Cựu đại tá biên phòng đề nghị làm rõ mình chuyển tiền hối lộ cho 'sếp' nào

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/12/2022 17:42 GMT+7

Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư cáo buộc bị cáo Nguyễn Thế Anh chuyển tiền hối lộ từ Phan Thanh Hữu cho sếp và nhiều đơn vị để bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu. Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh đề nghị chỉ rõ mình đã chuyển tiền cho sếp nào.

Không làm rõ thì "chắc chắn bỏ lọt tội phạm"

Chiều 28.12, tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu xăng dầu xảy ra tại một số đơn vị cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, các luật sư và bị cáo trình bày phần bào chữa trước tòa.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh tại tòa

trọng đức

Tự bào chữa, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) thừa nhận có nhận tiền của trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh), song cho rằng mình không phạm tội nhận hối lộ để thực hiện hành vi bảo kê cho hoạt động buôn lậu của ông Hữu.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh lập luận, nếu là hành vi bảo kê thì giữa mình và Phan Thanh Hữu phải có tin nhắn qua lại chi tiết về tên tàu, vị trí tàu… để có thể chuyển lại cho các đơn vị chức năng “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu của Hữu, song điều này hoàn toàn không có.

“Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư (Viện Kiểm sát - PV) nói bị cáo bảo kê nhưng không làm rõ bảo kê như thế nào. Nếu là bảo kê, anh Hữu phải nhắn tin cho bị cáo, bị cáo nhắn tin lại cho các đơn vị. Sau đó mà tàu vẫn bị bắt thì các đơn vị đó và bị cáo phải chịu trách nhiệm hàng hóa của Hữu. Đó mới là hành vi bảo kê”, cựu đại tá biên phòng nói.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh cũng phủ nhận cáo buộc từ 10.2019 - 2.2021, bị cáo nhận tiền từ Phan Thanh Hữu để bảo kê cho việc buôn lậu xăng dầu của Hữu sang Campuchia thông qua hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu thông qua cửa khẩu quốc tế thuộc tỉnh An Giang.

Theo cựu đại tá, hoạt động tạm nhập tái xuất với xăng dầu được quy định rất chặt chẽ, hơn nữa, tại An Giang không có cửa khẩu quốc tế nào đủ điều kiện để thực hiện hoạt động này cho một tàu có tải trọng tới 3.000 tấn mà Phan Thanh Hữu khai.

"Không có việc Hữu đưa tiền cho bị cáo trong giai đoạn này. Đề nghị tòa xem xét vì bị cáo đã hiểu việc đại diện Viện Kiểm sát hôm qua nói với bị cáo rằng phải "dám làm dám chịu". Nếu xác định được việc này thì bị cáo sẵn sàng chịu hình phạt pháp luật bị cáo không có gì để kêu", bị cáo Nguyễn Thế Anh nói trước tòa.

Về số tiền nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Thế Anh cũng nói việc Viện Kiểm sát cáo buộc mình nhận 60.000 USD và 950 triệu đồng từ 3.2020 - 8.2020 để đưa cho các đơn vị, thủ trưởng, trong đó tự bị cáo hưởng 30.000 USD là không đúng.

"Việc này hoàn toàn vô lý, hoàn toàn không có chuyện này. Đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ bị cáo đưa tiền cho ai, thủ trưởng là thủ trưởng nào để làm rõ cho bị cáo. Đưa cho các hải đội, hải đoàn là đưa cho ai, đưa cho chủ thể nào thì mới buộc tội cho bị cáo”, cựu đại tá tự bào chữa, và cho rằng, nếu không làm rõ được chủ thể nào nhận tiền thì “chắc chắn có việc bỏ lọt tội phạm”, còn mình thì mắc thêm tội chiếm đoạt số tiền này.

Chi tiền hối lộ cho "sếp" và nhiều đơn vị

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, án sơ thẩm kết luận số tiền bị cáo đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu thông qua Nguyễn Văn An từ tháng 10.2019 đến tháng 1.2021 với tổng số tiền 6,2 tỉ đồng và 560.000 USD.

Cụ thể, từ tháng 10.2019 đến 2.2020, bị cáo Nguyễn Văn An (trú TP.HCM, em họ của Nguyễn Thế Anh) thay mặt Nguyễn Thế Anh nhận mỗi tháng 30.000 USD và 100 triệu đồng.

Từ tháng 3.2020 đến tháng 8.2020, mỗi tháng nhận 60.000 USD và 950 triệu đồng. Từ tháng 9.2020 đến tháng 1.2021 (thời điểm Phan Thanh Hữu bị bắt), mỗi tháng nhận 10.000 USD.

Đại diện Viện Kiểm sát cho hay, theo lời khai của bị cáo Nguyễn Văn An, từ tháng 9.2020, An điện thoại cho ông Hữu để lấy tiền như trước thì được trả lời Nguyễn Thế Anh đã chuyển làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang nên không chi tiền nữa.

Sau đó, bị cáo Nguyễn Thế Anh gọi điện cho ông Hữu dọa “anh muốn gì”, nên Hữu buộc phải tiếp tục chi cho Nguyễn Thế Anh mỗi tháng 10.000 USD cho tới khi bị bắt.

Theo lời khai của Phan Thanh Hữu, số tiền Hữu phải đưa cho Nguyễn Thế Anh nhiều như vậy là theo yêu cầu của Nguyễn Thế Anh. Số tiền này được Nguyễn Thế Anh nói để chi cho cấp trên và các lực lượng khác. Do vậy, Hữu nhất trí phải chi số tiền này.

"Trong đó, phần của Thế Anh là 30.000 USD; sếp của Thế Anh là 30.000 USD; Hải đoàn Biên phòng 18 là 300.000 USD; Đoàn đặc nhiệm số 3 là 350 triệu đồng, Hải đoàn Biên phòng Vũng Tàu là 100.000 USD, Hải đoàn 28 là 200.000 USD", đại diện Viện Kiểm sát công bố.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh bị cáo buộc lợi dụng chức vụ được giao, nhận hối lộ trong thời gian dài để bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) - người vừa bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên án 16 năm tù.

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi 7.2022, bị cáo Nguyễn Thế Anh bị tuyên phạt chung thân tội nhận hối lộ và 2 năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, tổng hình phạt là tù chung thân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.