Cứu hộ động vật hoang dã: Chốn bình yên của gấu

Quang Viên
Quang Viên
29/05/2023 07:17 GMT+7

Bảo tồn động vật hoang dã là vấn đề luôn nóng hổi của toàn cầu. Tại Việt Nam, rất nhiều tổ chức và cá nhân đang tích cực tham gia các hoạt động cứu hộ, bảo tồn này.

Những con gấu khỏe mạnh đang đùa nghịch dưới tán lá rừng. Các con gấu khác nằm tận hưởng cuộc sống bình yên trên những chiếc võng đặt dưới lùm cây. Trước đây, chúng chưa bao giờ dám "mơ" có được cuộc sống như thế.

Trung tâm (TT) gấu Cát Tiên do Tổ chức Free the Bears (Úc) tài trợ nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Nơi đây được coi là mái ấm của hàng chục cá thể gấu ngựa và gấu chó (hai loài nằm trong sách đỏ của VN và thế giới) được giải cứu từ những đường dây buôn bán, hoặc bị người dân, các trang trại nuôi nhốt khai thác mật gấu… Thú thực, trên đường đến đây, tôi chưa hình dung rõ việc bảo tồn gấu trong môi trường bán hoang dã là như thế nào, nhưng đến rồi mới thấy sự kỳ công của những người làm công tác này.

Cứu hộ động vật hoang dã: Chốn bình yên của gấu - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế nước ngoài khám bệnh cho gấu

TRUNG TÂM GẤU CUNG CẤP

Bệnh viện cho gấu

Đón tôi là ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành Tổ chức Free the Bears tại VN. Ông Dũng không hổ danh với biệt danh "Dũng Gấu". Tất tần tật những điều liên quan loài gấu ở nơi này ông nắm rất rõ ràng, chi tiết. Đưa tôi đi tham quan nhà khám chữa bệnh cho gấu, ông cho biết ở đây giống như bệnh viện thu nhỏ. Thiết bị y tế có máy siêu âm, nội soi, chụp X-quang, lọc máu… Hằng tháng đội ngũ bác sĩ (BS) thú y của Free the Bears khám, chữa trị hoặc phẫu thuật cho các con gấu bị bệnh hoặc khám tổng quát. Hằng năm, Free the Bears còn tổ chức các đợt khám gấu chuyên sâu theo các chẩn đoán. Ví dụ như chuyên sâu về mắt thì có các chuyên gia từ Anh sang khám, phẫu thuật; mổ túi mật, mắt, dạ dày, lao, răng, cao huyết áp… có BS đến từ các nước khác đảm nhiệm. BS thú y tại chỗ thì chăm sóc sức khỏe và xử lý những tình huống sức khỏe khẩn cấp. "Bệnh viện cũng có phòng hội chẩn. Hầu hết việc khám chữa bệnh cho gấu được thực hiện ở đây", ông Dũng chia sẻ.

Hiện nay TT gấu Cát Tiên có hơn 50 cá thể gấu. Trong đó, một số đang chăm sóc tại khu cách ly để khám tổng quát, chữa trị, chăm sóc, phục hồi bản năng hoang dã, ghép nhóm… sau đó tái thả về khu bán tự nhiên. Hầu hết hơn 50 cá thể gấu này đã trải qua thời gian dài bị nuôi nhốt trong điều kiện không phù hợp. Đặc biệt việc nuôi lấy mật khiến đa số gấu khi đưa về TT đã mắc rất nhiều chứng bệnh. "Nhiều con gấu khi tiếp nhận bị rối loạn đường ruột, sún răng do chủ nuôi cho ăn như… heo, với ăn thức ăn không phù hợp, lại kéo dài từ 15 - 20 năm. Có nơi họ cho gấu ăn quá nhiều muối trong thời điểm lấy mật, khiến chúng mắc nhiều chứng bệnh nan y như thận, đường ruột, ung thư phổi, ung thư túi mật... Hiện nay có mười mấy con đang phải uống thuốc hằng ngày, một số con phải uống thuốc cao huyết áp. Sáng nào cũng phải cho gấu uống thuốc đúng giờ giống như người", ông Dũng cho biết thêm.

Cứu hộ động vật hoang dã: Chốn bình yên của gấu - Ảnh 2.

