Cựu binh Gurkha cụt 2 chân chinh phục thành công đỉnh Everest

Khánh An
Khánh An
22/05/2023 09:46 GMT+7

Cựu binh Gurkha mất cả 2 chân vẫn thành công leo đến đỉnh Everest, trở thành người đầu tiên cụt 2 chân trên đầu gối chinh phục nóc nhà thế giới.

Cụt 2 chân, cựu binh Gurkha chinh phục thành công đỉnh Everest - Ảnh 1.

Ông Magar (giữa) và nhóm leo núi trên đỉnh Everest

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Tờ The Guardian ngày 22.5 đưa tin một cựu binh Gurkha mất 2 chân tại Afghanistan vừa lập kỳ tích khi leo lên đến đỉnh núi Everest.

Ông Hari Budha Magar (44 tuổi) sống tại thành phố Canterbury ở Anh vừa chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới vào lúc 15 giờ ngày 19.5, sau khi bắt đầu leo từ ngày 17.4 – tròn 13 năm kể từ khi ông bị mất 2 chân trong một vụ nổ.

Trong khi chờ 18 ngày tại trại dưới chân núi để thời tiết thuận lợi, ông và cả đoàn đã chịu đựng điều kiện thời tiết băng giá và đã thấy thi thể 2 nạn nhân được kéo xuống.

"Tất cả áo khoác của tôi đã hoàn toàn đóng băng. Ngay cả nước ấm của chúng tôi trong bình giữ nhiệt cũng bị đóng băng và không thể uống được", ông phát biểu với hãng tin PA tại trại.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu nên sau đó ông chỉ có thể ở lại trên đỉnh núi cao 8.849 m trong vài phút. Trong suốt thử thách, ông được một đội leo núi Nepal hỗ trợ, được dẫn đầu bởi ông Krish Thapa, cũng là một cựu binh Gurkha.

Cụt 2 chân, cựu binh Gurkha chinh phục thành công đỉnh Everest - Ảnh 2.

Ông Magar tại Kathmandu hồi tháng 4

AFP

Ông Budha Magar trở thành người đầu tiên bị cụt cả 2 chân đến trên đầu gối từng chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.

Ông từng cảm thấy cuộc đời mình "hoàn toàn xong", khi mất 2 chân ở Afghanistan và rơi vào trầm cảm, nghiện rượu, nhưng vẫn nung nấu ý định chinh phục đỉnh núi Everest.

Những người bị cụt 2 chân và khiếm thị bị cấm leo núi để giảm tỷ lệ thiệt mạng. Ông đã vận động để dỡ bỏ lệnh cấm.

Cuộc giải cứu kỳ diệu trên đỉnh Everest

Sinh ra tại Nepal, ông đã rời quê hương để phục vụ trong lực lượng Gurkha của quân đội Anh, trước khi bị thương.

Sau khi xuống núi, ông mong trở về cùng gia đình và quay lại Afghanistan nơi ông bị mất chân để "cảm ơn". "Không bị mất chân, tôi sẽ không leo lên đỉnh Everest được. Điều gì xảy ra đều là vì ý nghĩa tốt đẹp", ông cho biết.

Câu chuyện những chiến binh Gurkha

Gurkha là các "siêu đặc nhiệm" thuộc bộ lạc Gurkha ở Nepal nổi tiếng thiện chiến hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh việc tham gia trong quân đội Nepal, chiến binh Gurkha ngày nay được tuyển dụng bởi quân đội Anh, quân đội Ấn Độ, cảnh sát Singapore và lực lượng cận vệ Brunei, dù họ vẫn mang quốc tịch Nepal.

Họ thuộc nhóm dân Rajput Khasi ở miền bắc Ấn Độ, di cư sang Nepal từ thế kỷ 16. Theo truyền thuyết, tổ tiên của họ là Hoàng tử Bappa Rawal đã bảo vệ pháp sư Gorkhanath trong lúc ông đang tham thiền nhập định. Sau đó, Thần đã tặng hoàng tử danh hiệu Gurkha (nghĩa là đồ đệ của Gorkhanath) và tuyên bố Bappa Rawal và con cháu của ông sẽ vang danh thiên hạ về lòng dũng cảm.

Dù tham gia lực lượng nào, chiến binh Gurkha luôn nổi tiếng về khả năng chiến đấu. Năm 2016, một chiến binh Gurkha của Anh từng 1 mình chống 30 lính Taliban tại Afghanistan. Chỉ với 1 con dao khukri, người này đã tiêu diệt 3 tên và làm bị thương nhiều tên khác trước khi đồng đội đến giải cứu.

Nhận định về chiến binh Gurkha, một vị Tham mưu trưởng quân đội Ấn từng nói rằng: "Nếu một người đàn ông nói anh ta không sợ chết, hoặc là anh ta nói dối, hoặc anh ấy là lính đánh thuê Gurkha". Câu nói nổi tiếng cũng là nguyên tắc hoạt động xuyên suốt trong quân ngũ của lính Gurkha đó là: "It is better to die than to be a coward" (Thà chết còn hơn làm thằng hèn).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.