Cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long nhận hết trách nhiệm

Trần Cường
Trần Cường
23/11/2022 11:50 GMT+7

Nói lời sau cùng, cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long nhận hết trách nhiệm, sai phạm trong vụ án và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình để về với mẹ già và có cơ hội chữa bệnh.

Sau 2 ngày xét xử, TAND TP.Hà Nội cho các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tếTổng công ty CP dược phẩm Cửu Long (viết tắt là Dược Cửu Long) gây thiệt hại 3,8 triệu USD tài sản nhà nước nói lời sau cùng trước khi bước vào nghị án.

Cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long nhận hết trách nhiệm

Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, bị cáo Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long, cho hay qua 2 ngày xét xử đã nhận thức được sâu sắc hơn những khuyết điểm, vi phạm của mình trong vụ án. Quá trình thực hiện hợp đồng với Bộ Y tế, bị cáo Hóa chưa nhận thức được hết, chỉ mong làm thật nhanh để phục vụ phòng chống dịch. Nay bị cáo Hóa xin nhận hết trách nhiệm sai phạm khi thực hiện hợp đồng này.

Bị cáo Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long

kiến trần

Theo bị cáo Hóa, sau khi bố mất, bị cáo đi bộ đội và cũng cầm súng chiến đấu, bị nhiều thương tích, nhiễm chất độc da cam và biến chứng nhiều, đang bị tiểu đường, huyết áp,…

Sức khỏe của bị cáo cũng không còn nhiều, bị cáo rất mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án để bị cáo có cơ hội chữa bệnh, sống thêm được thời gian, đoàn tụ với gia đình và chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi”, bị cáo Hóa nói và cho hay sai phạm cũng khiến 40 năm đảng viên và suốt cuộc đời phấn đấu của mình chấm hết.

Bị cáo Hóa cũng dành lời sau cùng để xin lỗi các bị cáo tại Bộ Y tế, ông Hóa cho rằng vì bất cẩn của bản thân và Dược Cửu Long mà nhóm này bị ảnh hưởng. Mong được các bị cáo nhận lời xin lỗi và tha thứ.

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang xin giảm nhẹ hình phạt

Hai cựu cán bộ của Dược Cửu Long là Nguyễn Văn Thanh Hải và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa cũng dành lời nói sau cùng để xin giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về chăm sóc gia đình và làm công dân tốt trong quãng đời còn lại.

Bị cáo Nghĩa cho biết rất hối hận vì không hiểu hết nội dung, thực hiện theo lệnh cấp trên và vô tình phạm tội. Bị cáo xin được nhận lỗi trước tòa và mong HĐXX chiếu cố giảm nhẹ hình phạt tối đa.

Các bị cáo trong vụ án

kiến trần

“Bị cáo còn mẹ già 93 tuổi đang nằm một chỗ đợi con về. Vợ và bản thân bị cáo cũng có bệnh, bị cáo bị tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao. Gần đây bị cáo bị tức ngực, đi khám thì bác sĩ bảo mệt phải vào viện ngay không dễ bị nhồi máu cơ tim. Hơn 7 tháng nay, bị cáo chưa được chăm sóc y tế, không được uống thuốc và rất mệt mỏi. Ý nguyện cuối cùng của bị cáo được trở về để chăm sóc y tế”, bị cáo Nghĩa nói và mong muốn được giảm nhẹ để sớm về thực hiện những dự định từ thiện của mình.

Bị cáo Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cũng thừa nhận sai phạm và cho biết rất tiếc và ân hận. Theo ông Liệu, sự việc xảy ra là bài học đau xót và thấm thía cho không chỉ bản thân ông mà cả những người làm công tác quản lý.

“Dù hoàn cảnh nào, dịch bệnh hay khẩn cấp đến đâu thì cũng cần thận trọng khi ký các văn bản, tài liệu nếu không sẽ xảy ra hậu quả rất đáng tiếc”, ông Liệu nói.

Nói thêm, ông Liệu mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho 2 thuộc cấp bị viện kiểm sát đề nghị án tù giam. Theo ông Liệu, 2 thuộc cấp thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên phạm tội như truy tố. Ngoài ra, bị cáo Liệu cũng mong HĐXX xem xét cho bản thân mình.

Cùng mong HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như các bị cáo khác, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang từ bệnh viện đã gửi đơn, mong HĐXX lượng hình cho mình.

Sau khi cho các bị cáo nói lời sau cùng, chủ tọa cho hay vụ án có tính chất phức tạp nên sẽ nghị án kéo dài. Dự kiến 9 giờ sáng mai, 24.11 tòa sẽ tuyên án đối với các bị cáo.

Theo bản luận tội của Viện KSND TP.Hà Nội, năm 2005, thời điểm dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đặt Dược Cửu Long và một số đơn vị khác sản xuất thuốc để phục vụ việc phòng chống dịch. Trong quá trình đàm phán, Dược Cửu Long được nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận giảm giá mua nguyên liệu với tổng số tiền 3,8 triệu USD. Sau đó bị cáo Lương Văn Hóa đã chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ, giấy tờ nhằm che giấu việc giảm giá để bỏ ngoài sổ sách khoản tiền này.

Thời điểm xảy ra vụ án, ông Cao Minh Quang đang là Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir nhưng khi phát hiện Dược phẩm Cửu Long giữ lại 3,8 triệu USD, bị cáo này đã không báo cáo Bộ Y tế và không chỉ đạo các đơn vị kiểm tra. Khi Bộ Tài chính đề nghị làm rõ các nội dung liên quan số tiền, ông Quang vẫn không chỉ đạo thực hiện yêu cầu kiểm tra để thu hồi tài sản cho nhà nước số tiền này.

Nêu quan điểm giải quyết vụ án, VKS đề nghị tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Cao Minh Quang 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo; Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) 24 - 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Việt Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) 30 - 36 tháng tù; Nguyễn Nam Liên, cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính từ 24 - 30 tháng tù và Phạm Thị Minh Nga, cựu chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) từ 18 - 24 tháng tù cho hưởng án treo. Nhóm bị cáo này cùng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2, điều 285 bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt từ 3 - 12 năm tù.

Với nhóm bị cáo tại Dược Cửu Long, VKS đề nghị tuyên Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc, từ 9 - 10 năm tù; Nguyễn Văn Thanh Hải và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa, đều là cựu cán bộ của Dược Cửu Long cùng bị đề nghị tuyên từ 6 - 7 năm tù. 3 bị cáo cùng bị truy tố tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, điều 356 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó tổng giám đốc, đã tử vong trước khi phiên tòa được mở nên VKS đề nghị đình chỉ xét xử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.