Cựu CEO M-TP Entertainment: Nhạc Việt chưa được khai thác triệt để

Phạm Nhật Huy
Phạm Nhật Huy
22/02/2023 06:43 GMT+7

'Chia tay' Sơn Tùng sau nhiều năm đồng hành, cựu CEO M-TP Entertainment hiện theo đuổi những dự án mới, những tài năng mới. Anh đã dành thời gian chia sẻ cùng Thanh Niên về thị trường nhạc Việt 2023.

Châu Lê - Cựu CEO M-TP Entertainment: MONO không thành công một mình - Ảnh 1.

Thành công của MONO được CEO Châu Lê phân tích bao gồm nhiều yếu tố, trong đó không phủ nhận có cái bóng của anh trai nổi tiếng Sơn Tùng M-TP

NVCC

* Anh đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc 2022? Trước nhận xét làng giải trí im ắng hơn so với trước dịch dù cát sê nghệ sĩ tăng mạnh, anh có nhận xét gì không?

- CEO Châu Lê: Hai năm 2021 và 2022 có thể nói đã làm thay đổi nhiều thói quen, hành vi của khán giả thông qua các platform (nền tảng). Đứng ở góc độ người quan sát, tôi thấy năm 2022 là năm ca sĩ ra rất nhiều và liên tục các sản phẩm, dự án, là một năm rất nhộn nhịp. Nhưng cũng chính sự nhộn nhịp ấy đưa đến một hệ quả là sự đào thải đang diễn ra rất nhanh. Thêm một nguyên do khác ảnh hưởng chính là: có nhiều sản phẩm âm nhạc đã được sản xuất rất kỹ từ đầu năm 2021 và chưa chọn được thời điểm thích hợp nên trong năm 2022, các dự án này được điều chỉnh lại và phát hành. Điều đó dẫn đến việc sản phẩm ra mắt vào lúc thị hiếu của khán giả có nhiều sự thay đổi.

Cát sê ca sĩ tăng mạnh là điểm sáng của thị trường vì những người làm nghệ thuật cần được trân trọng sức lao động của họ một cách xứng đáng. Một lý do khác dẫn đến việc thay đổi cát sê là nhiều nhãn hàng tăng quy mô sử dụng ngân sách quảng bá để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khủng hoảng. Họ tăng cường sử dụng activation (hoạt động gắn liền với thương hiệu) như các đêm nhạc, festival thu hút lượng lớn khán giả vào xem miễn phí. Việc này dẫn đến nhu cầu cần nghệ sĩ trình diễn tăng cao.

Tôi từng xem qua một thống kê, ước tính doanh thu nhạc số thị trường Việt Nam năm 2022 khoảng 560-600 tỉ đồng. Nếu lấy phần doanh thu này chia cho dân số Việt Nam ở độ tuổi thường xuyên sử dụng âm nhạc thì tính ra mỗi người chi tầm 10.000 đồng mỗi năm cho việc nghe nhạc. Đây là con số rất khiêm tốn và nói lên thực trạng của ngành âm nhạc Việt Nam. Từ đó cho thấy tiềm năng sẽ rất lớn nếu chúng ta cùng nhau xây dựng thị trường bài bản, hoàn chỉnh hơn.

Châu Lê - Cựu CEO M-TP Entertainment: MONO không thành công một mình - Ảnh 2.

Năm nay chứng kiến sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ quốc tế ở thị trường Việt Nam

NSCC

* Có nhiều bầu show cho biết cát sê ca sĩ tăng 50%, những gương mặt hàng đầu đi event đã chạm mức 1 tỉ đồng với 2 bài hát. Anh nhận định gì về những con số biết nói này?

- Như tôi đã chia sẻ, cát sê ca sĩ là khoản thù lao phù hợp theo quy luật cung cầu. Ca sĩ đạt được các thỏa thuận ở mức giá trị như vậy là thành công so với thị trường hiện tại của chúng ta. Nhưng nếu so với các thị trường khác thì cũng chưa là gì. Tuy nhiên, đó không phải là nguồn thu nhập ổn định, lâu dài. Nếu họ định hướng và tập trung để xây dựng thị trường nghe nhạc số, tổ chức nhiều đêm diễn quảng bá album và hệ sinh thái "fan service" thì nguồn thu sẽ ổn định, lâu dài và thể hiện đẳng cấp nhiều hơn. Điều đó đòi hỏi ca sĩ, người làm nghệ thuật cần dành nhiều thời gian cho việc đầu tư chất xám, sáng tạo trong các dự án của mình nhiều hơn nữa.

