>> HOÀNG GIÁP

Những ngày cuối năm 2018, chúng tôi có dịp theo chân những cựu chiến binh của Công ty TNHH SX-TM-DV B58 (gọi tắt Công ty B58) và cựu chiến binh tỉnh Bình Phước về thăm khu rừng Mã Đà (thường gọi chiến khu D). Từ TP.Đồng Xoài, đi theo tuyến đường ĐT753 chừng 30 km, xuyên qua cánh rừng cao su, chúng tôi đến khu rừng Mã Đà - khu rừng có diện tích hơn 512 ha được giao cho Công ty B58 bảo vệ.

Trên đường vào, những cây rừng hàng trăm năm tuổi vươn mình qua nhiều tầng lá để đón ánh nắng hoàng hôn như thể hiện sức sống mãnh liệt. Nơi đây được xem là một trong những khu rừng còn nguyên vẹn nhất tại tỉnh Bình Phước và còn được biết đến với căn cứ cách mạng chiến khu D huyền thoại.

Ngay đầu bìa rừng, một cây kơ nia cổ thụ hàng trăm tuổi, có gốc to đến hàng chục người ôm được dùng làm nơi thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.

Trước khi dẫn chúng tôi khám phá khu rừng, các cựu chiến binh xếp hàng nghiêm trang thắp những nén nhang, khấn nguyện hương hồn các anh hùng liệt sĩ, đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc cho họ sức mạnh, động lực để tiếp tục giữ rừng, giữ lại chiến trường xưa.

Đưa chúng tôi vào rừng, cựu chiến binh Trần Văn Hòa (61 tuổi) cho hay ông từng trực tiếp chiến đấu tại đây, nên đến nay việc giữ được sự nguyên vẹn của khu rừng là điều hết sức đáng mừng. “Trong chiến tranh, rừng che lấp, bảo vệ chúng tôi. Hầm hào vẫn còn ở đây, bệnh viện của quân giải phóng vẫn còn nằm đây. Thời chiến đã hy sinh nhiều rồi, giờ mình hy sinh một chút nữa để trông coi, bảo vệ rừng này để giữ lại cho đời con đời cháu biết”, ông Hòa tâm sự.

Các cựu chiến binh thắp nhang trước bàn thờ Hồ Chủ tịch

Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (69 tuổi, thương binh 4/4), Phó giám đốc Công ty B58, cho biết: “Công ty có hơn 20 người với 100% cán bộ, công nhân viên đều là những cựu chiến binh, cựu quân nhân và con em gia đình có công với cách mạng ở tỉnh Bình Phước. Suốt nhiều năm qua, chúng tôi luôn quyết tâm phối hợp với chính quyền địa phương để giữ bằng được khu rừng này”.

Không chỉ có các cựu chiến binh thuộc Công ty B58 giữ rừng, tham gia đội xung kích còn có nhiều cựu chiến binh từ TP.Đồng Xoài, H.Đồng Phú. Dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng nhiều cựu chiến binh vẫn vững bước trong cuộc chiến giữ rừng.

Ông Đoàn Quang Hoa (72 tuổi), cựu chiến binh TP.Đồng Xoài, cho hay: “Trước kia, nhiều lâm tặc vào phá rừng, bẫy thú. Khi phát hiện chúng tôi, nhiều lâm tặc chống trả. Chúng đánh chúng tôi trọng thương nhưng cả nhóm vẫn động viên nhau quyết giữ an toàn lực lượng của mình, giữ rừng cây an toàn”. Thấy các cựu chiến binh làm căng, dần dần lâm tặc cũng phải chùn bước trước ý chí và sức mạnh của những người quả cảm; cây rừng không bị phá, thú rừng cũng không bị bắt trộm nữa.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi chia sẻ: “Có những đêm, một số đối tượng đánh dấu cây để khai thác, chặt hạ. Phát hiện sự vụ, anh em chúng tôi giăng võng ngủ tại gốc cây, dựng các chòi chốt để bảo vệ rừng. Lâm tặc phát hiện, lợi dụng chúng tôi đi vắng đã cho người chặt phá, đốt lán trại... Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh em vẫn cố gắng bảo vệ cho bằng được. Ngày xưa, bảo vệ đất nước gian khổ vào sinh ra tử còn không sợ, lẽ nào bây giờ lại đi sợ lâm tặc, không dám bảo vệ rừng”.

Ông Phan Văn Trí (43 tuổi, ngụ xã Đồng Tâm, H.Đồng Phú, nhân viên bảo vệ rừng) cho biết: “Thấy các cô chú nỗ lực, cố gắng để bảo vệ rừng, tôi dần trở nên đam mê với khu rừng này. Đến nay, tôi đã gắn bó với khu rừng gần 10 năm. Mỗi ngày phải đi hàng chục cây số xuyên rừng. Có khi đi từ sáng sớm đến chiều tối, không thì đi từ nửa đêm tới sáng sớm, không có giờ giấc cụ thể nào. Vì nếu đi theo giờ giấc, lâm tặc sẽ biết, canh giờ mình nghỉ để phá rừng”.

Càng đi sâu vào lõi của khu rừng, chúng tôi bắt gặp nhiều loại cây gỗ quý như lim xẹt, chò đen, kơ nia, gõ mật, dầu rái… hàng trăm năm tuổi, đường kính từ vài người đến cả chục người ôm. Đặc biệt trong khu rừng này còn có 54 cây gỗ mật, bằng lăng, kơ nia, chiêu liêu… đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận là cây di sản VN từ năm 2014.

Nguyện vọng của cựu chiến binh Bình Phước là mong muốn khu rừng được bảo vệ bền vững và phát triển thành di tích lịch sử khu du lịch sinh thái

“Đối với các thành viên của công ty, bản chất là những bộ đội Cụ Hồ nên chúng tôi quyết tâm phải giữ rừng đến cùng. Nguyện vọng của công ty là muốn giữ rừng bền vững để lập du lịch sinh thái, tôn tạo di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau”, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi nói.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Hoàng Giáp

Báo Thanh Niên
09.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.