Cựu Ngoại trưởng Mỹ: 'Trung Quốc không khôn ngoan khi tuyên bố tham vọng AI'

Thu Thảo
Thu Thảo
19/05/2019 08:07 GMT+7

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa nhận định về việc Trung Quốc tuyên bố tham vọng trí tuệ nhân tạo (AI) của họ và cuộc đua AI Mỹ - Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, ông Kerry cho rằng Trung Quốc đã “ra tay” khi tuyên bố muốn trở thành nước đi đầu toàn cầu về AI. Đây là động thái khiến Mỹ và phần còn lại của thế giới lo ngại. Cựu Ngoại trưởng Mỹ vừa nhận xét như trên tại sự kiện Viva Technology diễn ra ở Paris trong tuần này.
Theo ông Kerry, Trung Quốc nhen nhóm muốn tìm vị thế thống trị trong ngành công nghiệp AI từ khi chương trình máy tính AI của Google là AlphaGo đánh bại cao thủ cờ vây Trung Quốc Ke Jie hồi tháng 5.2017.
“Đó là yếu tố thúc giục Trung Quốc, là khoảnh khắc Sputnik. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố không lâu sau đó rằng Trung Quốc sẽ đi đầu thế giới về AI. Tôi không nghĩ rằng đây là tuyên bố khôn ngoan nhất. Có lẽ sẽ thông minh nếu làm điều này mà không cần nói ra, vì tuyên bố được Washington và nhiều nơi khác chú ý”, người từng là Ngoại trưởng thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết.
Tháng 7.2017, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành kế hoạch ba bước để trở thành cái tên đi đầu mảng AI thế giới vào năm 2030. AI cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ chính của Đại lục trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, vốn định hướng chính sách chính phủ từ năm 2016 đến năm 2020.
Bắc Kinh cũng đưa AI vào sáng kiến Internet Plus, vốn được xây dựng từ năm 2015 như chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc muốn kinh tế nước nhà được thúc đẩy bởi các công nghệ tiên tiến và liên quan đến internet. Sự phát triển của AI bao gồm một loạt công nghệ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc trưng cho trí tuệ con người như hiểu ngôn ngữ, nhận dạng đối tượng.
Ứng dụng thực tiễn của AI rất rộng, từ chẩn đoán các bệnh nghiêm trọng như ung thư phổi bằng hình ảnh y tế, đến cải thiện quy trình sản xuất sử dụng cảm biến và dữ liệu lớn. Ngoài ra, AI cũng hỗ trợ tăng cường an ninh và giám sát tại các sân bay thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt. AI còn có ứng dụng trong quân sự.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc từng cho hay AI nên được xem là yếu tố thay đổi cuộc chơi kinh tế, có thể chia sẻ lợi ích và giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu. Sau khi tuyên bố về tham vọng AI, Trung Quốc cố gắng đối đầu trực diện với Mỹ. Tham vọng thống trị AI của Trung Quốc khiến không ít người đặt câu hỏi về ý định thực sự đằng sau mục tiêu này.
“Liệu Trung Quốc phát triển AI cho tiêu chuẩn và giá trị mà chúng ta đang sống, hay cho chủ nghĩa độc đoán?”, ông Kerry đặt câu hỏi, chỉ ra hành động của Bắc Kinh với người Hồi giáo thiểu số ở khu vực Tân Cương. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kết thúc bằng “hai thế giới cách biệt”, và cả thế giới phải nỗ lực để tránh điều này nếu có thể.
Cuộc đua giữa hai cường quốc cũng khiến nhiều nước nhỏ hơn, chẳng hạn như một số quốc gia tại châu Âu, cảm thấy mình bị trượt lại phía sau vì Mỹ và Trung Quốc đầu tư “khủng” cho AI. “Chúng ta cần cuộc đàm phán toàn cầu từ các nước lớn nhất để cùng nhau thống nhất về cách chúng ta sẽ có sự minh bạch, trách nhiệm, chia sẻ nỗ lực chung cần thiết để có thể làm việc cùng nhau trong lĩnh vực AI”, ông Kerry chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.