng…, nhất là những cơ sở kinh doanh hoạt động đến tận khuya; các cửa hàng bán cà phê, quần áo, thời trang, điện thoại di động, điện máy... Đối với những cơ sở kinh doanh này, “đánh” vào túi tiền (bằng mức xử phạt vi phạm cao) có thể sẽ khiến chủ cơ sở có ý thức hơn và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật hơn”.

“Đã đến lúc cơ quan chức năng tuyên chiến mạnh mẽ với nạn “ô nhiễm tiếng ồn” ở các cơ sở kinh doanh, khu vực đông dân cư…, nhất là ở những đô thị lớn vì đây không còn là vấn đề có thể “xí xóa”, bỏ qua được nữa. Nhiều vụ việc đã xảy ra hậu quả pháp lý như: xô xát, gây thương tích, thậm chí giết người chỉ bởi mâu thuẫn vì hát karaoke gây ồn ào, mở nhạc quá to…”, BĐ Vũ Tú Nam “đúc kết”.

* Có ở các chung cư cao tầng “bình dân” mới thấu hiểu nỗi khổ của cư dân. Tiếng vọng âm thanh ồn ào, chát chúa, tiếng hát karaoke sai tông, lạc nhịp… từ dưới đất lên nghe rõ mồn một. Thế nhưng, lực lượng chức năng ở nhiều nơi vẫn thờ ơ với việc xử lý…

Phan Nam

* Tại sao chỉ xử lý từ sau 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm? Tôi ít nghe nhắc đến vụ nào xử lý người vi phạm từ 6 - 21 giờ. Có lẽ vì vậy mà một số người xem đó như “câu thần chú” để cho rằng họ có “quyền” làm phiền đến cuộc sống của những người xung quanh. Theo tôi, việc xử phạt phải tiến hành thường xuyên, liên tục và bất kể khung giờ.

B.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.