Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex kêu oan, nói '20 bút lục là giả'

17/04/2024 15:32 GMT+7

Tại tòa, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan kêu oan, khẳng định không chỉ đạo hay can thiệp gì vào việc dìm giá đất đấu giá.

Sáng 17.4, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử 11 bị cáo trong vụ án sai phạm về đấu giá đất liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (gọi tắt là Tập đoàn Vimedimex).

Hôm 9.4, phiên tòa từng được mở nhưng phải hoãn. Sau đó, luật sư của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex đã giao nộp cho hội đồng xét xử hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ được cho là liên quan trong vụ án.

Số tài liệu này gồm: 25 bản tường trình của một số cá nhân có liên quan; 35 bộ vi bằng đã lập; 3 hợp đồng ủy thác; 9 đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị xem xét lại chứng cứ, tài liệu... của bị cáo Loan gửi các cấp; 9 tài liệu, chứng cứ là các băng ghi âm, biên bản làm việc, đối chất, báo cáo rà soát...

Phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex cùng các bị cáo sáng 17.4

Phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex cùng các bị cáo sáng 17.4

PHÚC BÌNH

"20 bút lục là giả"?

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc sử dụng 3 pháp nhân do mình chi phối (gồm Công ty CP đầu tư bất động sản Bắc Từ Liêm, Công ty CP đầu tư bất động sản Thanh Trì và Công ty CP đầu tư bất động sản Mỹ Đình) để chỉ đạo tham gia đấu giá hơn 16.000 m2 đất thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất phía đông nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, H.Đông Anh, Hà Nội.

Quá trình đấu giá, 3 pháp nhân "bắt tay" nhau trả giá theo kịch bản đã lên từ trước, giúp Công ty CP đầu tư bất động sản Bắc Từ Liêm trúng đấu giá với mức giá hơn 326 tỉ đồng, tương đương hơn 20,1 triệu đồng/m2. Thực tế, giá trị khu đất là hơn 28,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 462 tỉ đồng. Chênh lệch giá khiến ngân sách thiệt hại hơn 135 tỉ đồng.

Tại tòa hôm nay 17.4, bị cáo Nguyễn Thị Loan cho rằng bị oan, cáo trạng truy tố không đúng. Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex nói hồ sơ vụ án có "20 bút lục là giả", đồng thời đọc số từng bút lục, kèm theo ngày giờ và tên điều tra viên.

"Căn cứ vào đâu bị cáo cho là giả?", chủ tọa hỏi. Nữ bị cáo khẳng định chữ ký trong bút lục không phải của mình (do sao chép), nội dung khai trong bút lục không chính xác, tên điều tra viên cũng không đúng.

Nói về 3 công ty Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình và Thanh Trì, bà Loan cho biết chỉ có 20% cổ phần tại mỗi doanh nghiệp, nên không thể nói đây là các công ty riêng của bị cáo. Thời điểm các công ty nộp hồ sơ tham gia đấu giá đất, bà Loan chỉ đồng ý về mặt chủ trương, sau đó không can thiệp, không chỉ đạo việc đấu giá ra sao hay dìm giá đất thế nào.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex còn khẳng định không chuyển tiền cho 3 công ty (mỗi công ty 30 tỉ đồng - theo cáo trạng) để đặt cọc đấu giá đất, đồng thời "tố" trong nội bộ công ty có "thông đồng", lập khống các phiếu thu, phiếu chi… nhằm buộc trách nhiệm sai phạm đối với mình.

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan kêu oan

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan kêu oan

PHÚC BÌNH

Cựu trưởng phòng phủ nhận cáo buộc

Vẫn theo cáo trạng, quá trình triển khai đấu giá khu đất hơn 16.000 m2, bị cáo Trần Công Tuyên (cựu trưởng phòng thuộc Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng H.Đông Anh) nhờ người liên hệ với công ty thẩm định giá để xác định giá khởi điểm khu đất.

Khi phía thẩm định giá xác định khu đất có giá trị khoảng 504 tỉ đồng, bị cáo yêu cầu "dìm" xuống khoảng 300 tỉ đồng.

Sau khi công ty thẩm định giá phát hành chứng thư, Sở TN-MT TP.Hà Nội chấp thuận và trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP.Hà Nội. Hội đồng họp, chốt đơn giá là 18,2 triệu đồng/m2 (giá trị thực phải là 28,5 triệu đồng/m2) .

Khai tại tòa, bị cáo Tuyên phủ nhận cáo buộc. Cựu trưởng phòng thừa nhận có trao đổi với công ty thẩm định giá để nhờ xác định giá trị sơ bộ của khu đất, mục đích là để dự kiến nguồn thu cho ngân sách. Việc này "không có gì khuất tất", bị cáo không có chuyên môn về xác định giá trị đất nên mới phải nhờ để có cơ sở tham mưu sao cho sát thực tế nhất.

Cựu trưởng phòng nhiều lần cho rằng thẩm quyền lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá và phê duyệt giá khởi điểm thuộc về Sở TN-MT. Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng H.Đông Anh hoặc bản thân bị cáo không có nhiệm vụ này, cũng không tham gia quá trình phê duyệt, nên không thể có chuyện tác động vào quyết định mức giá khởi điểm.

Nhắc về sai phạm của bản thân, bị cáo nói xuất phát từ mục đích muốn đẩy nhanh tiến độ chứ hoàn toàn không có động cơ nào khác. Quá trình lựa chọn đơn vị tư vấn, quyết định giá khởi điểm, bị cáo không biết gì. Bị cáo cũng không thỏa thuận hay chỉ đạo, ép buộc công ty thẩm định giá phải tăng hoặc giảm giá trị khu đất.

Ông Tuyên còn đặt câu hỏi: nếu đúng như cáo buộc của viện kiểm sát, rằng bị cáo chỉ đạo dìm giá khu đất từ hơn 500 tỉ đồng xuống khoảng 300 tỉ đồng, vậy tại sao chứng thư thẩm định giá ban hành lại là hơn 284 tỉ đồng? "Đã thỏa thuận thì sao lại có sự khác biệt như vậy", cựu trưởng phòng nêu, đồng thời khẳng định bản thân không được hưởng lợi gì trong vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.