* Điểm lại một năm thị trường âm nhạc Việt, anh ấn tượng trước điều gì?

- Tôi ấn tượng ở 3 điểm. Trước hết là sự phát triển mạnh mẽ của Gen Z, đặc biệt là thế hệ ca - nhạc sĩ (tự sáng tác, tự trình diễn) ra mắt các EP, album trong năm 2022. Sự quả cảm đó gặt hái được nhiều thành quả. Kế đó là sau chương trình The Masked Singer, yếu tố vocal của các ca sĩ được yêu cầu cao hơn và là chủ đề được bàn tán nhiều trong mỗi lần trình diễn. Có thể thấy ngoài phần dàn dựng sân khấu, vũ đạo thì vocal của ca sĩ đã được quan tâm nhiều hơn. Đây cũng là điều rất tốt và vô hình trung đưa về giá trị của bản chất: đó là, khi mình là ca sĩ thì giọng hát phải được quan tâm hàng đầu. Cuối cùng, các ca sĩ đã mạnh dạn tổ chức đêm nhạc riêng của mình. Live concert có tỷ lệ khán giả lấp đầy rất cao cùng sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ quốc tế ở thị trường Việt Nam.

* Có thể thấy việc đầu tư "khủng" vào MV đã không còn là trào lưu, thay vào đó họ tập trung ngân sách vào bản phối. Điều này tốt hay xấu?

- Trong những năm qua, chúng ta thấy nhiều ca sĩ đầu tư rất nhiều vào MV, vì YouTube giúp ca sĩ kiếm tiền từ bản quyền. Việc sản xuất MV gắn liền với bài hát là một trong những cách để quảng bá hình ảnh của ca sĩ, nhưng với sự phát triển của hình thái các nền tảng mới như TikTok, Reels..., thì việc đầu tư quá nhiều vào MV không thật sự đem lại hiệu quả mà vô tình lại gây áp lực về tài chính nếu vung tay quá đà. Thay vào đó, hãy làm nhiều sản phẩm âm nhạc đầu tư chất lượng hơn từ bản phối, ngôn từ bài hát, chất lượng vocal và dùng nền tảng để quảng bá rộng rãi. Vốn dĩ, nền công nghiệp âm nhạc vững mạnh phải có nhiều nhà sản xuất âm nhạc giỏi, nhiều nhạc sĩ giỏi và một thế hệ sẵn sàng bung tỏa năng lượng, sức sáng tạo và không ngại làm mới mình.

* Nhạc Việt vừa ghi nhận trường hợp thành công của ca khúc See tình (Hoàng Thùy Linh). Anh nghĩ sao nếu nói chúng ta không có nhiều đại diện bước ra khỏi lãnh thổ vì thiếu ê kíp tầm cỡ?

- Nền âm nhạc Việt Nam đã có nhiều tên tuổi được thế giới biết đến. Với âm nhạc hiện đại thì cần phải có thêm nhiều ngôi sao xuất chúng hơn nữa và sẵn sàng gánh vác sứ mệnh lan tỏa âm nhạc Việt ra ngoài lãnh thổ. Điều này là cảm hứng khác nhau của mỗi ca sĩ và chúng ta không nên áp đặt hay ép buộc. Để làm được điều đó, bản thân họ phải đợi hội tụ đủ các yếu tố: sự sẵn sàng về kỹ năng cho những sân chơi lớn hơn, khao khát chinh phục cũng như một ê kíp đủ tầm nhìn và khả năng hợp tác với những hãng thu hàng đầu thế giới hoặc các nền tảng xã hội về âm nhạc. Đặc biệt cần có sự hậu thuẫn vững mạnh về tài chính hay làm việc cùng với những đơn vị đại diện có uy tín, tầm nhìn cũng như sự chuyên nghiệp, sẵn sàng chia sẻ quyền lợi...

MONO sẽ còn tiến rất xa

* Nếu nhận đỡ đầu một tài năng trẻ, anh có kiểm soát hoặc đặt vấn đề quản lý đời tư?

