Cứu sống liên tiếp 2 cụ ông 101 tuổi bị hoại tử túi mật, hoại tử chân

Đình Tuyển
Đình Tuyển
17/03/2021 13:16 GMT+7

Liên tiếp 2 bệnh nhân cùng 101 tuổi vào viện trong tình trạng nguy kịch vừa được các bác sĩ Cần Thơ cứu sống nhờ các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn.

Ngày 16.3, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết cả hai cụ ông 101 nhập viện trong tình trạng nguy kịch vừa được các bác sĩ bệnh viện cứu sống đang hồi phục rất khả quan.
Trước đó, cụ ông N.V.Đ (101 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng huyết khối động mạch đùi chân phải gây tắc hoàn toàn lòng động mạch, loét ngón 1 chân trái, mạch khoeo bên phải không bắt được, đau nhức, tím đen bàn chân phải. Bệnh nhân còn bị nhiều bệnh nội khoa như tăng huyết áp nhiều năm, thiếu máu cơ tim - viêm đa khớp.

Cụ ông N. V. Đ (101 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng huyết khối động mạch đùi chân phải gây tắc hoàn toàn lòng động mạch, sau khi được can thiệp cứu sống đã có thể ngồi dậy

Ảnh: Đình Tuyển

Sau hội chẩn, ê kíp Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu đã tiến hành nong toàn bộ động mạch khoeo - đùi nông rồi đưa bóng nong động mạch đùi nông cho bệnh nhân.
Các bác sĩ cũng đã đặt 2 stent gần toàn bộ động mạch đùi nông, hút huyết khối động mạch khoeo và dùng tiêu sợi huyết. Sau đó tiếp tục dùng bóng nong toàn bộ từ động mạch khoeo lên đến động mạch đùi chung bên phả cho bệnh nhân.

Hình ảnh cho thấy huyết khối làm tắc hoàn toàn động mạch đùi chân phải cụ ông N.V.Đ, và sau đó được tái thông sau can thiệp

Ảnh: Đình Tuyển

Sau can thiệp bệnh nhân ổn định, tái thông được động mạch đùi nông khoeo, tưới máu xuống bàn chân tốt. Ca can thiệp thực hiện thành công sau 3 giờ 30 phút. Hiện tại, bệnh đã tỉnh, bàn chân phải giảm tê, đau giảm nhiều, tím giảm.
Trùng hợp là sau khi cứu sống cụ ông 101 tuổi ở Bạc Liêu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương tiếp tục tiếp nhận thêm cụ ông N.V.T ở Hậu Giang cũng 101 tuổi.
Bệnh nhân được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán: viêm phúc mạc mật do viêm túi mật hoại tử, lão suy. Lúc nhập viện bệnh nhân tỉnh, sốt lạnh run, nôn ói, đau hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt. Kết quả CT scan bụng có cản quang cho thấy, bệnh nhân bị giãn lớn đường mật trong và ngoài gan, đường kính ống mật chủ 16mm. Các xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, tình trạng tắc mật. Mặc dù được điều trị kháng sinh tích cực nhưng tình trạng nhiễm trùng vẫn không cải thiện.
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) cấp cứu với chẩn đoán: nhiễm trùng đường mật nặng do sỏi ống mật chủ - nhiễm trùng huyết. Ngay sau đó, ê kíp BS.CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, BS.CK2 Thái Đắc Vinh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, đã tiến hành can thiệp cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đã nội soi và tiến hành cắt cơ vòng đủ rộng. Lúc này, mật và sỏi bùn chảy ra rất nhiều. Các bác sĩ dùng bóng kéo ra viên sỏi to đường kính khoảng 1,3cm, bơm thuốc kiểm tra thấy hết sỏi. Ca can thiệp thành công sau 40 phút.

Theo các bác sĩ, với những bệnh nhân lớn tuổi việc triển khai được kỹ thuật hiện đại, can thiệp ít xâm lấn là rất quan trọng, giúp bệnh nhân tránh được các phẫu thuật nặng nề với nhiều nguy cơ

Ảnh: Đình Tuyển

Theo BS.CK2 Bồ Kim Phương, phương pháp lấy sỏi mật ngược dòng qua nội soi đường tiêu hóa trên - xâm lấn tối thiểu dần dần thay thế phương pháp phẫu thuật. Nhờ ít xâm lấn nên thời gian nằm viện ngắn, ít biến chứng, chi phí thấp… Trong những trường hợp bệnh nhân tắc mật, nhiễm trùng đường mật nếu không được can thiệp cứu sống kịp thời có thể dẫn tới tình trạng sốc nhiễm trùng nặng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
“Đặc biệt với những bệnh nhân lớn tuổi việc triển khai được kỹ thuật hiện đại, can thiệp ít xâm lấn là rất quan trọng. Bệnh nhân tránh được các phẫu thuật nặng nề tránh được các nguy cơ tai biến như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ... Nhờ đó mà khả năng hồi phục tốt hơn”, BS Phương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.