Cứu nhà rường Huế

16/11/2015 16:38 GMT+7

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Màn, tại thôn An Lỗ Tây, xã Phú Dương (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), người đã cứu rất nhiều nhà rường Huế.

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Màn, tại thôn An Lỗ Tây, xã Phú Dương (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), người đã cứu rất nhiều nhà rường Huế.

Nghệ nhân Nguyễn Màn - Ảnh: M.CNghệ nhân Nguyễn Màn - Ảnh: M.C
Ở tuổi 83, nhưng đôi tay ông vẫn thoăn thoắt với nét chạm trổ tinh tế, bởi cái nghề đã ăn sâu vào máu thịt của ông. Ông Màn tâm sự: “Gia đình khi xưa nghèo quá không đủ điều kiện đến trường đàng hoàng, 15 tuổi tui quyết định học nghề, chọn cái nghề mà thời ấy chẳng mấy ai để ý tới. Ngoài những người thầy ở quê, ông còn khăn gói lên đường vào các tỉnh lân cận để theo các nghệ nhân trong đó học nghề”.
Năm 20 tuổi, ông Nguyễn Màn thành thạo những công đoạn làm mới và phục dựng nhà rường, vừa làm thợ cho thầy vừa nghe ngóng khắp nơi có ông thầy nào giỏi để học thêm bởi theo ông mỗi người thầy đều có những cái hay, có những mẹo làm với nhiều mẫu mã riêng. Hơn 30 tuổi danh tiếng về người nghệ nhân làm nhà rường được nhiều người biết đến. Uy tín của ông được khách hàng khắp nơi trong nước biết và tìm đến nhờ ông phục dựng nhà rường. Đến nay, ông không còn nhớ rõ là mình đã “cứu sống” bao nhiêu ngôi nhà rường. Ngót nghét cũng đã hơn 60 năm nhưng trong ông vẫn luôn cố gắng làm tất cả những gì bản thân có thể làm, để phục dựng và giữ gìn kiến trúc đặc trưng của vùng đất cố đô Huế.
Ông Nguyễn Màn bảo: “Nhà rường Huế là một kiến trúc độc đáo khác biệt so với các ngôi nhà ở miền Nam hay miền Bắc, cũng không giống với Hội An”, rồi ông tiếp: “Thường gỗ để làm nhà rường chủ yếu là gỗ mít, gõ, chua khét... ngói dùng để lợp thường là ngói Liệt, ngói Hài, ngói Hạ Long. Giá của mỗi ngôi nhà cao hay thấp phụ thuộc vào chất liệu gỗ và quy mô nhà to hay nhỏ. Gỗ tốt thì kiến trúc mới tồn tại được lâu dài, gỗ không đạt sẽ mau hư”.
Ông cho rằng, làm nghề gì cũng phải có tâm như thế sản phẩm mới bền vững: “Nghề này cần phải khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận từng chút một. Phần khó nhất của ngôi nhà chính là làm sao cho cột gỗ vừa khít với lỗ khoan hình tròn ở thanh gỗ trên mái mà không có một khe hở. Điều đó làm nên nét riêng trong kiến trúc nhà rường”.
Cả một đời gắn bó với nghề, người nghệ nhân 83 tuổi chỉ mong góp một phần sức mình lưu giữ cái “hồn” cho vùng đất cố đô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.