- Nếu tôi đầu tư toàn bộ gia sản vào một tài năng trẻ để chờ ngày tỏa sáng thì việc mà một nhà đầu tư trông đợi là thu hồi những khoản đầu tư một cách nhanh chóng và an toàn, đồng thời tạo ra nhiều đóng góp cho xã hội. Tôi quan niệm rõ, một ca sĩ trước tiên là một người có năng khiếu, năng lực được tạo hóa ban tặng. Nhưng nếu không mài giũa về tài năng và nhân cách thì những thứ có được rồi sẽ mai một theo thời gian. Và nếu có dịp làm việc với ca sĩ, điều tôi quan trọng là sự kết hợp giữa những thứ tôi rất giỏi cùng với những thứ người ca sĩ đó giỏi thì sẽ tạo nên những thứ rất đáng để mọi người bàn tán. Tôi có nhiều điểm chưa mạnh và chấp nhận đối tác cũng có nhiều điểm thiếu sót. Tôi tôn trọng, thấu hiểu và cùng hướng đến kết quả chung để cùng ra sức, sẽ rất tuyệt vời. Đời tư của ca sĩ là một phần tạo nên hào quang của họ, nhưng sẽ chẳng lợi ích gì nếu để những mặt xấu của ca sĩ có cơ hội xuất hiện hoặc phơi bày rộng rãi.

Châu Lê - Cựu CEO M-TP Entertainment: MONO không thành công một mình - Ảnh 3.

Sau vài tháng ra mắt, MONO đã có vị trí riêng, sở hữu lượng fan đáng nể cùng bản hit Waiting for you phủ sóng khắp mọi nơi

NSCC

* Năm 2022 chứng kiến những cái tên Gen Z rất tài năng, điển hình là một gương mặt có lẽ không xa lạ với anh - MONO. Anh nhận định gì về thành công của em trai Sơn Tùng M-TP với Waiting for you?

- MONO đã có một năm rất thành công. Chúc mừng cho MONO. Mỗi sự thành công đều dựa trên nhiều sự góp sức của các yếu tố thuận lợi. Chẳng hạn, đầu tiên đó là: bản thân MONO là một người có tư duy về âm nhạc và rất thông minh, biết tận dụng tốt những nguồn lực xung quanh mình tại từng thời điểm. Là một tân binh, thật khó để có thể đòi hỏi nhiều và việc MONO làm tốt là đã biết lắng nghe, tận dụng triệt để những cơ hội này. MONO trước khi debut cũng đã là một nhân tố có nhiều sức hút và được quan tâm. Thành công là khi may mắn gặp được sự chuẩn bị. Và tôi cho rằng MONO đã có sự chuẩn bị rất tốt: Làm hẳn một album, quay hẳn một MV chỉn chu, tốn kém, tận dụng được thời cơ trên mạng xã hội cũng như sự thích nghi nhanh và thay đổi kịp thời.

Về phần âm nhạc: MONO đã có một thế mạnh lớn khi kết hợp cùng nhà sản xuất âm nhạc Onionn, người mà trong những năm trước dành rất nhiều thời gian để tích lũy, quan sát về dòng chảy âm nhạc. Mỗi âm thanh em ấy kết hợp lại trong từng bản phối là sự đặt để rất hợp lý cho chủ nhân bản nhạc thể hiện. Onionn là nhà sản xuất âm nhạc có tư duy hiểu rõ hơi thở thời đại, dòng chảy âm nhạc. Hoặc là bạn biết chính xác điều bạn muốn và đề nghị Onionn thực hiện, đảm bảo rằng kết quả đó sẽ thành công; còn không thì nên chia sẻ điều bạn muốn và tận hưởng những gì được tạo ra bởi Onionn kết quả sẽ luôn rất khác.

Về ê kíp, hậu cần: stylist, make up, team quản lý cũng thực hiện rất tốt vai trò của họ. Hiện tượng như MONO sẽ là tiền đề cho nhiều cặp anh em, chị em, chú cháu, cô cháu cùng tham gia trong showbiz trong thời gian tới và trường hợp của MONO cũng sẽ được xem là một công thức để các hiện tượng về sau tham khảo dựa trên các điểm: hãy chuẩn bị thật tốt, hãy can đảm và biết thích nghi kịp thời. MONO sẽ còn tiến rất xa, nếu kịp thời hoàn thiện những điểm mà em ấy đã nhận thấy và chưa thật sự hài lòng với bản thân.

* Nếu không phải là em trai của Sơn Tùng M-TP, anh có nghĩ MONO thành công nhanh như thế?

