Cứu sống 2 bệnh nhân đã đặt 1 chân vào 'cửa tử' bằng kỹ thuật ECMO

An Dy
An Dy
15/06/2018 16:11 GMT+7

Trong vòng một tháng, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng đã hai lần khởi động màng tim phổi nhân tạo giành lại sự sống cho hai bệnh nhân, những người đã bước một chân vào 'cửa tử'.

Sáng 15.6, tiến sĩ - bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, đã chia sẻ về kỳ tích của tập thể ê kíp bác sĩ tại bệnh viện khi sử dụng kỹ thuật cao cấp ECMO - màng tim phổi nhân tạo - vừa cứu sống hai bệnh nhân.

“Đây là lần thứ 30 trong vòng 4 năm qua, chúng tôi khởi động hệ thống ECMO để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Riêng với hai bệnh nhân vừa được cấp cứu thành công thì đúng là kỳ tích”, bác sĩ Nhân không giấu được niềm vui khi y tế kỹ thuật cao tại bệnh viện liên tục cứu sống những ca tưởng chừng như không còn hy vọng.

Cứu bệnh nhân ngưng tim hơn một giờ

Một bệnh nhân nam là T.V.H (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) nhập viện hồi đầu tháng 5, trong tình trạng suy hô hấp diễn tiến rất nhanh, nguy cơ tử vọng cao. Trước đó, bệnh nhân được phẫu thuật điều trị các bệnh về tiêu hóa tại một bệnh viện ở Quảng Ngãi, nhưng sau đó có biểu hiện hoại tử ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc dẫn đến suy hô hấp độ 2, chuyển viện ra Đà Nẵng.

“Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã lường trước được tốc độ suy hô hấp nặng, diễn tiến nhanh của người bệnh. Một bên chúng tôi nhồi tim cho bệnh nhân, mặt khác huy động ê kíp liên chuyên khoa hội chẩn tiến hành chạy màng tim phổi nhân tạo để cứu sống bệnh nhân. Trong suốt hơn một giờ bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, ê kíp ECMO cũng huy động hết tốc lực khởi động màng tim phổi nhân tạo, tránh tối đa tình trạng liệt não”, bác sĩ Hà Sơn Bình, Phó Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Đà Nẵng) cho biết.

Bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân H. cho biết thêm, vì bệnh nhân vẫn trong tình trạng hậu phẫu sau điều trị về tiêu hóa nên rất khó đánh giá và chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, ê kíp bác sĩ đã kịp thời xác định được hiện trạng tắc mạch phổi ở bệnh nhân này, cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột tử.

“Thường thì với tắc mạch phổi sẽ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, tiêu huyết khối, hoặc dụng cụ lấy khuyết khối, nhưng với ca này thì gần như bế tắc khi bệnh nhân rối loạn máu đông thể nặng, đồng thời những nhánh tắt mạch phổi quá nhỏ nên chúng tôi phải sử dụng hiệu quả màng tim phổi nhân tạo để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Hiếu giải thích nguy cơ tử vong cao ở bệnh nhân tắc mạch phổi.

Không chủ quan với hen phế quản

Cũng tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Đà Nẵng), trước bệnh nhân H. vài ngày, một bệnh nhân khác nguy kịch không kém phải sử dụng đến ECMO, dù bệnh lý chỉ xuất phát tự sự chủ quan.

Đó là nam bệnh nhân P.T.D (39 tuổi, trú tại Đà Nẵng) với tiền sử bệnh hen phế quản nhưng chủ quan không điều trị dự phòng đã chuyển hóa nhanh thành hen phế quản nguy kịch. Bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng phổi câm, không có khí vào hoặc ra, dù đã được chỉ định thở máy nhưng vẫn không đáp ứng điều trị.

“Bệnh nhân có dấu hiệu suy tuần hoàn nhanh, đối mặt với nguy cơ tử vong cao nên phải hội chẩn viện, sử dụng màng tim phổi nhân tạo để tuần hoàn ngoài cơ thể. Trong khi đó, hen phế quản là bệnh lý cần điều trị dự phòng đúng phác đồ để ngăn bùng phát cơn hen, giảm tình trạng hen phế quản nguy kịch dẫn đến tử vong”, bác sĩ Hiếu cảnh báo tình trạng chủ quan ở những bệnh nhân hen phế quản.

“Với mức độ xử lý thành công gần 20 ca sử dụng màng tim phổi nhân tạo ECMO để cứu sống những bệnh nhân suy hô hấp, ngưng tim phối trong thời gian qua, BV Đà Nẵng trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ ECMO thế giới, mang lại sự sống kỳ diệu cho những bệnh nhân tưởng chừng như đã không thể cứu vãn”, bác sĩ Nhân khẳng định.

Hiện tại, BV Đà Nẵng là một trong 675 bệnh viện trên toàn thế giới được tổ chức ELSO (Tổ chức chuyên về kỹ thuật tim phổi nhân tạo thế giới) công nhận triển khai hiệu quả y tế kỹ thuật cao ECMO trong cấp cứu những người hợp suy hô hấp, đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.