Những con gấu đang sống bình yên tại khu nuôi gấu bán hoang dã

QUANG VIÊN

Kỳ công chăm sóc

Rất nhiều người khó tin chuyện chăm sóc gấu ở đây. Khẩu phần ăn của gấu chủ yếu là rau củ quả, giảm lượng đường và tinh bột. Ngoài ra, chúng được bổ sung các loại thức ăn khác đảm bảo dinh dưỡng cân bằng như thức ăn của chó (dogfood)... "Thức ăn trước khi áp dụng cho gấu phải mang toàn bộ lên một viện sinh học ở TP.HCM phân tích thành phần dinh dưỡng. Sau đó, nhờ sở thú nước ngoài chạy phần mềm chế độ ăn của từng con gấu. Chẳng hạn, con 100 kg thì ăn lượng thức ăn bao nhiêu, con ở độ tuổi nào thì cần ăn thức ăn gì. Mục đích chính là tăng cường sức khỏe cho gấu", ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành Tổ chức Free the Bears tại VN, thông tin dữ liệu của Trung tâm giáo dục thiên nhiên cho thấy hiện cả nước vẫn còn gần 300 con gấu đang bị nuôi nhốt trong các cơ sở tư nhân. Nhiều cá thể gấu không được đối xử nhân đạo. Chúng phải chịu chế độ ăn nghèo nàn, sống trong những chuồng chật hẹp, không được chăm sóc về thú y… "Gấu cần được hưởng cuộc sống tự do trong rừng - nơi thuộc về nó, và cần được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ. Mong rằng các chủ nuôi có một trái tim nhân đạo và hành động nhân văn, sớm chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ ở VN để chúng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tạo điều kiện cho các quần thể gấu trong tự nhiên phục hồi và phát triển", ông Dũng kêu gọi.

Gấu cũng được ăn thức ăn từ chương trình làm giàu "enrichment" mỗi ngày. Thức ăn bỏ trong ống tre để cho gấu tự bóc nhằm kích thích nó vận động, sáng tạo. Tùy theo ngày, các loại thức ăn làm giàu (mật ong, chuối, mít, thơm hay nước mắm, cá khô…) sẽ thay đổi. Hôm tôi đến, bầy gấu được cho ăn mật ong và chuối. Nhìn chúng tìm cách bóc vỏ ống tre để thưởng thức món ăn thật là vui.

Phần lớn gấu ở đây đã già nên chúng làm biếng vận động, ăn rồi cứ nằm lì. Bóc dừa để ăn cũng là trò chơi vận động của chúng. Hằng tuần, mỗi con gấu được ăn một quả dừa. Gấu sẽ tự vận động bóc dừa lấy nước uống, cơm dừa để ăn, tốt cho đường tiết niệu. "Như vậy, chẳng khác nào trò chơi vận động có thưởng thức ăn nên tinh thần cũng như sức khỏe của gấu tốt lên. Hơn nữa, bản năng hoang dã của chúng cũng dần dần hồi phục", ông Dũng giải thích.

Cứu hộ động vật hoang dã: Chốn bình yên của gấu - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Dũng nắm rất chi tiết những gì liên quan loài gấu ở Trung tâm gấu Cát Tiên

QUANG VIÊN

Chưa hết, gấu cũng được chơi với những quả bóng nhựa cứng có thức ăn. Mỗi quả bóng cho gấu "chơi" như vậy phải nhập khẩu có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng. Việc "chơi bóng có thưởng" diễn ra vào buổi chiều. Nhân viên TT nhỏ mật ong hoặc cho cá khô, nước mắm vào quả bóng, sau đó bỏ ngoài khu hoang dã cho gấu tự tìm như một phần phục hồi bản năng hoang dã.

Chuyện khó tin khác về những cá thể gấu ở TT này là tình trạng stress. Một số gấu khi mới đưa về TT suốt ngày không chịu bước ra khu vực hoang dã, sợ ánh sáng... do bị nhốt trong chuồng quá lâu, khiến chúng quên mất "nguyên quán" của mình và e sợ khi bước ra thế giới rộng lớn bên ngoài. "Có con suốt ngày đâm đầu vô chuồng. Đó là cách nó muốn tự tử mà không được. Có những con cứ đập đầu xuống đất, la hét ầm ầm. Sau này, dùng nhiều biện pháp kích thích như kiểu phục hồi chức năng và cả tâm lý trị liệu thì mức độ stress giảm xuống chỉ còn vài chục phần trăm", ông Dũng thổ lộ.

Chúng tôi được chứng kiến bữa ăn chính của gấu ở đây. Đầu tiên nhân viên chăm sóc bấm chuông gọi tất cả gấu vào. Nếu con nào không vào sẽ gọi đích danh. Mỗi con gấu được đặt tên theo loài cây hoặc theo tên bố nuôi, mẹ nuôi... Ví dụ Gõ, Gáo, Tung, Dầu, Sao... Sau khi gấu vào thì đóng cửa cho ăn đậu xanh và đậu nành ngâm. Trong lúc gấu ăn, nhân viên đi vào khu bán hoang dã dọn dẹp thức ăn dư thừa, vệ sinh sạch sẽ những thứ gấu phóng uế. Tiếp theo, bỏ một số loại thức ăn phù hợp vào các dụng cụ đặt trong khu bán hoang dã cho gấu nhẩn nha ăn suốt ngày.

Nhà gấu ở cũng được xây dựng bằng vật liệu và phương pháp hướng tới sự thân thiện với môi trường, tạo hệ sinh thái tốt nhất cho gấu. Bao quanh nhà ăn của gấu là những bức tường đá tự nhiên được xếp vào rọ sắt, giảm tối đa bê tông. "Các bức tường như vậy như máy lạnh tự nhiên. Trong khi đó, mái nhà gấu ở là mái xanh, cỏ mọc tự nhiên. Trần nhà thiết kế gợn sóng, nhằm luyện mắt và khơi trí tưởng tượng cho gấu" ông Dũng cho biết. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.