- Tôi tin là không ai thành công một mình. Mỗi sự thành công đều được kết hợp bởi nhân duyên tốt và nhiều yếu tố cộng hưởng với nhau. Nếu MONO không thể tự sáng tác, tự thu âm và thể hiện, cũng như tiếp thu những góp ý để chuyển mình một cách nhanh chóng thì khó có thể đạt được thành công bước đầu như vậy. Nếu MONO không có những khả năng đó, thì rõ ràng là được nâng đỡ và có bệ phóng tốt nhưng MONO đã thể hiện được tài năng và rất nỗ lực, em ấy xứng đáng với khởi đầu như vậy. Còn tài năng phát triển ra sao, có ổn định hơn trong thời gian tới cũng là một thước đo để biết chính xác. Vậy hãy để thời gian trả lời.

Châu Lê - Cựu CEO M-TP Entertainment: MONO không thành công một mình - Ảnh 4.

CEO Châu Lê nhận định thị trường âm nhạc 2023 sẽ có nhiều gương mặt mới, ngày càng chất lượng hơn trong khâu sản xuất âm nhạc

NVCC

* Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Theo anh nghệ sĩ có lấy lại hào quang của mình nếu đã qua thời không?

- Nếu cùng một công thức mà có thể thành công hai lần thì, hoặc là thị trường đó quá nhỏ bé, thiếu tính cạnh tranh, thiếu nhân tài; hoặc cùng công thức nhưng tính biến hóa và sáng tạo cao nên có thể đem lại những thành công mới.

Tôi có thể chia sẻ quan điểm dựa trên câu hỏi: một ca sĩ từng có sức hút với khán giả rất lớn, sau một thời gian họ không còn thu hút khán giả thì liệu có thể lấy lại sức hút mà họ từng tạo ra hay không? Nếu là ý này, thì tôi nghĩ: không gì là không thể. Chỉ có khác một điều là thời gian trôi qua, thị hiếu mỗi người đều khác đi. Hoặc là ca sĩ đó bám theo thị hiếu của những khán giả đã yêu thích họ mà làm mới mình, hoặc làm ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu hiện tại và trùng với ý thích của mình.

* Anh nhận định thế nào về thị trường âm nhạc 2023? Dòng nhạc nào sẽ thịnh hành và xu hướng nào sẽ lên ngôi?

- Đứng ở góc độ người quan sát, theo cảm nhận cá nhân, thị trường âm nhạc 2023 sẽ không có quá nhiều sự thay đổi so với 2022, vẫn đang trong chu kỳ sàng lọc và hình thành hình thái âm nhạc mới. Trong 2023, sẽ có nhiều gương mặt mới, nhưng ngày càng chất lượng hơn trong khâu sản xuất âm nhạc. Sẽ có nhiều nghệ sĩ tiến hành các đêm diễn kỷ niệm 10, 15, 20 năm sự nghiệp ca hát của mình.

Cuối năm 2023 sẽ là thời điểm các festival được mạnh tay tổ chức bởi các nhãn hàng. Các nghệ sĩ trình diễn sẽ tìm kiếm nhiều sân khấu được đầu tư hoành tráng hơn. Nhưng những sân khấu đầu tư hoành tráng thì họ sẽ có khuynh hướng mời nhiều nghệ sĩ quốc tế về trình diễn tại Việt Nam. Trong 2023, sẽ rất đậm nét về giao lưu kết hợp âm nhạc giữa nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ trên thế giới.

Châu Lê từng có 4 năm gắn bó với Sơn Tùng M-TP. Đi cùng M-TP Entertainment từ những ngày đầu thành lập, thậm chí hiểu rõ cá tính nghệ thuật của nam ca sĩ người Thái Bình, thế nhưng đầu năm 2022, Châu Lê đã có một quyết định táo bạo khiến nhiều người bất ngờ: rời công ty cũ và lựa chọn khởi nghiệp độc lập với Bamboo Artists Agency (BAA), khai thác thương mại độc quyền với các nghệ sĩ thông qua công ty/label của riêng họ: producer Onionn và nữ ca sĩ Marzuz (thông qua Mai Đào Nation), nhiếp ảnh gia Harry Vũ (thông qua HAHA Studio), nam ca sĩ Viết Thu, MC Tùng Leo, nghệ sĩ chỉnh màu Tsoul Duy...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.