Cứu sống bệnh nhân 3 lần hôn mê vì xuất huyết não

05/07/2022 09:43 GMT+7

Bệnh nhân lên cơn co giật, hôn mê 3 lần do vỡ túi phình mạch máu não vừa được can thiệp DSA cấp cứu đặt 4 coil cầm máu thành công.

Ngày 5.7, Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa can thiệp, cứu chữa thành công bệnh nhân 3 lần hôn mê do vỡ túi phình mạch máu não.

Trước đó, nam bệnh nhân T.V.H (41 tuổi, ngụ An Giang) nhập viện tại một bệnh viện ở An Giang trong tình trạng huyết áp tăng cao, nôn ói, ngất xỉu và tim ngừng đập. Sau 30 phút cấp cứu, anh H. dần tỉnh lại. Tuy nhiên, trong thời gian điều trị, bệnh nhân 2 lần tái phát hôn mê.

Bệnh nhân T.V.H được can thiệp DSS cấp cứu đặt 4 coil cầm máu thành công

BVCC

Thấy vậy, người nhà xin chuyển anh H. đến Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Tại đây, các bác tiến hành cho thở ô xy và chụp MRI, phát hiện bệnh nhân bị vỡ túi phình mạch máu não vị trí động mạch thông trước rất phức tạp.

Ê kíp bác sĩ đã sử dụng phương pháp điều trị phình mạch máu não vỡ bao gồm phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp nội mạch DSA đặt coils. Dùng Stent che cổ túi, đặt coils… Tuy nhiên, vấn đề là nguy cơ tắc Stent cấp vì bệnh nhân không thể uống thuốc chống tắc Stent trong lúc này. Vậy nên ê kíp đã dùng kỹ thuật tạo hình cổ túi phình lúc đặt coils bằng Stent lấy huyết khối, khi đặt coils xong cầm máu, tiến hành kéo Stent ra và bệnh nhân không cần dùng thuốc chống đông sau đó.

TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trực tiếp thực hiện ca can thiệp, cho biết: “Đây là trường hợp rất hy hữu được cứu sống. Vì bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu đột ngột dữ dội, co giật, hôn mê sau đó tỉnh dậy và lặp lại 3 lần. Khả năng, mỗi lần bệnh nhân lên cơn co giật, hôn mê là rơi vào tình trạng đợt xuất huyết não từ túi phình vỡ ra. Thông thường, các trường hợp xuất huyết do vỡ túi phình nguy cơ tử vong do vỡ lần đầu là khoảng 30 - 50% tùy theo lượng máu chảy, lần 2 - 3 nguy cơ tử vong tăng lên 80 - 90%”. Bác sĩ Cường khuyến cáo, thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ tối đa là 6 giờ. Nếu bệnh nhân đến trễ việc cấp cứu và điều trị sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp không thể cứu chữa do trễ giờ vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.