Cứu người đàn ông té xe, bị vật sắc nhọn đâm thủng cổ

Duy Tính
Duy Tính
06/10/2018 15:13 GMT+7

Người đàn ông đi xe máy bị té ngã và bị vật sắc nhọn đâm thủng cổ gây đứt mạch máu...

Ngày 6.10, Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện (BV) đa khoa Xuyên Á TP.HCM, cho biết các bác sĩ đã phẫu thuật cứu sống bệnh nhân sốc mất máu, đe doạ tính mạng do vết thương mạch máu vùng cổ.
Bệnh nhân T.T (42 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) bị tai nạn té ngã xe máy và bị vật sắc nhọn đâm thủng cổ trái. Vết thương phun máu thành tia. Bệnh nhân T. được sơ cứu cầm máu tạm ở cơ sở y tế gần hiện trường tai nạn và nhanh chóng chuyển đến BV Xuyên Á trong tình trạng sốc mất máu, hốt hoảng, vết thương cổ trái đã băng ép nhưng đang tiếp tục rỉ máu…
Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng mổ vừa mổ cấp cứu, vừa hồi sức.
Kết quả phẫu thuật cho thấy vật sắc nhọn đâm xuyên từ trước ra sau, vào trong và xuống dưới cổ trái gây đứt đôi đoạn đầu động mạch đốt sống trái (đây là một trong các động mạch đi lên não) và máu đang phun thành tia mạnh.
Ngoài ra, vết thương làm rách bán phần rễ thần kinh cổ 7 bên trái (C7 - một rễ trong thành phần đám rối thần kinh cánh tay) và làm đứt 1 phần mỏm ngang của đốt sống cổ 7.
Các bác sĩ nhanh chóng khâu cầm máu động mạch đốt sống và cầm máu các khối cơ vùng cổ đang chảy máu, khâu phục hồi rễ thần kinh cổ, khâu phục hồi cơ vùng cổ trái bị tổn thương.
Hiện bệnh nhân vẫn đang còn được hồi sức.
Theo các bác sĩ, tổn thương mạch máu vùng cổ mà có chảy máu ra ngoài, nếu không biết cách sơ cứu, không được phẫu thuật cầm máu và xử trí tổn thương kịp thì chắc chắn nạn nhân sẽ nhanh chóng tử vong.
Trong sơ cứu, băng ép là kỹ thuật cơ bản nhất để cầm máu và quyết định tiên lượng sống cho nạn nhân. Có thể dùng vật liệu sẵn có như bông, khăn, vải sạch.... Tuy nhiên, nếu băng ép không đúng cách lại làm tắc đường thở và làm cản trở dòng máu lên não khiến nạn nhân không thở được và gia tăng nguy cơ thiếu máu não.
Nhanh nhất là đưa tay của nạn nhân (đối diện bên tổn thương) qua đầu để làm đối trọng (như một thanh nẹp) rồi băng ép chặt lại vết thương ở cổ phía bên kia. Như vậy vừa có thể băng ép cầm máu cứu tính mạng nạn nhân, vừa có thể giúp nạn nhân thở được, không làm cản trở dòng máu bên không tổn thương lên nuôi não.
Ngoài ra, cũng có thể băng ép vết thương ở cổ choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân, sau đó nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến ngay bệnh viện có khoa phẫu thuật mạch máu gần nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.